Thả chạch lấu vào ao nuôi cá hô, chỉ lời chứ không lo lỗ

2021-03-18 17:28:34

Hiện nay, trong nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi ghép đã trở nên phổ biến. Rất nhiều loại khi được đưa vào nuôi ghép đã mang lại hiệu quả kinh tế cao bất ngờ. Mặc dù vậy, để nuôi ghép các loại thủy sản với nhau không thể tùy tiện mà phải dựa trên nhiều yếu tố.

Nguyên tắc để nuôi kết hợp các loài cá dựa vào tính ăn và tập tính sống như: sống ở các tầng nước khác nhau để tận dụng nguồn thức ăn, phát huy được mối quan hệ “cùng nhau chung sống, phát triển" giữa các loài cá. Không chỉ tận dụng triệt để không gian sống, nuôi ghép còn giúp người nuôi thu được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Để mô hình nuôi ghép được thành công, người nuôi cần tuân thủ một số yêu cầu như: Số loài nuôi dưới 4 loài; Đối tượng nuôi chính trên 50% tổng các loại cá, còn lại là các đối tượng ghép thêm; Các loại cá thả ghép phải tương đồng về kích cỡ và thả cùng thời gian; Các loài cá ghép phải không cùng tính ăn và không gian sống; Thời gian nuôi các loài cá gần bằng nhau để dễ bán.

Cá chạch lấu và cá hô hiện đang là hai đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao. Hiện giá cá chạch lấu trên thị trường vào khoảng 270.000 đồng/kg, còn cá hô có giá 60.000 đồng/kg. Rất nhiều hộ dân đưa cá chạch lấu và cá hô vào nuôi thương phẩm với quy mô lớn. Đều là loài cá nước ngọt, vậy sẽ thế nào nếu kết hợp chúng trong cùng một ao nuôi? 

Trước khi thả giống, người nuôi cần chuẩn bị ao nuôi với diện tích khoảng 1.500 – 2.000m2, mức nước trung bình khoảng 1,2 – 1,6m. Ao nuôi được lắp đặt 1 giàn máy cung cấp ôxy Superlan có công suất 2HP (hoặc quạt ôxy), có cống cấp và cống thoát chủ động (tháo nước đáy). Sau đó tiến hành lọc cá tạp và cấp nước vào ao, bổ sung chế phẩm sinh học EM hoặc các chế phẩm dòng vi sinh Bacillus sp. để ổn định chất lượng nước.

Gièo nuôi cá chạch được bố trí khoảng 1/3 diện tích ao. Mỗi ao khoảng 10 – 20 gièo, mỗi gièo có kích thước 3×3 m, sâu 2m, tất cả các gièo nuôi đều có giá thể để cho cá trú ẩn.

Mật độ nuôi

Cá hô được thả với mật độ 15 con/100m2. Sau khoảng 1 tháng, tiến hành thả cá chạch lấu trong gièo với mật độ 1.000 con/gièo, kích cỡ con giống khoảng 200 – 250 con/kg (4 – 5 g/con). Ngoài ra trong ao có thể thả thêm 1 số loài trai, ốc để lọc nước.

Thức ăn

Cá chạch lấu nuôi trong gièo được cho ăn bằng cá tạp hoặc thức ăn công nghiệp với lượng bằng 3 – 5% trọng lượng cá. Mỗi ngày cho ăn 1 lần vào buổi trưa. Bên ngoài gièo, cá hô sử dụng thức ăn tự nhiên trong ao.

Chăm sóc

Để đảm bảo môi trường nuôi sạch bệnh, người nuôi cần theo dõi ao nuôi và kiểm tra các yếu tố môi trường hàng ngày. Ao nuôi hoàn toàn không dùng thuốc sát trùng và kháng sinh. Thay vào đó, có thể sử dụng chế phẩm sinh học 2 lần/tuần nhằm duy trì và ổn định chất lượng nước trong ao.

Thu hoạch

Sau khoảng 8 - 10 tháng nuôi, cá chạch lấu đạt kích cỡ 350g/con và cá hô đạt 1kg/con có thể tiến hành thu hoạch. Hệ số chuyển đổi thức ăn trung bình đạt 2,5.

Đánh giá

Cá chạch lấu nuôi trong ao cá hô phát triển khỏe mạnh, cá lớn nhanh, ít bệnh tật. Mô hình này cho tỷ suất lợi nhuận lên đến 108%. Đây là khoản đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt khi thị trường nhiều loại nông sản rớt giá do không xuất khẩu được.

So với nuôi ghép rô phi hoặc cá chép làm chính hay nuôi đơn rô phi, nuôi đơn cá nheo Mỹ… thì mô hình nuôi ghép này đem lại hiệu quả kinh tế cao và dễ thực hiện. 

Mặt khác, nuôi ghép không sử dụng thuốc kháng sinh, hạn chế được chi phí nuôi, đồng thời đảm bảo tính bền vững.

Để thực hiện mô hình này, người nuôi cần thiết lập hệ thống tạo ôxy cho nước liên tục và phải có hệ thống dự phòng khi mất điện, cần quản lý môi trường nuôi tốt. Bên cạnh đó, thời gian nuôi kéo dài khoảng 8 – 12 tháng sẽ phù hợp hơn với hộ nuôi có tiềm lực kinh tế. Nếu có nguồn vốn, người nuôi có thể nuôi kéo dài hơn để thu cá với kích cỡ lớn hơn (400 – 450 g/con) và bán với giá cao hơn (350.000 đồng/kg).

Nếu cần tư vấn kĩ thuật hay địa chỉ mua con giống, bà con có thể gọi điện đến tổng đài 1045 của mạng Viettel (ấn phím 2.2 để gặp chuyên viên hỗ trợ địa chỉ mua bán, ấn phím 5 để gặp chuyên gia hỗ trợ kĩ thuật) hoặc đặt câu hỏi trong mục Hỏi-đáp. Lưu ý, Cổng Nông Dân không phải là nơi bán giống, chúng tôi chỉ hỗ trợ tìm địa chỉ.

Chúc bà con thành công!

Cổng Nông Dân

Ý kiến bạn đọc ()
Mông Đức Mạnh
19/03/2021 10:18

tôi ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên muốn mua giống nuôi thử nghiệm thì có những trại giống nào uy tín. rất mong được giúp đỡ

Trả lời


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng