NT-Chống rét cho thủy sản nuôi

2023-12-27 18:57:34

Trong điều kiện thời tiết mưa rét kéo dài, ngành thủy sản đã tổ chức hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Thu hoạch tôm trên cát

Theo ông Võ Văn Chương ở xã Quảng Công (Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng như các hộ nuôi tôm trên cát và nuôi cá lồng trên sông, đầm phá, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra hiện tượng cá, tôm chết, hay có dấu hiệu bất thường do mưa rét những ngày qua. Tuy nhiên, theo ông Chương thì tình trạng mưa rét nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thủy sản mất sức đề kháng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, chết.

Ngoài các biện pháp truyền thống, theo kinh nghiệm của người dân, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã triển khai hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, bảo vệ thủy sản mùa mưa rét một cách bài bản, khoa học. Việc kết hợp giữa kinh nghiệm của người dân với các biện pháp khoa học của ngành thủy sản sẽ hạn chế tối đa nguy cơ thiệt hại do mưa rét kéo dài.


Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, chỉ nên tổ chức sản xuất, nuôi trồng thủy sản trong mùa đông đối với các cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện, có thể chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản. Trong thời gian xảy ra giá rét, tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra, không thu hoạch theo cách đánh tỉa để hạn chế xây xát nhằm giảm khả năng xuất hiện các bệnh và thiệt hại cho thủy sản nuôi.

Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm đến kỳ thu hoạch, nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá chuối, ba ba, cá vượt, cá chim vây vàng... cần tổ chức thu hoạch, không để xảy ra hiện tượng thủy sản chết do rét.

Trong khi đó, thủy sản đang nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm, đàn bố mẹ, cá giống cần áp dụng các biện pháp chống rét. Các hộ nuôi cần duy trì mực nước trong ao nuôi để ổn định nhiệt độ nước, đảm bảo độ sâu 1,5 - 2m; thả sọt đan bằng tre nứa, bên trong sọt có các búi rơm tạo giá thể để thủy sản trú ẩn tránh rét, sọt được đặt ở góc phía bắc ao nuôi.

Người dân cần làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nylon sáng màu (nếu có đủ điều kiện), hoặc thả bèo tây trên mặt ao từ 1/2-2/3 diện tích mặt nước ao nuôi về phía bắc để chắn gió; cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt nước ao nuôi và khi có ánh nắng sẽ tăng khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi; di chuyển lồng bè đến nơi ít gió, hoặc thả sâu lồng nuôi 1,8 - 2,0m.

Các hộ nuôi phải cho thủy sản ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp và bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng. Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 15oC thì ngừng cho thủy sản ăn. Vào thời điểm nắng ấm trong ngày có thể cho cá, tôm ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.

Định kỳ mỗi tháng một lần dùng CaO với liều lượng 2-3kg/100m2 bón xuống ao nuôi. Người nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường để kịp thời xử lý nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Theo tepbac.com


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng