Triển vọng từ mô hình trồng sâm bố chính

2023-10-04 09:26:57

Thời gian qua, việc nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng các loại cây trồng mới được sự quan tâm của chính quyền địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc trồng sâm bố chính tại xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) đang là một trong những mô hình như vậy.

Cây sâm bố chính trồng tại vườn nhà ông Trần Ngọc Luận, thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang. Ảnh: PN

Trước đây, trên 3 sào đất nông nghiệp của gia đình ông Trần Ngọc Luận, thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang chỉ trồng rau, hoa màu, hiệu quả kinh tế không cao nên ông Luận quyết định chuyển hướng sang trồng cây dược liệu. Ban đầu ông Luận tìm hiểu và lựa chọn trồng gừng, nhưng đã 3 năm nay giá gừng bấp bênh, có năm thương lái không thu mua nên thu nhập từ việc trồng gừng không như mong đợi. Sau khi được UBND xã Vinh Quang và Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum giới thiệu tham gia thí điểm mô hình trồng cây sâm bố chính, năm nay ông Luận quyết định chuyển 1 sào đất đang trồng gừng sang trồng loại sâm này.

Ông Trần Ngọc Luận cho biết: “Tôi đã tìm hiểu rất nhiều các nguồn thông tin về các loại giống cây dược liệu, tôi thấy về giá cả các loại cây dược liệu cao hơn rất nhiều so với trồng rau màu. Do đó, khi được xã giới thiệu thí điểm trồng mô hình tôi mạnh dạn tham gia ngay”.

Bà Phạm Thị Thùy Trang - giảng viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, phụ trách hỗ trợ mô hình trồng sâm bố chính cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại xã Vinh Quang thì thấy khí hậu, thời tiết tại đây rất phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của sâm bố chính nên quyết định triển khai mô hình. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch chi tiết để hỗ trợ người dân thực hiện”.

Tham gia mô hình, ông Trần Ngọc Luận được hỗ trợ giống, phân bón, trấu, xơ dừa, hệ thống tưới, hỗ trợ công làm cỏ, công chăm sóc và gia đình đối ứng 1 nhân công trong suốt quá trình thực hiện; được đội ngũ giảng viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng cây và quy trình chăm sóc trong tất cả các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây sâm. Đồng thời, sản phẩm sâm bố chính của hộ ông Luận được hỗ trợ giới thiệu tới các doanh nghiệp chế biến dược liệu tiêu thụ sản phẩm.

Sâm bố chính là một loại cây dược liệu quý hiện nay đang được trồng thử nghiệm tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trong rễ sâm bố chính chứa rất nhiều loại chất dinh dưỡng có tác dụng dược liệu, dùng cho hơn 20 bài thuốc dân gian và có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất nước giải khát, ngâm rượu, mỹ phẩm. Theo một số tài liệu nghiên cứu, trong rễ sâm bố chính chứa các dưỡng chất như phytosterol, coumarin, acid béo, acid hữu cơ, đường khử và hợp chất uronic; các acid amin gồm 11 chất, trong đó có histidin, arginin, threonin, alanin, prolin, tyrosin, valin, phenylalanin và leucin; ngoài ra, còn có 13 nguyên tố khoáng cần thiết cho cơ thể.

Sau 3 tháng cây sâm được đánh giá cao về độ phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai, kích thước củ sâm đã đạt tiêu chuẩn của sâm thương phẩm và đang trong giai đoạn tích trữ chất dinh dưỡng để đảm bảo hàm lượng dược chất cho củ sâm. Ông Trần Ngọc Luận cho biết: “Sau thời gian trồng tôi thấy cây này phù hợp với loại đất pha cát vì cây ưa nắng tôi thấy nên trồng vào mùa nắng, bắt đầu xuống giống sau mùa mưa là phù hợp nhất, tôi thấy loại cây này hầu như không có sâu, trong mùa mưa có xuất hiện nấm thì cũng sẽ điều trị được”.

Bà Phạm Thị Thùy Trang cho biết thêm: “Quá trình theo dõi trong 3 tháng qua, hiện giờ khi chúng tôi nhổ kiểm tra thì thấy kích thước củ, trọng lượng củ cũng như số lượng rễ đã đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên để đạt được hàm lượng thu hoạch cây phải đạt được độ tuổi từ 12-18 tháng, lúc đó cây mới tích trữ được dược chất đạt hàm lượng yêu cầu”.

Mô hình chuyển đổi diện tích trồng truyền thống sang trồng sâm bố chính là một hướng đi phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây dược liệu của thành phố Kon Tum, góp phần mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân.

Phan Nghĩa

Theo vietlinh.vn


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng