Nuôi tôm ghép với loài nào cho hiệu quả tăng lên gấp bội?

2020-08-20 11:36:38

Tôm là đối tượng thủy sản được nuôi phổ biến ở nước ta từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm độc canh cho lợi nhuận không cao cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh và thị trường. Chính vì thế, hình thức nuôi tôm ghép với các loại thủy sản khác đã ra đời, giúp bà con hạn chế được rủi ro và tăng hiệu quả kinh tế. Vậy, loài thủy sản nào có thể sống chung với tôm?

1.    Tôm – cá

Mô hình tôm cá không còn mới với người nuôi thủy sản nước ta. Nhiều loại cá có thể nuôi kết hợp với tôm như: cá trắm, cá trôi, cá mè, cá rô phi, cá diêu hồng, cá đối, cá chẽm… Trong đó, cá diêu hồng là loài thủy sản rất thích hợp để nuôi ghép với tôm, nhất là tôm thẻ chân trắng.

Cá diêu hồng ăn tạp nhưng không cạnh tranh thức ăn với tôm. Ngược lại, cá diêu hồng ăn phân của tôm, chất thải của chúng là dinh dưỡng để nuôi tảo. Và tảo lại chính là thức ăn của tôm. Do vậy, chúng có thể hỗ trợ cho nhau để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.

Hơn nữa, theo một nghiên cứu gần đây cho thấy phần nhớt trên cá diêu hồng là một trong những kháng thể không đặc hiệu. Khi tôm ăn thức ăn có phần nhớt này sẽ giúp chúng tăng khả năng phòng bệnh. Bà con có thể thả tôm kích cỡ từ 1 - 1,5g/con với mật độ 100 con/m2, cá diêu hồng với mật độ 2 con/m2 và chọn cá có kích cỡ từ 40 - 50 con/kg. Khu vực miền Bắc nên thả nuôi vào vụ xuân- hè để tránh mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp. Tôm thẻ thả nuôi được 10 - 15 ngày mới thả cá giống vào để nuôi ghép.

Lưu ý: Không được nuôi tôm ghép với cá chép vì tôm là thức ăn ưa thích của cá chép. Nếu thả cùng với nhau, tôm sẽ bị cá chép tiêu diệt, gây thiệt hại về kinh tế.

2.    Tôm – cua

Nếu đang có ao nuôi tôm sú, bà con nên thả thêm cua vào làm đối tượng nuôi chung. Mặc dù tôm nuôi với cua sẽ không tránh khỏi tình trạng cua ăn tôm khi lột xác và ngược lại. Tuy nhiên, tỉ lệ sống của chúng không thấp hơn nhiều so với nuôi đơn, bù lại, thu hoạch được thêm sản lượng cua đáng kể. Nhờ đó, lợi nhuận của mô hình cũng tăng lên. Ước tính nếu thả thêm cua, chi phí đầu tư tăng khoảng 15 – 20 triệu đồng/ha/vụ nhưng tiền lãi tăng lên 30 – 40 triệu đồng/ha/vụ. 

Mô hình tôm-cua kết hợp tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thuận Phát (ấp Mười Huỳnh, xã Đông Hưng, An Minh, Kiên Giang)

Để thành công với mô hình nuôi tôm-cua kết hợp, bà con cần lưu ý một số điểm sau đây:

-    Thời điểm thả cua trong ao tôm để nuôi ghép rất quan trọng, giúp giảm bớt hiện tượng ăn nhau giữa 2 loài. 
Nếu nuôi từ cua bột (cua hạt tiêu, tương ứng cua 1 – 2 ở trại giống) thì thả cùng lúc với tôm. Nhưng cua phải được ương trong vèo khoảng 7 ngày trước khi bung vèo ra ao tôm sú. Vèo ương nên đặt ngay trong ao tôm. Mật độ thả từ 1 – 1,5 con/m2.

Nếu nuôi từ cua hạt dưa thì giống cua được thả sau khi thả giống tôm 7 – 10 ngày. Mật độ thả khoảng 1 con/m2.

Nếu nuôi từ cua hạt me thì thả giống cua sau khi thả giống tôm 15 – 20 ngày. Mật độ thả khoảng 0,5 con/m2. Nói chung, cua càng lớn mật độ thả càng thấp.

-    Tôm sú thả nuôi theo hình thức này là 12 – 15 con/m2. 

-    Trong ao nuôi phải có chỗ để cua trú ẩn và lột xác sinh trưởng. 

-    Thường xuyên kiểm tra bờ, cống, rào chắn để kịp thời sửa chữa, tránh để cua thoát ra ngoài.

3.    Tôm - sò

Sò huyết là loài hải sản rất khỏe, ít bệnh và không tốn công chăm sóc. So với nuôi tôm, cua thì nuôi sò nhàn hơn rất nhiều vì không cần phải cho ăn. Chính vì vậy, thả sò huyết vào ao nuôi tôm là lựa chọn thông minh, giúp tăng thêm thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Ngoài mô hình tôm-sò, bà con có thể kết hợp cả tôm-cua-sò hoặc cá-tôm-sò. Sau 8 - 9 tháng thả nuôi, sò đạt trọng lượng 60 - 70 con/kg là có thể xuất bán. Giá bán mỗi kg sò hiện đang dao động từ 70.000 - 100.000 đồng.

Để thả nuôi thêm sò, cần đảm bảo các điều kiện sau:

-    Ao nuôi không được có rong sống dưới đáy. Vì sò không sống được trong môi trường có rong.

-    Thời điểm thích hợp để thả sò: từ tháng 4 - 7 dương lịch.

-    Chọn sò huyết giống loại 500 - 800 con/kg là phù hợp, vừa giảm thất thoát trong quá trình nuôi lại nhanh cho thu hoạch. Với kích cỡ này, chỉ sau khoảng 7 - 8 tháng nuôi, sò huyết đạt 60 - 70 con/kg. Còn nếu bà con chọn giống loại 1.000 - 1.200 con/kg thì phải mất từ 12 - 18 tháng mới có thể cho thu hoạch.

-    Mật độ thả như sau: sò huyết cỡ 500 - 1.000 con/kg nuôi với mật độ 80 - 100 con/m2, (thả 1 - 2 đợt/năm); tôm sú mật độ 1 - 1,5 con/m2, cỡ giống từ PL12 - 15 (có thể thả 3 - 4 đợt/vụ/năm, mỗi đợt cách nhau 1,5 - 2 tháng); cá rô phi mật độ 0,6 - 1 con/m2 (1 đợt/năm). Lưu ý: thả tôm giống (đợt 4) sau khi thả sò huyết 1 tháng.

Trên đây là một số mô hình nuôi tôm kết hợp nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình thực hiện, nếu cần tư vấn kĩ thuật hay địa chỉ mua con giống, bà con có thể gọi điện đến tổng đài 1045 của mạng Viettel (ấn phím 2.2 để gặp chuyên viên hỗ trợ địa chỉ mua bán, ấn phím 5 để gặp chuyên gia hỗ trợ kĩ thuật) hoặc đặt câu hỏi trong mục Hỏi-đáp. Lưu ý, Cổng Nông Dân không phải là nơi bán giống, chúng tôi chỉ hỗ trợ tìm địa chỉ.

Chúc bà con thành công!

Cổng Nông Dân
 


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng