Nghề mới mỗi tuần: Có nên đầu tư nuôi cheo cheo để làm giàu?

2021-01-18 17:29:30

Cheo cheo, hay còn có cách gọi khác là cheo, là động vật thuộc bộ guốc chẵn, nằm trong danh sách những động vật quý hiếm của nước ta. Khá nhiều người nhầm lẫn giữa cheo cheo và nai, hoẵng nhỏ vì ngoại hình có nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, cheo cheo không có sừng và xét về khối lượng, chúng chỉ bằng khoảng 1/10 của nai. 

Đôi nét về cheo cheo:

Chúng sở hữu ngoại hình khá khiêm tốn. Chiều dài cơ thể chỉ khoảng 40 – 80cm, chiều cao trung bình khoảng 30cm. Vào độ tuổi trưởng thành, mỗi cá thể cheo cheo có cân nặng từ 1,5 - 10kg tùy loài. Một số loại cheo cheo ở nước ta, con trưởng thành có cân nặng chỉ vào khoảng 3kg. Chúng có bộ lông ngắn, hơi xù, có màu vàng đậm hoặc nâu. Phần bụng có lông màu trắng và đậm dần về phía lưng.

Cheo cheo có ngoại hình khá nhỏ bé so với các loài khác cùng bộ guốc chẵn

Khác với nai, đầu của cheo cheo khá dài, mõm nhọn và có 2 tai vểnh. Mắt của chúng không có tuyến lệ ở đằng trước, răng cửa trên bị khuyết còn răng nanh lại mọc dài ra bên ngoài mép. Cheo cheo rừng có màu tai hơi đỏ, còn cheo cheo khi được nuôi bán hoang dã lại có viền tai màu đen. Tứ chi của cheo cheo khá ngắn và mảnh, chỉ có hai ngón thứ 3 và 4 phát triển. Phần đuôi thường dài đến khớp gối chân.

Về tập tính, cheo cheo là loài rất “nhát gan”. Môi trường sống của chúng là những cánh rừng khô ráo, có nhiều bụi cây rậm rạp để dễ dàng lẩn trốn. Do không có răng cửa và chi yếu nên cheo cheo không thể tự đào hang. Trong môi trường tự nhiên hoang dã, chúng thường sống ở những gốc cây hoặc các hang tự nhiên, kín đáo. Khi đêm đến, chúng mới bắt đầu ra ngoài để kiếm ăn. 

Nếu nuôi theo mô hình bán hoang dã, cheo cheo có thể xuất hiện cả ban ngày. Tuy nhiên, khi có động tĩnh, chúng sẽ nhanh chóng tìm nơi lẩn trốn nên phải mất nhiều thời gian để cho chúng làm quen với con người.

Do vậy, nếu nuôi cheo cheo theo mô hình bán hoang dã, trong khu vực nuôi bà con phải tạo những hang hoặc làm nơi trú ẩn cho chúng. Thiết kế chuồng nuôi khá đơn giản, có thể tạo hang bằng cách kê các viên gạch với nhau hoặc dùng những ống nhựa lớn tạo hang giả. Môi trường sống phải có nhiều tán cây tự nhiên che bóng mát và các lùm cỏ. 

Thức ăn ưa thích của cheo cheo là các loại hoa quả, lá cây, chồi, thân non, củ, nấm, các loại côn trùng… 

Rau quả là một trong những món ăn ưa thích của cheo cheo

Mặc dù có ngoại hình khá khiêm tốn thế nhưng giá trị kinh tế của cheo cheo lại không hề nhỏ chút nào. Giá con giống có thể lên đến 2 - 5 triệu đồng/cặp trọng lượng 2kg, giá thương phẩm cũng hơn 800.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hạn chế của cheo cheo là nhân đàn rất chậm. Nếu ở ngoài tự nhiên, mỗi năm chúng chỉ đẻ 1 lần, mỗi lần 1 con. Trong môi trường nuôi  bán hoang dã, chúng có thể đẻ 2 -3 lần/năm. Do vậy, nếu nuôi thương phẩm sẽ rất lâu có thể thu hồi vốn. Mặt khác, số lượng loài này ngoài tự nhiên còn rất ít, nên ngoài nuôi thương phẩm, người nuôi cheo cheo có thể kiếm thu nhập từ nhiều hình thức khác nhau. 

Anh Nguyễn Văn Thuyết – chủ trang trại nuôi cheo cheo ở Bạc Liêu cho biết, thực tế mô hình của anh hiện tại đang có thu nhập từ việc cung cấp cheo cheo làm cảnh và cung cấp giống cho nhiều người nuôi khác. Bên cạnh đó, việc mở cửa phục vụ các đoàn nghiên cứu và học sinh tham quan cũng giúp anh thu về khoản thu nhập không nhỏ. Hiện cơ sở cheo cheo của anh nhân giống không kịp phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mô hình này hiện có rất ít ở nước ta, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây. Việc nuôi cheo cheo không chỉ giúp cải thiện kinh tế mà còn là biện pháp để giảm mức độ săn bắt loài động vật này ngoài tự nhiên. Theo đánh giá, đây là một mô hình tiềm năng và phải rất lâu nữa mới bão hòa.

Chuồng nuôi cheo cheo

Về kĩ thuật nuôi cheo cheo, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

-   Cheo cheo là loài động vật hoang dã quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam. Do vậy, trước khi nuôi bà con cần phải đăng ký với Chi cục Kiểm lâm sở tại và chứng minh được nguồn gốc vật nuôi hợp pháp. Điều này là việc làm rất quan trọng để không vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

-    Con giống phải chọn những con lông mượt, nhanh nhẹn, háu ăn. Khi bắt cheo cheo, không được túm vào bụng của chúng mà túm vào tai như bắt thỏ hoặc túm vào 2 chân trước.

-    Cheo cheo ít bệnh tật, ăn tạp nhưng chủ yếu thiên về thực vật. Do vậy, chi phí thức ăn và thuốc men không cao. 

-    Đến thời kì sinh sản, cheo cheo chui vào hang đẻ con và tự nuôi con bằng sữa, người nuôi không phải can thiệp. Tại một số vùng trồng cây ăn quả, người dân thường thả nuôi cheo cheo kết hợp với một số loài động vật khác. Chúng sẽ ăn những quả rụng và sống bán hoang dã ngay trong vườn.

Nuôi cheo cheo không khó và không đòi hỏi nhiều kĩ thuật. Bà con có thể áp dụng mô hình này để phát triển kinh tế. 

Nếu cần tư vấn kĩ thuật hay địa chỉ mua con giống, bà con có thể gọi điện đến tổng đài 1045 của mạng Viettel (ấn phím 2.2 để gặp chuyên viên hỗ trợ địa chỉ mua bán, ấn phím 5 để gặp chuyên gia hỗ trợ kĩ thuật) hoặc đặt câu hỏi trong mục Hỏi-đáp. Lưu ý, Cổng Nông Dân không phải là nơi bán giống, chúng tôi chỉ hỗ trợ tìm địa chỉ.

Cổng Nông Dân

Ý kiến bạn đọc ()
Võ tấn pháp
27/10/2023 20:33

Cần mua vài con giống

Trả lời

Đồng Hùng Hải
31/07/2022 13:09

Tư vấn nuôi cheo

Trả lời

Trần huy phong
12/07/2022 02:26

e muốn a add zalo số đt e : trao đổi về môi trường nuôi bố trí chuồng trại và 10 con cheo cheo giống

Trả lời

Phạm thị tuyết nhung
12/06/2022 14:30

Mình muốn mua 1 cặp cheocheo

Trả lời

Tran van hai
23/10/2021 03:33

Cho hỏi cheo bao nhiêu tuổi mới bắt đầu sanh sản ạh

Trả lời

Nguyễn thế hiếu
02/10/2021 20:40

Mình muốn mua 1 cặp

Trả lời

Nguyễn
01/04/2021 11:41

Có treo giống k

Trả lời


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng