Chuyển từ làm muối, nuôi tôm qua nuôi Artemia, vừa nhàn vừa hốt bạc

2021-02-25 15:34:38

Xuất phát từ việc làm muối vất vả và kém hiệu quả, nuôi tôm lại đối mặt với nhiều rủi ro, nhiều diêm dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi Artemia.

Artemia là loại giáp xác nhỏ, được tìm thấy nhiều nơi trên thế giới. Chúng có khả năng sống ở cả những vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới cho đến ôn đới. Ở điều kiện tự nhiên, Artemia sống ở độ mặn > 70‰ nhưng có thể chết ở độ mặn bão hòa của muối là 250‰. Loại ấu trùng này chứa nhiều axitamin, axit béo, chất khoáng, giàu đạm. Bổ sung Artemia trong thức ăn sẽ giúp tôm cá tiêu hóa dễ dàng hơn, bảo vệ đường ruột khỏi các tác nhân gây bệnh, đồng thời giúp quá trình hấp thụ các chất đạm vào cơ thể được nhanh chóng. Ngoài ra, Artemia còn góp phần tạo màu sắc cho tôm cá, rất hữu ích trong nuôi cá cảnh. 

Bởi vậy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi trồng thủy sản, Artemia được đưa vào nuôi với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu sử dụng thức ăn cho thủy sản. 

Vòng đời của Artemia được diễn ra như sau: Trứng nở thành ấu trùng, lúc này, chiều dài của ấu trùng chỉ khoảng 400 – 500µm. Bộ máy tiêu hóa của chúng chưa hoàn chỉnh nên chỉ sống dựa vào nguồn noãn hoàng. Sau khi nở 8 giờ, ấu trùng lột xác và có thể tiêu hóa các loại thức ăn kích thước nhỏ từ 1 – 50µm. Sau 10 – 15 ngày, ấu trùng sẽ trải qua 15 lần lột xác trước khi đến giai đoạn trưởng thành. Artemia là loài ăn lọc, chúng ăn mùn bã hữu cơ các vi tảo cực nhỏ, vi khuẩn…

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đủ điều kiện sản xuất được Artemia. Trước đây, việc nuôi nhân tạo loài này ở nước ta thường gặp một số khó khăn như thức ăn bị hạn chế do nguồn nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân đã tận dụng nguồn phụ phẩm dồi dào từ sản xuất nông nghiệp để nuôi sinh khối Artemia tươi sống. Qua đó, giảm bớt được nhiều chi phí nuôi, đồng thời giúp mô hình này trở nên phổ biến hơn ở nước ta. 

Mỗi ha nuôi Artemia cho sản lượng 100 – 150kg/vụ. Trứng Artemia tươi bán tại ruộng vào khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg, trứng sấy khô giá 4,5 – 5,5 triệu đồng/kg. So với nuôi tôm, Artemia không đòi hỏi nhiều kĩ thuật, chúng cũng ít rủi ro hơn cho người nuôi. Hiện nguồn Artemia sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, do vậy tiềm năng để phát triển mô hình này còn rất lớn. Bên cạnh đó, chất lượng và độ đạm của trứng Artemia ở nước ta được đánh giá rất cao, nhất là tại vùng nuôi Sóc Trăng, Bạc Liêu. Do vậy, trứng Artemia ở đây có mức giá trên 250 USD/kg, trong khi các nước khác chỉ bán với giá 150 USD/kg. 

Artemia đang được xem là đối tượng thích hợp để thay thế những vùng sản xuất muối và nuôi tôm kém hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho người dân, đồng thời đảm bảo nguồn cung cho cả nước.

Nếu cần tư vấn kĩ thuật hay địa chỉ mua con giống, bà con có thể gọi điện đến tổng đài 1045 của mạng Viettel (ấn phím 2.2 để gặp chuyên viên hỗ trợ địa chỉ mua bán, ấn phím 5 để gặp chuyên gia hỗ trợ kĩ thuật) hoặc đặt câu hỏi trong mục Hỏi-đáp. Lưu ý, Cổng Nông Dân không phải là nơi bán giống, chúng tôi chỉ hỗ trợ tìm địa chỉ.

Cổng Nông Dân

Ý kiến bạn đọc ()
Nguyễn Văn mạnh
26/02/2021 07:58

Nuôi tôm chán quá . chưa hiểu về loại này như thế nào . nuôi như thế nào.ban như thế nào

Trả lời


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng