CS-Kỹ thuật trồng rau má an toàn

2019-07-09 15:27:48

Cây rau má hay còn gọi là tích tuyết thảo, lôi công thảo, là một loài cây thân bò thuộc họ Hoa tán, có nguồn gốc từ Úc, các đảo Thái Bình Dương, New Guinea và châu Á.

Cây rau má được sử dụng như một loại rau đồng thời như một loài cây thuốc.  Thân cây rau má gầy, màu xanh hay hơi tía, có rễ ở các đốt. Lá rau má hình thận (hình tròn dẹt) phần đỉnh lá tròn, màu xanh, cuống dài 5-20cm, các gân lá dạng lưới. Bộ rễ bao gồm các thân rễ, mọc thẳng, có màu trắng và các lông tơ.
1. Thời vụ trồng rau má 
- Vụ chính: Trồng tháng 9-4 để lợi dụng độ ẩm và nền nhiệt thấp, mát mẻ trong mùa mưa.
- Vụ trái: Tháng 4-8 thời tiết nắng nóng, trồng những nơi có chủ động nước tưới, phải che chắn, giữ ẩm (rau má trồng vụ này bán được giá hơn)
2. Giống: Có thể trồng rau má bằng hạt hoặc bằng thân. Giống cần mua ở các cơ sở bán giống tin cậy.
- Trồng hạt: Hạt rau má rất dễ nảy mầm, nên chỉ cần dùng hạt giống gieo trực tiếp vào đất. Lượng giống hạt 200g/500m2.
- Trồng bằng thân 
+ Sử dụng giống rau má bản địa; có 2 loại: rau má xanh có thân lá màu xanh và rau má tía (thân lá tía). Rau má tía ăn thơm ngon, đắng hơn rau má xanh. 
+ Chọn giống 3 tốt: ruộng tốt, khóm tốt, cây tốt, không bị sâu bệnh.


Cây rau má

- Cây giống đem trồng là những đoạn thân có từ 2-3 đốt trở lên hoặc cả cây (thân, lá, rễ).
- Cây đã bò trên luống hoặc mọc thành bụi, có nhiều dây. Lượng giống thân 40-50kg/500m2.
3. Nguồn nước tưới
- Nước không ô nhiễm kim loại nặng và các sinh vật gây bệnh.
- Sử dụng nước tưới là nước sạch: Giếng khơi hoặc giếng khoan.
4. Chuẩn bị đất trồng, phân bón và bón lót
4.1.Chuẩn bị đất và làm đất
- Đất trồng rau má tốt nhất là đất phù sa giàu mùn, tơi xốp, giữ nước giữ phân tốt, hoặc đất cát pha.
- Đất không bị ô nhiễm, đảm bảo tiêu chuẩn quy định chung của sản xuất rau an toàn.
- Đất được cày bừa kỹ, bằng phẳng, sạch cỏ, phân thành những luống hoặc băng rộng 3-4m, cao 5-10cm để thoát nước. Nếu ruộng cao thoát nước tốt, không cần lên luống, vì rau má có thể phát triển bò lan dày đều trên ruộng, có tác dụng giữ ẩm và chống cỏ dại tốt hơn.
4.2.Yêu cầu về phân bón
- Phân chuồng phải ủ hoai mục và phân hữu cơ sinh học được dùng để bón lót, tuyệt đối không được sử dụng phân tươi, phân chưa hoai mục.
- Lượng phân bón: Phân bón tính cho 500m2.
 Phân chuồng hoai mục 500kg, Urê 6kg, Lân supe 15kg, Kalisunphat 4kg, vôi bột 100kg. 50kg tro bếp.
- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, lân hoặc phân hữu cơ vi sinh, 20% đạm (1,2kg), 30% kali (1,2kg), toàn bộ vôi bón lúc làm đất.
5. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
5.1. Cách trồng
- Phân bón lót đã trộn đều trong đất khi làm luống, khi trồng rạch hàng cách nhau 10cm, trồng các cây với khoảng cách 10cm (khoảng cách trồng 10 x10)
- Đặt cây ở đáy rãnh, chừa 1/3 ngọn lấp đất, ấn chặt gốc, tưới nước giữ ẩm, phủ luống bằng rơm hoặc vật phủ khác để giữ ẩm và chống mưa to, cỏ dại.
5.2. Bón thúc kết hợp làm cỏ
- Bón thúc lần 1: Sau trồng 10 ngày khi rau má ra lá mới: Phân Urê 40% (2,4kg);  30% Kali sunphat (1,2kg) bón thúc phân kết hợp với xới đất, làm cỏ vun gốc. 
- Bón thúc lần 2: Sau khi thúc lần 1 từ 15-20 ngày, bón thúc phân kết hợp với xới đất, làm cỏ vun gốc. 40% Ure (2,4kg) và 40% kali sunphat (1,6kg) còn lại.


Thu hoạch rau má

+ Có thể bón NPK thay thế phân đơn, lân hữu cơ vi sinh thay lân super 20kg
+ Phủ luống giữ ẩm và phòng cỏ dại.
5.3. Tưới nước: Vào mùa nắng tiến hành tưới nước 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát. Nếu trời mưa thì nên hạn chế tưới nước, có thể tưới lượng nước ít để rửa lá, tránh môi trường thay đổi đột ngột làm cây hư hỏng. Kiểm tra ruộng tránh để tình trạng đất bị ngập nước, rau má bị úng.
5.4. Chăm sóc và bón phân ruộng sau mỗi đợt thu hoạch:
- Sau mỗi đợt thu hoạch, bón thúc phân đạm Urê 3kg và Kali 1,6kg, phân chuồng hoai mục, phân sinh học để cây sinh trưởng khỏe, mọc dày, nhiều lá. Kết hợp tưới nước, xới xáo và làm cỏ.
- Phun thêm phân bón lá Vườn sinh thái, Atonnic hay Humat cho rau 10ngày/1lần có thể tăng năng suất lên 30-50% mà vẫn đảm bảo chất lượng.
- Bón thêm tro bếp khoảng 50-100kg để rau má có lá dày, ít sâu bệnh (nếu thiếu phân chuồng nên bón thêm mùn rơm rạ mục 300-500kg hoặc phân bón sinh học).
- Kết thúc bón đạm trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày để tránh lượng nitrat chưa chuyển hóa còn dư thừa trong rau.
- Sử dụng các sản phẩm sinh học và có nguồn gốc sinh học như Trichomix, Biogro, men vi sinh EM2 để cải tạo đất và tăng khả năng chống chịu của cây trồng.
6. Phòng trừ sâu, bệnh hại: Thường xuyên quan sát phát hiện sớm sâu bệnh hại để kịp thời xử lý. Biện pháp xử lý đối với một số sâu, bệnh thường gặp:
- Sâu xanh ăn lá: Cày ải phơi đất để diệt sâu non và nhộng. Vệ sinh đồng ruộng. Luân canh cây trồng (ngô, lúa). Sử dụng thuốc theo hướng dẫn khi mật độ sâu cao.
- Sâu ăn ngọn: Phát hiện sâu sớm. Diệt sâu tuổi 1-2. Phun thuốc sớm.
- Bệnh đốm lá: Vệ sinh đồng ruộng, thông thoáng. Sử dụng thuốc trừ bệnh.
* Nguyên tắc phòng trừ sâu, bệnh:
- Khi có sâu bệnh cần trao đổi với cán bộ kỹ thuật bảo vệ thực vật để xử lý đúng phương pháp và hiệu quả.
- Các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây rau má phải nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Các loại thuốc sử dụng khi phun phải tuân thủ đúng chỉ dẫn ghi trên bao bì về liều lượng và thời gian cách ly.
7. Thu hoạch
7.1. Thời điểm thu hoạch:
- Thu lứa chính đầu tiên sau trồng 3-4 tháng (trước đó có thể thu tỉa để cho rau phát triển đồng đều trên luống). Các lứa sau tùy theo tình hình sinh trưởng của rau má, có thể 25-30 ngày thu một lần.
7.2. Yêu cầu chất lượng:
- Thu rau đúng độ lớn (đảm bảo năng suất, chất lượng), loại bỏ lá già, héo, bị sâu bệnh. Thu hoạch rau má vào buổi chiều mát, rửa kỹ bằng nước sạch, để ráo nước rồi cho vào bao, túi sạch trước khi mang đi tiêu thụ.

Theo Cổng nông dân
 


Xem thêm





CS-Kỹ thuật tạo giống cây ba kích

Ba kích (Morinda officinalys) là cây dược liệu quý, có nhiều công dụng như bổ thần kinh, bổ gân cốt, chữa thấp khớp… và có giá trị xuất khẩu cao...


CS-Kỹ thuật trồng cây hoa hòe

Cây hoa hòe được trồng để thu hoạch hoa, đây là một vị thuốc nam có giá trị kinh tế. Bà con có thể tham khảo bài viết dưới đây để nắm rõ kỹ thuật trồng...



CS-Kỹ thuật trồng cây xạ đen

Cây xạ đen có tác dụng phòng chống trong điều trị ung thư, hạn chế phát triển của các khối u; tiêu viêm giải độc, mát gan; ăn ngủ tốt, tăng cường sức đề kháng...




Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng