CS-Kỹ thuật trồng Diêp hạ châu an toàn

2019-07-31 07:02:10

Trước đây, Diệp hạ châu chưa được trồng ở diện tích tập trung, dược liệu chủ yếu dựa vào nguồn cung từ việc thu gom cây mọc tự nhiên. Để chủ động có Diệp hạ châu nguyên liệu cho việc bào chế thuốc chữa bệnh, trồng tập trung có đầu tư và có kỹ thuật sẽ giải quyết được vấn đề trên

Diệp hạ châu Phyllanthus amarus Schum, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae, Diệp hạ châu (DHC) còn có tên gọi khác là chó đẻ răng cưa, chó đẻ thân xanh. Theo kinh nghiệm dân gian từ xa xưa DHC được sử dụng để làm cây thuốc chữa các bệnh viêm họng, đinh râu, mụn nhọt viêm da, lở ngứa, sản hậu ứ huyết đau bụng, trẻ em tưa lưỡi. Ngoài ra còn dùng chữa bệnh gan, sốt, rắn rết cắn. DHC thường dùng cây tươi giã đắp, hoặc dùng dịch ép cây tươi bôi ngoài, liều lượng không hạn chế.
Bộ phận dùng: toàn cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô, sấy khô.
1.Thời vụ trồng
Ở miền Bắc, thời vụ thích hợp nhất để trồng Diệp hạ châu từ tháng 4-10. Cây con mọc từ hạt vào cuối mùa xuân sinh trưởng trong mùa hè và thu hoạch vào giữa mùa thu. 
Ở miền Trung và miền Nam có thể trồng quanh năm (do không bị giai đoạn có nhiệt độ quá thấp). Diệp hạ châu là cây ưa sáng, nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng là 25-30 oC. 
2. Chọn đất trồng và làm đất
Đất trồng
Cây có thể phát triển trên mọi loại đất, trừ vùng đất trũng, úng ngập. Tốt nhất là đất pha cát đủ dinh dưỡng, đủ ẩm và thoát nước tốt. Có thể trồng thuần hoặc xen canh trong vườn cây ăn quả chưa khép tán. DHC có thể trồng ở cả vùng đồi thấp, trung du, miền núi, có độ PH từ 5,5-7,5, đất dốc < 15o hoặc có thể trồng dưới tán cây với độ che phủ < 20%.
Kỹ thuật làm đất
- Đất trồng Diệp hạ châu ở vùng đồng bằng hoặc nơi bằng phẳng cần được cày bừa kỹ, tơi xốp, nhặt hết cỏ dại. Tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ. Để thuận lợi cho việc chăm sóc, cần lên luống rộng 1-1,5m, cao 20-25cm và rãnh rộng 30cm, thoát nước tốt.  


Cây Diệp hạ châu

- Nếu trồng ở vùng đồi dốc có thể trồng thuần theo đường đồng mức hoặc trồng xen dưới tán cây lâu năm khi chưa khép tán. Có thể làm luống hoặc không, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo ruộng trồng thoát nước tốt. 
3. Lượng phân bón và  hạt giống
Phân bón: Bón lót phân quy ra 1 ha: phân chuồng 30 tấn; phân vi sinh 10 tấn; vôi bột 500kg (nếu đất có pH dưới 5, cần tăng cường bón lót 1 tấn vôi bột/ha). Lượng phân chuồng, phân vi sinh bón lót ở vườn trồng tương tự như ở vườn ươm. Bón lót ngay sau khi làm đất.
Bón thúc 150-200kg NPK tổng hợp/ha chia 2 lần bón vào các giai đoạn sinh trưởng của cây. 
Lượng hạt giống
- Lượng hạt giống gieo trong vườn ươm 3g/m2 đất 
- Nếu gieo thẳng (gieo sạ) thì lượng hạt giống là 1g hạt giống/10m2 đất.
4. Gieo hạt và chăm sóc cây con
Xử lý hạt giống trước khi gieo
 - Xử lý bằng Atonik với tỷ lệ 1 gói Atonik (10g) pha với 40 lít nước cho 8 kg hạt giống. Hạt ngâm trong dung dịch này 4 giờ, sau vớt ra để ráo nước, trộn với cát ẩm ủ 3-4 ngày cho đến khi thấy nứt nanh thì đem gieo. Tỷ lệ cây mọc của hạt giống Diệp hạ châu có thể đạt 80-95%.
- Cách khác: Ngâm hạt giống trong nước ấm 3 sôi 2 lạnh 6 giờ, sau đó tiến hành như trên.
Cách gieo hạt: Tùy vào điều kiện ở cơ sở sản xuất mà có thể gieo ở vườn ươm trước sau đó mới chuyển ra ruộng sản xuất hoặc gieo thẳng ở ruộng sản xuất đã chuẩn bị đất.
Gieo vườn ươm: Gieo vãi đều lên luống đã chuẩn bị sẵn, phủ vật phủ nhẹ lên mặt luống. Hạt Diệp hạ châu sẽ mọc sau 5-7 ngày, gỡ bỏ vật phủ. Khi cây con có 3-4 lá thật cần tỉa bỏ những cây yếu, chỉ để lại mật độ 2×2cm/cây. Quá trình chăm sóc cây con ở vườn ươm đơn giản, luôn tưới nước cho đất ẩm, sau 20-25 ngày, cây giống cao 10-15cm, thân mập, có bộ rễ phát triển có thể đem trồng ở vườn sản xuất. 
Gieo thẳng (sạ thẳng): Có thể gieo vãi hoặc gieo theo rạch, cách nhau 15cm. Rải hạt đều trên mặt luống, xoa nhẹ mặt luống cho lấp kín hạt, dùng rơm rạ che phủ rồi tưới nước cho ướt rơm rạ để giữ ẩm cho đất. Sau khi hạt nảy mầm, tỉa thưa dần, định cây và duy trì mật độ phù hợp. Chăm sóc cây con: Duy trì khoảng cách giữa các cây từ 10-15cm. Trong quá trình cây sinh trưởng cần thường xuyên làm cỏ, xới xáo, tưới nước đủ ẩm. 


Diệp hạ châu trồng trên luống

Chế độ chăm sóc giai đoạn cây con ở ruộng sản xuất và vườn ươm tương tự nhau; chỉ khác nhau ở mật độ gieo hạt. Ở ruộng sản xuất, việc định cây được tiến hành ngay từ giai đoạn cây con.
Lưu ý: Đề phòng kiến ăn hạt, sau khi gieo cần phun thuốc basudin (theo liều lượng được nhà sản xuất ghi trên bao bì).
5. Trồng và chăm sóc DHC giai đoạn sinh trưởng
- Mật độ, khoảng cách trồng
Tùy thuộc vào dinh dưỡng đất trồng để lựa chọn mật độ trồng thích hợp.
Mật độ: 250.000 cây/ha, trồng khoảng cách 15x20cm.
Mật độ: 300.000 cây/ha, trồng khoảng cách 15x15cm. 
Khi cây con ở vườn ươm cao 10-15cm thì có thể tiến hành trồng ra ruộng sản xuất. Cây cách cây 20×20cm. 
- Tưới nước: Cây trồng xong, tưới nước ngay, sau 3 ngày dùng dung dịch Atonik 0,1% (1 gói 10 g pha với 10 lít nước) phun vào luống cho cây mau bén rễ; sau 7 ngày xới đất phá váng lần 1; sau 10 ngày phun dung dịch Atonik lần 2, cây trồng cần làm cỏ và xới đất 1 lần nữa trước khi tán lá giao nhau.
Cả ở ruộng trồng và ruộng sản xuất gieo thẳng, trong quá trình cây sinh trưởng cần thường xuyên làm cỏ, xới xáo. Sử dụng 150-200kg/ha NPK tổng hợp chia làm 2-3 lần bón thúc cho cây.
6. Phòng trừ sâu bệnh hại
- Cây Diệp hạ châu ít sâu hại, có thể bắt gặp một số loài gây hại như rệp mềm, châu chấu xuất hiện. Khi phát hiện thấy các đối tượng gây hại, nên dùng vợt, bắt bằng tay hoặc dùng bẫy côn trùng để phòng ngừa và tiêu diệt nếu có. Ngoài ra, có thể dùng các sản phẩm thảo mộc (gừng, tỏi, ớt ngâm) phun để xua đuổi. 
- Bệnh phấn trắng cũng có thể xuất hiện ở những đám ruộng thừa độ ẩm, thoát nước kém. Duy trì ruộng thông thoáng sẽ khắc phục được vấn đề này.
7. Thu hoạch và sơ chế
Thu hoạch bằng cách cắt ngang thân cách mặt đất 15-20cm.
Thu hoạch và sơ chế làm dược liệu: Sau trồng từ 55-60 ngày là có thể thu làm dược liệu. Cắt toàn bộ phần thân lá trên mặt đất, rửa sạch, cắt nhỏ 2-4cm, phơi hoặc sấy khô. Năng suất DHC có thể đạt khoảng 2,5 đến 3 tấn khô/1ha. 

 


Diệp hạ châu được cắt nhỏ

Thu hoạch làm giống: Thu hoạch sau khi trồng từ 2,7-3 tháng, khi ¾ số cây mang quả chuyển màu từ xanh sang vàng. Chọn những cây khỏe, cành có nhiều quả già để thu, năng suất khoảng 100 kg hạt/1ha.
Khi phơi phải trải mỏng trên sân phơi, dưới lót tấm vải nhựa để tránh rơi mất hạt (quả DHC rất bé), sau 3 ngày phơi nắng trực tiếp hoặc hong gió, quả già sẽ tách vỏ hết. Để kiểm tra độ khô thì ta tiến hành bẻ thân, thấy cây khô giòn là được. Tách riêng phần hạt và cành lá. Làm sạch hạt và bảo quản trong chai, lọ sạch khô kín để làm giống cho vụ trồng mới. Phần cành lá DHC sau khi tách khỏi hạt vẫn sử dụng làm dược liệu.

Theo Cổng nông dân
 


Xem thêm


CS-Kỹ thuật trồng rau má an toàn

Rau má là cây rau ăn lá vừa là cây thuốc nam, có hai vụ trồng chính trong năm. Cây rau má cần dinh dưỡng cân đối để đảm bảo năng suất và chất lượng




CS-Kỹ thuật tạo giống cây ba kích

Ba kích (Morinda officinalys) là cây dược liệu quý, có nhiều công dụng như bổ thần kinh, bổ gân cốt, chữa thấp khớp… và có giá trị xuất khẩu cao...


CS-Kỹ thuật trồng cây hoa hòe

Cây hoa hòe được trồng để thu hoạch hoa, đây là một vị thuốc nam có giá trị kinh tế. Bà con có thể tham khảo bài viết dưới đây để nắm rõ kỹ thuật trồng...



CS-Kỹ thuật trồng cây xạ đen

Cây xạ đen có tác dụng phòng chống trong điều trị ung thư, hạn chế phát triển của các khối u; tiêu viêm giải độc, mát gan; ăn ngủ tốt, tăng cường sức đề kháng...




Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng