CS-Kỹ thuật chăm sóc vải thiều Tây Nguyên (Phần 3): Giai đoạn từ 01/5 đến 31/5

2020-01-13 21:32:08

Đây là giai đoạn chăm sóc cây vải thiều sau thu hoạch. 
Trong suốt quá trình ra hoa, đậu quả và nuôi quả, cây vải thiều đã huy động lượng dinh dưỡng lớn để nuôi hoa, nuôi quả. Sau khi thu hoạch quả, cây thường có biểu hiện thiếu hụt dinh dưỡng. Vì vậy, bà con cần tiến hành cắt tỉa, bón phân để cây phục hồi nhanh, kịp thời tích lũy đủ dinh dưỡng, phát triển thân lá khắc phục tình trạng ra hoa, đậu quả cách năm.

Bà con tiến hành cắt tỉa và vệ sinh vườn vải

1. Cắt tỉa sau thu hoạch
a. Mục đích:

Cây vải thiều sau khi thu hoạch quả xong, cành lá thường lởm chởm. Trên một cây có cành ra lộc trước, có cành ra lộc sau, có cành chưa ra lộc. Tình trạng cây như vậy gây khó khăn cho công tác chăm sóc và phòng trị sâu bệnh. Đồng thời sự trưởng thành không đồng đều của các đợt lộc trên cùng một tán cây sẽ gây khó khăn cho việc xử lý ra hoa sau này.
Vì vậy, bà con cần loại bỏ sự nảy lộc không đồng đều trên tán cây. Mục đích tạo được bộ tán mới cân đối, thông thoáng, các cành lộc sau này khoẻ, hạn chế sâu bệnh trú ngụ gây hại, tăng cường hiệu quả của việc bón phân và thuốc bảo vệ thực vật.
b. Biện pháp tiến hành:
Ngay sau khi thu hoạch vải thiều bà con phải cắt tỉa tán cho cây (càng sớm càng tốt).
Bước 1: Dùng máy cắt hoặc dao phát toàn bộ mặt tán tạo cho tán có hình bán cầu.
Bước 2: Tỉa những cành khung mọc thẳng đứng ở giữa tán, cành mọc xiên xẹo, tạo điều kiện cho ánh sáng chiếu vào làm giảm độ ẩm trong tán, hạn chế sâu bệnh hại trú ngụ.
Bước 3: Đối với những cành ở bề mặt tán khỏe tỉa để lại 2 cành hình ngạnh trê, đối với những cành yếu chỉ để lại 1 cành, loại bỏ các lá già và các lá bị bệnh.
2. Bón phân
Sau khi cây đã được cắt tỉa thông thoáng, các đỉnh sinh trưởng mới được hình thành, bà con tiến hành bón phân cho cây để thúc cây nảy lộc nhanh, đều và đồng loạt.
a. Lượng phân bón:
Lượng phân bón trung bình cho 10m2 diện tích bóng tán như sau: 5 – 10kg phân chuồng + 0,3 – 0,5kg đạm Urê + 0,5 – 1kg Suphe lân + 0,1 – 0,2kg Kali (Bà con có thể thay thế các loại phân đơn trên bằng phân tổng hợp NPK 16.16.8-13s với lượng 0,8 - 1 kg hoặc NPK 5.10.3 với lượng 1,6 - 2 kg).
Chú ý: Tùy theo tình trạng phát triển của cây mà bà con có thể điều chỉnh lượng phân cho phù hợp. Nếu bộ lá trên cây có màu xanh lục, bà con dùng liều lượng ít hơn. Nếu bộ lá có màu xanh vàng, bà con dùng liều lượng nhiều hơn.
b. Cách bón phân:
- Đào rạch theo hình chiếu của tán, rộng 20 - 30cm và sâu 20 - 25cm. Rải đều lần lượt phân hóa học xuống dưới rồi tiếp tục rải phân hữu cơ lên trên. Sau đó cào đất lấp kín phân.
- Nếu trời nắng hạn cần tưới đẫm nước để phân tan, nhanh ngấm sâu vào đất giúp cây dễ hấp thụ dinh dưỡng.
Còn tiếp, mời bà con đón đọc Phần 4: Giai đoạn từ 01/06 đến 30/09.

Cổng Nông Dân

Kỹ thuật chăm sóc vải thiều Tây Nguyên (Phần 1): Giai đoạn từ 20/12 đến 31/01

Kỹ thuật chăm sóc vải thiều Tây Nguyên (Phần 2): Giai đoạn từ 01/02 đến 20/04


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng