CS-Kỹ thuật chăm sóc vải thiều Tây Nguyên (Phần 1): Giai đoạn từ 20/12 đến 31/01

2019-12-23 20:48:10

Cây vải thiều trước đây chỉ được trồng tại các tỉnh phía Bắc. Thế nhưng những năm gần đây, cây vải thiều đã bắt đầu được trồng trên mảnh đất Tây Nguyên và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.  Nhiều gia đình nhờ loại cây này đã đổi đời. Tuy nhiên, do thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên khác so với ở miền Bắc nên năng suất vải thiều thường thấp. Do đó, bà con phải nắm bắt kỹ thuật để có những tác động vào cây vải mới cho năng suất ổn định. Sau đây, Cổng Nông Dân xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật chăm sóc vải thiều Tây Nguyên từ khi cây bắt đầu ra hoa đến khi thu hoạch. Bài viết được chia thành nhiều phần.
Phần 1:  Giai đoạn từ 20/12 đến 31/01

Đây là giai đoạn cây vải khu vực Tây Nguyên ra hoa và phát triển chùm hoa.

Cây vải trong giai đoạn ra hoa và phát triển chùm hoa

1. Đặc điểm ra hoa của cây vải
- Trong giai đoạn cây vải ra hoa và phát triển chùm hoa yêu cầu phải cung cấp đủ nước và nhiệt độ môi trường từ 14°C - 22°C. 
- Ở khoảng nhiệt độ 14 - 18°C cây vải ra toàn hoa do các lá bắc bao ngoài mầm nụ chuyển từ màu hồng sang màu trắng, cong lên và co lại rồi tự rụng. 
- Ở nhiệt độ 19 - 22°C cây vải ra hoa kèm lá vì các lá bắc phát triển mạnh dần lên theo chiều tăng nhiệt độ môi trường và ức chế các mầm hoa sinh trưởng. 
- Nếu nhiệt độ 25°C chỉ còn có mầm lá phát triển.
2. Chăm sóc
- Bà con cần theo dõi sự phát triển của hoa, nhất là khi trục hoa dài từ 5cm trở lên. Nếu thấy lá xuất hiện đồng thời với mầm nụ phải kịp thời ngắt bỏ ngay lá đó để mầm nụ phát triển thành nhành hoa. 
- Khi cây vải bắt đầu ra hoa thì bà con tiến hành bón phân nuôi hoa. Lượng phân bón tùy vào tình trạng phát triển của cây. Bà con có thể tham khảo mức phân bón sau: 
+ Nếu sử dụng phân đơn: 0,15kg đạm Ure + 1kg Supe Lân + 0,2kg Kali clorua.
+ Nếu sử dụng phân NPK: 1,4kg NPK 5.10.3
- Cách bón: Bà con cuốc thành rãnh sâu 10 -15 cm, rộng 20 - 30 cm quanh hình chiếu của tán cây. Sau đó rải phân vào rãnh, lấp đất phủ kín. 
- Bà con tưới nước cho phân tan và ngấm đều xuống vùng rễ hút đang hoạt động của cây vải. Duy trì độ ẩm đất ở mức 70 - 80% để cây phát triển chùm hoa. Dùng rơm rạ, cỏ khô tủ gốc giữ ẩm. 
- Khi thấy nhú mầm hoa ở nách lá đầu cành bà con nên phun thuốc kích phát tố hoa trái Thiên Nông cho vải 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày (đến khi có nụ to, hoa chớm nở).
3. Phòng trừ sâu bệnh
Trong giai đoạn này bà con cần chú ý những loại sâu bệnh hại sau: Bọ xít, nhện lông nhung, bệnh sương mai, bệnh thán thư.
- Bọ xít: Trên nụ hoa thấy bọ xít non gây hại với mật độ cao, bà con dùng một trong những loại thuốc: Actara 25 EC, Conphai 10WP, Butyl 10 WP phun trừ khi bọ xít còn non. Nếu có nhiều bọ xít trưởng thành gây hại cần phối hợp giữa hai loại thuốc Actara 25 EC hoặc Conphai 10WP với Sherpa 25 EC phun trừ kịp thời.
- Nhện lông nhung:  Dùng Dipterex, Sherpa 25EC, Padan 95SP Karate phun diệt trừ. 
Bệnh thán thư: Dùng thuốc Ridomin 72 WP, Benlate 50WP, Aliette, Bavistin để phun.
- Bệnh sương mai: Dùng thuốc nội hấp như: Alpine 80WP hoặc thuốc Ridomin gold 72WP phun khoảng 3 - 4 lần, mỗi lần cách nhau 15 - 20 ngày từ khi nhú nụ đến khi quả có đường kính khoảng 1cm.
Còn tiếp, mời bà con đón đọc Phần 2: Giai đoạn 01/02 đến 20/04.

Cổng Nông Dân


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng