CS-Ứng dụng chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh trên cây tiêu

2021-07-17 12:03:19

Hơn 5 năm trở lại đây, Bình Phước đã có hàng ngàn héc ta hồ tiêu bị chết nhanh, chết chậm, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do biến đổi khí hậu, giá tiêu sụt giảm, thu không đủ tái đầu tư nên nông dân đã bỏ bê, không chăm sóc khiến cây kém phát triển, sâu bệnh tấn công, tiêu chết hàng loạt... Làm gì để cứu cây tiêu, để nông dân có thể “sống khỏe” nhờ cây tiêu là bài toán đặt ra cho các ngành chức năng về những giải pháp, phương cách trồng, chăm sóc và điều trị bệnh tiên tiến, hiệu quả nhất. Và ứng dụng chế phẩm sinh học là một giải pháp như thế.

Tìm giải pháp cứu cây tiêu

Để giúp người dân cứu vãn tình trạng hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, Hội đồng Khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh đã liên tục đặt hàng các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành… tìm giải pháp. Năm 2019, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu đen tại tỉnh Bình Phước” do thạc sĩ Thân Quốc An Hạ, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) làm chủ nhiệm đề tài đã được Hội đồng KH&CN Bình Phước lựa chọn thực hiện trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ tháng 10-2019 đến 4-2022.

Nhóm nghiên cứu kiểm tra vườn tiêu bị bệnh chết chậm tại huyện Bù Đốp

Theo khảo sát của thạc sĩ Thân Quốc An Hạ, giai đoạn 2015-2019, diện tích hồ tiêu của Bình Phước tăng gấp 3 lần nhưng giá trị lại thấp gấp 4 lần so với trước. 2 năm trở lại đây, tình trạng này cũng không khá hơn. Nguyên nhân do bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu đáng báo động và có nguy cơ lây lan nhanh. Để phòng trừ và ngăn ngừa dịch bệnh này, rất nhiều nông dân đã tự ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học dẫn đến làm suy thoái, ô nhiễm nguồn đất, nước nhưng hiệu quả quản lý dịch hại và kinh tế không cao. Trước tình hình đó, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu thành công 2 chế phẩm sinh học trị bệnh cho cây tiêu từ cây neem và cây thuốc cá, tạm gọi là chế phẩm VL1 và VL2. Những chế phẩm này có thể pha loãng với nước phun trực tiếp lên cây hoặc tưới xung quanh gốc, cũng có thể ủ với phân hữu cơ để bón cho cây... Sau khi đánh giá hiệu lực loại bỏ các bệnh trên cây tiêu ở phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đem thử nghiệm thực địa và lựa chọn mô hình để ứng dụng.

Thử nghiệm với chế phẩm sinh học

Gia đình ông Nguyễn Trung Kiên ở thôn Tân Bình, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp có 2.500 nọc tiêu, mỗi năm thu gần 8 tấn. Trồng tiêu 15 năm, ông Kiên cũng có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng bệnh cho hồ tiêu. Song riêng bệnh chết nhanh, chết chậm thì ông vẫn chịu thua. Ông Kiên cho biết, cây tiêu rất khó tính lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu và cách chăm sóc. Dù chăm sóc khá kỹ nhưng mỗi năm vườn tiêu nhà ông cũng có khoảng 2% trụ bị bệnh chết chậm.

Đầu năm 2021, ông Kiên được nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng chọn thực hiện mô hình thí điểm phòng bệnh chết chậm trên cây tiêu. Sau khi dùng chế phẩm sinh học, cây tiêu nhà ông Kiên bắt đầu rụng hết lá vàng, lá bệnh và mọc chồi non... Theo chu kỳ sinh trưởng của cây tiêu, vào mùa mưa, cây bắt đầu đâm chồi, nảy lộc và ra bông chuẩn bị cho vụ mùa mới. Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất biện pháp rửa vườn sau thu hoạch, trước mùa mưa. Đây là giải pháp rất quan trọng. Những nấm bệnh, vi sinh vật có hại ẩn sâu trong lá, trong thân bị rửa trôi, cây rụng lá già, đâm chồi, ra lá mới.
 
Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu cũng là nỗi lo của gia đình ông Phan Viết Bình ở ấp 8, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh. Ông Bình cho biết, gia đình có 5 ha tiêu nhưng chỉ còn khoảng 8.000 nọc, tiêu cứ giảm dần do bệnh chết nhanh, chết chậm.

Theo khảo sát của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, vườn tiêu nhà ông Bình có khoảng 17% diện tích bị nhiễm bệnh, nhiều khả năng suy cây nếu không có giải pháp phòng trị bệnh kịp thời. Để cứu lấy diện tích tiêu này, ông Bình đã nhận thực hiện mô hình chăm sóc ứng dụng các biện pháp sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu với diện tích 1ha đang cho thu hoạch. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh số để tiện cho việc kiểm soát cây. Những diện tích còn lại gia đình ông vẫn chăm sóc theo cách truyền thống.

Ông Bình cho biết, mấy tháng nay sau khi thu hoạch xong, ông làm theo hướng dẫn của nhóm nghiên cứu từ chăm sóc, phòng bệnh đến ủ phân bón cho cây. Ông mong đây sẽ là chế phẩm tốt để giúp vườn tiêu sớm phục hồi.

Hướng đến nền nông nghiệp an toàn

Theo đánh giá bước đầu của tiến sĩ Phạm Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, sản phẩm của nhóm nghiên cứu có rất nhiều ưu việt, biết kết hợp giữa dòng sản phẩm từ nông nghiệp với các hợp chất từ thiên nhiên phối trộn với nhau để nâng cao giá trị. Sản phẩm này rất thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng, bước đầu cho hiệu quả tốt.

PGS.TS Thái Văn Nam, Phó viện trưởng Viện Khoa học ứng dụng, Trường đại học công nghệ TP. Hồ Chí Minh: Tôi đánh giá rất cao đề tài này. Đặc biệt là sự nhiệt tình triển khai vào thực tế của nhóm. Tôi hy vọng đề tài sẽ thành công, triển khai rộng rãi và là một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng ngừa, trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu.

Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị mà chỉ phòng là chính. Do vậy, nếu đề tài ứng dụng các chế phẩm sinh học của nhóm nghiên cứu thành công sẽ cứu được hàng ngàn héc ta hồ tiêu của nông dân đang có nguy cơ bị bệnh. Đây cũng là một trong những biện pháp sinh học, khi được ứng dụng sẽ góp phần tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp an toàn, tăng giá trị và lợi nhuận cho xã hội.

“Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu tiếp tục theo dõi, đánh giá sản phẩm và hiệu quả sản xuất của các mô hình. Đồng thời có những đề xuất, kiến nghị, đưa ra các giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Phước” - tiến sĩ Phạm Hữu Thiện cho biết.

Theo vietlinh.vn


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng