CS-Tổng hợp kỹ thuật trồng lạc

2018-01-11 14:51:18

Tổng hợp kinh nghiệm trồng lạc vụ thu

1. Thời vụ trồng lạc

Trồng lạc từ 20-8 – 30-9, tốt nhất là 20-8 – 20-9.

2. Trồng, chăm sóc

– Chọn ruộng đất cát pha, thịt nhẹ, chân đất trồng đậu tương hè, lúa mùa sớm hoặc chân mạ mùa để trồng lạc. Làm đất kỹ, nhặt sạch cỏ dại trước khi lên luống. – Lượng giống cần cho 1 sào (360 m2) là 7 – 7,5 kg lạc vỏ. Chú ý trước khi bóc lạc để trồng nên phơi lại 1 – 2 nắng nhẹ và tưới nước bảo đảm 65- 70% độ ẩm đất.

– Phân bón:

+ Lượng phân bón tính cho 1 sào gồm: Phân chuồng hoai mục 250 – 300 kg; đạm, urê 4 – 5 kg; supe lân Lâm Thao 20 – 25 kg; kali clorua 5 – 6 kg; vôi bột 20 – 25 kg.

+ Phương pháp bón: Bón lót 50% vôi bột trước lúc lên luống, bón vào rạch giữa luống toàn bộ các loại phân. Khi cây lạc tắt hoa bón nốt 50% vôi bột còn lại.

– Lên luống rộng 55 – 60cm, cao 25 – 30cm. Trồng hai hàng dọc trên luống cách nhau 25-30cm, cách mép luống 12cm, tra 2 hạt/hốc cách nhau 10 – 12cm, bảo đảm mật độ 30 – 35 cây/m2. Lấp một lớp đất mặt nhỏ hay phù sa, bùn ao ải đập nhỏ dày 3 – 4 cm lên trên hạt. Tiến hành phun thuốc trừ cỏ ngay sau khi trồng.

– Kỹ thuật che phủ ni-lông, xác hữu cơ cho lạc: Dùng ni-lông màu trắng có độ dày 0,007- 0,01 mm, hình ống, khổ 45-50 cm, rọc làm đôi trùm kín luống lạc; dùng cuốc vét đất hai bên rãnh luống chèn kỹ xung quanh và ở giữa để gió không làm bay ni-lông. Khi thấy lạc mọc đội ni-lông, dùng tay xé ni-lông rộng 5-7 cm để cây lạc chui ra khỏi ni-lông. Nếu cây nào có lá mầm nằm trong đất cần phải dùng tay vén đất để lộ 2 lá mầm ra ngoài không khí.

Có thể dùng rơm, rạ, thân cây đậu tương cắt ngắn 20-25 cm, che phủ toàn bộ mặt luống thay cho ni-lông.

– Tưới nước: Cây lạc cần độ ẩm 65 – 70% độ ẩm đất từ khi gieo đến bói hoa và 70 – 80% từ khi ra hoa rộ đến chắc hạt mới cho năng suất cao.

– Thu hoạch: Khi nhổ thăm thấy 80% số củ trở lên già, tiến hành thu hoạch; cần rửa sạch, phân loại củ già, bánh tẻ, củ non để sử dụng cho các mục đích khác nhau.

————————

Thâm canh lạc cao sản vụ xuân ở phía bắc

Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Đậu đỗ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) đã nghiên cứu thành công quy trình kỹ thuật thâm canh lạc cao sản vụ xuân, áp dụng cho đồng bằng sông Hồng, duyên hải Bắc Trung Bộ nhằm đạt năng suất 40-45 tạ/ha.

Khâu giống:

Cần chọn các giống có đặc tính chịu thâm canh cao, chiều cao cây trung bình, góc phân cành hẹp… như các giống L14 (được công nhận giống tiến bộ kỹ thuật năm 2002), MD9 (được công nhận khu vực hóa năm 2002), L18 (đã được thử nghiệm hàng trăm ha ở phía bắc).

Chú ý: Chỉ nên dùng giống sản xuất vụ thu đông để trồng vụ xuân.

Lượng giống cho 1 ha: 180-200 kg lạc vỏ, chọn hạt giống kích cỡ tương đối đồng đều. Thời vụ: từ 15-1 đến 30-2.

Làm đất:

Cày sâu, bừa nhỏ cho đất tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại. Độ ẩm của đất trước khi gieo hạt phải đạt 75%.

Phân bón cho một ha:

Phân chuồng: 15-20 tấn hoặc 1-1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh.

Urea: 85-100 kg.

Super lân: 600-700 kg.

Kali: 160-180 kg.

Vôi bột: 400-500 kg.

Bón lót toàn bộ phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh trước khi bừa.

Vôi bột bón lót 1/2 trước khi bừa, còn lại bón vào gốc sau khi lạc tắt hoa 5-7 ngày.

Toàn bộ phân lân, kali và urea vãi đều trên mặt luống trước khi rạch hàng.

Lên luống và rạch hàng:

Có hai phương thức:

1. Lên luống rộng 1 m, cao 15-20 cm, rãnh rộng 30 cm. Mặt luống chia thành bốn hàng dọc (hai hàng rìa cách mép luống 12 cm, hai hàng giữa cách nhau 25 cm), thiết kế luống theo hướng đông – tây.

2. Luống rộng 0,5 cm, cao 15-20 cm, rãnh rộng 0,3 m. Mặt luống chia thành hai hàng dọc, mỗi hàng cách mép luống 12 cm, khoảng cách giữa hai hàng 25 cm, thiết kế luống theo hướng đông – tây.

Rạch hàng sâu 3-4 cm, gieo với mật độ 40 cây/m2, nếu luống rộng 1 m, bổ hốc cách nhau 15-16 cm; nếu luống rộng 50 cm, bổ hốc cách nhau 12-13 cm, gieo 2 hạt/hốc, sau đó phủ đất đều, dày 3-4 cm cho mặt luống phẳng.

Phun thuốc trừ cỏ:

Dùng hai loại thông dụng là Achetochlor hoặc Ronsta 50% (0,75-1kg/ha), phun đều lên mặt luống ngay sau khi gieo hạt, nếu đất kho thì phun nước lã trước rồi phun thuốc trừ cỏ sau theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn.

Phủ ni-lông:

Dùng ni-lông trong suốt chuyên dùng cho lạc, độ dày 0,007 – 0,01 mm (bảo đảm một kg ni-lông phủ được 100 m2 đất. Phủ ni-lông căng, phẳng trên mặt luống, mép phủ trùm xuống hai bên rãnh, mỗi bên 10 cm. Dùng cuốc vét đất ở rãnh ập nhẹ vào hai bên mép luống cố định ni-lông.

Khi thấy lạc nhú khỏi mặt đất, chọc lỗ trên ni-lông cho lạc chồi ra ngoài, dùng tay bới nhẹ đất quanh gốc cho hai lá mầm lộ ra khỏi đất, tạo điều kiện cho cành cấp 1 phát triển sớm, cành mập.

Nếu thời tiết khô hạn, phải tưới cho lạc ở hai thời kỳ quan trọg: trước khi ra hoa (sáu đến bảy lá) và đậu quả. Tưới vào rãnh ngập 2/3 chiều cao rãnh, để nước ngấm đều, sau đó tháo cạn là cách tốt nhất, nếu không có thể tưới phun.

Phun phân trung, vi lượng (Mo, B, Zn, Cu, Mg) vào thời kỳ sáu đến bảy lá, kích thích nhiều hoa, sai quả; Paclobutrazol (P333) 500 g/ha làm tăng quá trình sinh trưởng sinh thực, phun khi chiều cao cây đạt 30-35 cm (sau khi hình thành tia, quả).

Phòng trừ sâu hại khi trồng lạc chủ yếu như sâu khoang, sâu xanh, sau cuốn lá… Sử dụng cây hướng dương làm cây dẫn dụ, thu hút các loại sâu đến đẻ trứng. Kiểm tra định kỳ trên lá hướng dương tiêu diệt các ổ trứng.

Bà con nông dân hoặc cán bộ khuyến nông cơ sở cần biết thêm chi tiết của quy trình kỹ thuật này, xin liên hệ với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Đậu đỗ (Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội).

————-

Cách tăng năng suất lạc

Lạc là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị xuất khẩu cao, để tăng năng suất cần áp dụng các biện pháp tổng hợp.

Về giống, nên sử dụng giống lạc mới: D1, VD2, VD5… (220-240 kg/ha) với thời gian sinh trưởng khoảng 90 ngày, năng suất 3-5 tấn/ha (vụ đông-xuân), thích ứng rộng (VD1), hàm lượng dầu cao (VD2, VD5). Cần xử lý hạt giống trước khi trồng, vì sẽ giúp chống được một số nấm bệnh, vi khuẩn trong đất, phòng trừ hiệu quả bệnh chết cây con (10-15 ngày sau khi gieo). Sử dụng thuốc trừ bệnh Hạt vàng 50WP hoặc Carbenzim 500FL (100g Hạt vàng 10WP hoặc 100ml Carbenzim 500FL trộn đều với 30kg hạt giống 1-2 giờ sau đó đem gieo).

Ruộng cần làm đất kỹ, tươi xốp, sạch cỏ. Lên liếp thoát nước. Về cách bón phân, đối với vụ đông-xuân, có thể sử dụng 100kg urê, 400kg super lân, 100kg kali (loại kali muối ớt) trên 1ha; với vụ hè-thu và thu-đông thì cũng tương tự nhưng lượng urê ít hơn (70kg).

Riêng vôi, dùng 300-400kg/ha. Giảm độ chua đất, giúp sự vươn dài tia đậu đâm vào đất, để làm hạt đậu đầy đặn, chắc hạt. Có thể thay thế vôi bằng phân calcium nitrate (100kg/ha).

Về cách bón phân, bón lót: toàn bộ phân super lân, 1/2 lượng phân đạm, 1/2 lượng phân kali; bón thúc: 20 ngày sau gieo bón thêm 1/2 lượng phân đạm, 1/2 lượng phân kali. Nếu sử dụng vôi, phải bón lót trước khi xới đất lần 1. Nếu sử dụng phân calcium nitrate thì bón 2 lần, lúc 20 ngày và 40 ngày sau khi gieo.

Cần chủ động tưới nước và thoát nước. Vụ đông-xuân chú ý 3 giai đoạn cần tưới nước đầy đủ: thời kỳ ra hoa (khoảng 22-40 ngày sau gieo), thời kỳ đâm tia (40-50 ngày sau gieo), thời kỳ tạo trái non (khoảng 50-60 ngày sau gieo). Vụ hè-thu và thu-đông, cần thoát nước tốt sau khi mưa giúp lạc tránh bị ngập úng nước.

Về cách phòng trừ cỏ dại, dùng thuốc Saicoba 800EC diệt trừ tốt các loại cỏ hòa bản và cỏ lá rộng mọc từ hạt. Phun thuốc khi gieo đậu từ 0-3 ngày (20ml/8 lít nước). Chú ý phun khi đất đủ ẩm, phun kỹ từ 4-5 bình/1.000m².

Để trừ sâu hại, sử dụng luân phiên nhiều loại thuốc có hoạt chất khác nhau để phun trừ thì hiệu quả mới cao. Khi cây con đến 40 ngày, sâu ăn tạp, sâu xanh, rầy mềm thì dùng hỗn hợp: Secsaigon 50EC (10ml) + 20ml SK enspray 99EC/8 lít nước. 40-80 ngày sau gieo, sâu xanh, sâu xanh da láng, sâu đục ngọn, nhện đỏ… dùng hỗn hợp: Dragon 585 EC (15 ml) + SK Enspray 99EC (20ml)/8 lít nước.

Để trừ bệnh các đốm nâu, đốm đen, gỉ sắt, dùng thuốc Saizole 5 SC (hoạt chất: Hexaconazole): 20 ml/8 lít; hoặc Carbenzim 500FL (hoạt chất: carbendazim): 15-20 ml/8 lít nước. Phun khi thấy các loại bệnh trên xuất hiện, phun lại lần 2 sau đó 7-10 ngày. Có thể phun ngừa định kỳ các loại thuốc trên vào giai đoạn đậu 20 ngày, 40 ngày và 60 ngày sau khi gieo.

Thu hoạch khi có 75% trái trên bụi đậu già. Phơi thật kỹ và khô, bảo quản nơi thoáng mát, tránh sự phát triển và gây hại của các loại nấm mốc.

——————————

Cách trồng lạc thu đông đạt năng suất cao

Cơ cấu giống:

Sử dụng một số giống mới có triển vọng và cho năng suất cao như:

– Giống lạc MD7 và MD9: Cây cao trung bình từ 35 – 50cm chịu hạn khá, năng suất trung bình 33 – 35 tạ/ha. Tỷ lệ nhân từ 68 – 70%. Đặc biệt giống MD7 có khả năng kháng được bệnh héo xanh vi khuẩn.

– Giống L14: Giống chịu thâm canh có tiềm năng năng suất cao, từ 38 – 40 tạ/ha. Tỷ lệ nhân cao 70–72%.

– Giống TQ6: Là giống thấp cây, chống đổ tốt, chịu hạn khá, năng suất trung bình từ 28 – 30 tạ/ha.

– Giống SĐ1: Là giống mới được nhập nội từ Trung Quốc, có tiềm năng năng suất cao 40 – 42 tạ/ha, giống có thời gian sinh trưởng 130 – 140 ngày vụ xuân, từ 110 – 115 ngày vụ thu đông, tỷ lệ nhân 70 – 72%.

Thời vụ gieo trồng

Lạc thu đông có thể gieo trồng từ 15/8 – 30/9, tốt nhất từ 15/8 – 10/9.

Chọn đất

Chọn đất cát pha thịt nhẹ chủ động tưới tiêu và dễ thoát nước. Làm đất nhỏ, sạch cỏ dại, tỷ lệ hạt đất có đường kính nhỏ hơn 1cm chiếm trên 70%, lên luống rộng 90cm, cao 15cm, rãnh rộng 25cm. Nếu đất ướt có thể áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu.

Phân bón và phương pháp bón phân

– Liều lượng phân bón (tính cho 1 sào Bắc bộ)

Phân chuồng hoai: 300 – 350kg

Phân lân super: 15 – 20kg

Đạm urê: 2,5 – 3kg.

Kali clorua: 4 – 5kg

Vôi bột: 20kg

– Phương pháp bón phân: Vôi bột chia làm 2 lần bón, lần thứ nhất bón 50% trước khi bừa phẳng, lần 2 bón 50% lúc cây tắt hoa. Sau khi lên luống tiến hành rạch 2 hàng dọc theo luống sâu 10cm, bón lót toàn bộ các loại phân trên vào các hàng đã rạch và san phẳng mặt luống (nếu dùng công nghệ che phủ nilon).

Nếu không dùng công nghệ che phủ nilon có thể bón như sau:

+ Bón lót : 100% PC + 100% lân + 50% đạm vào các hàng đã rạch.

+ Bón thúc lần 1: Lúc cây lạc được 2 –3 lá thật bón 50% lượng đạm kết hợp với xới phá váng tạo điều kiện cho vi sinh vật nốt sần hoạt động.

+ Bón thúc lần 2: Khi cây lạc được 6 – 7 lá thật, bón toàn bộ lượng kali.

+ Bón thúc lần 3: Khi cây tắt hoa, bón 50% lượng vôi còn lại, kết hợp với vun cao luống chống đổ và tạo đất tơi xốp, thuận lợi cho cây lạc đâm tia, làm củ.

Mật độ, khoảng cách và phương pháp gieo hạt

Mật độ trung bình từ 34 – 36 cây/m2. Khoảng cách thích hợp từ 18 – 20cm x 30cm. Tiến hành rạch 3 hàng dọc theo luống ở độ sâu 3 – 4cm rồi gieo hạt, gieo 2 hạt/hốc theo khoảng cách như trên. Nếu áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu phải sử dụng đất mượn bằng cách trộn phân chuồng (đã được ủ với lân) với trấu và đất bột hoặc đất hun để phủ lên trên hạt sau khi gieo (gieo hốc với khoảng cách như trên). Nếu dùng công nghệ che phủ nilon thì gieo hạt là công việc cuối cùng.

Công nghệ che phủ nilon

Phủ nilon cho lạc vụ thu đông vừa giữ được ẩm độ, nhiệt độ, hạn chế cỏ dại, hạn chế chuột hại và làm tăng năng suất lạc từ 15 – 30%.

Sau khi bón lót xong dùng thuốc trừ cỏ Ronsta phun ướt đều trên ruộng, dùng cuốc gạt nhẹ đất ở 2 mép luống về phía rãnh, phủ nilon phẳng và kín đều trên mặt luống, vét đất ở rãnh áp nhẹ vào 2 bên mép luống để cố định nilon. Dùng dụng cụ đục lỗ (ống bơ sữa bò được cắt hình răng cưa) đục các lỗ theo khoảng cách ở trên. Hạt được gieo trực tiếp vào các lỗ ở độ sâu 3 – 4cm.

Một số biện pháp kỹ thuật khác

– Lạc cần được phơi lại trên nong, nia, dưới nắng nhẹ 2 ngày trước khi gieo (phơi cả củ).

– Chọn những hạt tốt để gieo, hạt cần được ngâm nảy mầm trước khi gieo…

– Phun Boocdo 1%, Zinep 0,3%, Danconil 0,2% khi thấy có biểu hiện của bệnh gỉ sắt, đốm lá.

– Phun Padan 95SP, Opatox, Beettox khi thấy lạc bị sâu xanh, sâu khoang, bọ trĩ, bọ phấn hay rệp muội gây hại.

Thu hoạch:

Thu hoạch lạc khi có từ 80 – 90% số củ già. Sau khi thu hoạch cần gom nilon lại một chỗ và đốt, tránh ô nhiễm môi trường .

Theo Farmvina


Xem thêm







CS-Trồng lạc bằng che phủ nilon

Trồng lạc bằng che phủ nilon được ứng dụng trên cây lạc đã góp phần không nhỏ làm tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm,đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.


SB-Một số loại sâu hại lạc

Dùng bẫy bả chua ngọt để bẫy bướm. Cách làm bẫy bả chua ngọt: Trộn hỗn hợp gồm 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước...



TH-Thu hoạch và bảo quản Lạc làm giống

Lạc (đậu phộng) là cây lấy dầu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên để thu hoạch và bảo quản lạc giống tốt, đảm bảo được tỷ lệ nảy mầm cho vụ sau cần...



Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng