Càng làm càng lỗ, nông dân tháo chạy khỏi cây tỷ đô

2021-04-16 20:58:58

Sự đắt đỏ của trầm hương khiến nhiều người kỳ vọng đổi đời khi trồng dó bầu, cấy tạo trầm. Thế nhưng, qua nhiều năm, giấc mộng tỷ phú của người trồng dó bầu vẫn rất xa vời.

Cách đây khoảng 15 năm về trước, nhiều hộ dân ở huyện M’Drắk (Đắk Lắk) đua nhau trồng cây dó bầu để tạo trầm hương, nuôi hy vọng sẽ có nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, đến nay cây vẫn không tạo trầm. 

Năm 2004, ông Hồ Kim Biên (thôn 6, xã Cư Króa, huyện M’Drắk) đã đầu tư trồng 2.000 cây dó bầu trên diện tích 2ha đất đồi, với mong muốn tạo được trầm hương sẽ thu về tiền tỷ. Tuy nhiên, sau nhiều năm ông Biên mày mò làm đủ mọi cách như: khoan, cắt, bơm thuốc kích thích, axit, mật ong… vào thân cây nhưng vẫn không có cây nào tạo được trầm hương. Do dùng các biện pháp “quá đà” nên chỉ vài năm sau đó, hàng loạt cây dó bầu của gia đình ông Biên đã bị chết. Đến nay, vườn dó bầu của ông Biên chỉ còn lại 8 cây sống lay lắt. Bao nhiêu tiền bạc, công sức đổ dồn vào vườn “cây bạc tỷ”, giờ coi như mất trắng.

Nông dân khoan cây dó bầu để tạo trầm hương. Ảnh internet

Cũng giống ông Biên, năm 2005, gia đình anh Phan Văn Mẫn (thôn 6, xã Cư Króa) cũng bán 5 sào rẫy để đầu tư mua 600 cây dó bầu giống về trồng trên diện tích 8.000m2. Thế nhưng, khi cây bắt đầu bén rễ thì sâu bệnh hoành hành. Cứ 3 ngày anh phải phun thuốc một lần, nếu không cây sẽ trụi lá và chết. Cố gắng cầm cự đến năm thứ 7 thì anh tiến hành khoan mỗi thân cây 2 lỗ rồi mua hóa chất về bơm vào trong, chờ đến 3 – 4 năm sau vẫn không thấy tạo ra trầm hương. Năm 2016, anh đành phải phá bỏ vườn dó bầu để chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Anh Mẫn tính toán, chi phí đầu tư cho vườn dó bầu mất hơn 300 triệu đồng, chưa kể công sức hơn 10 năm của hai vợ chồng. Nếu với diện tích đất, cùng số vốn đầu tư như vậy mà trước đây trồng cây khác như cao su, keo… thì giờ đây không phải lâm vào cảnh nợ nần.

Được biết, cây dó bầu được người dân trồng tự phát tại địa phương từ nhiều năm trước. Qua đánh giá thực tế có thể khẳng định, đây là loại cây trồng không hiệu quả, từ trước đến nay chưa hộ nông dân nào ở huyện M’Drắk trồng dó bầu tạo được trầm hương. Do giá trị sử dụng thua kém những loại cây trồng khác nên việc trồng dó bầu cũng không mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, thậm chí có nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay.

Trước thực trạng trên, UBND huyện M’Drắk đã chỉ đạo ngành chức năng sớm có biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng để người dân chạy đua trồng dó bầu. Thay vào đó, khuyến khích bà con nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện như trồng vải, mít, cam, keo…

Cổng Nông Dân


Xem thêm