Vượt biên sang Trung Quốc, ép chim đẻ 30 lứa/năm thành công

2019-11-01 08:52:57

Trong khi nhiều người nuôi chim bồ câu sinh sản chỉ đạt 7 – 9 lứa/năm, thì anh Nguyễn Văn Hoàn, xã Chu Điện, Lục Nam, Bắc Giang đã cho chim sinh sản 30 lứa/năm, cao hơn 3 lần so với thông thường.

Nguyễn Văn Hoàn, xã Chu Điện, Lục Nam, Bắc Giang (Ảnh:st)

Mỗi một năm, một cặp chim bồ câu bố mẹ có thể cho sinh sản 7 – 9 lứa là tối đa, mỗi lần ấp nở và nuôi chỉ được hai con. Tuy nhiên, tại trại nuôi chim bồ câu của anh Nguyễn Văn Hoàn thì còn làm được nhiều hơn thế nữa.
Hiện trại của anh có hơn 6.000 cặp chim bố mẹ, 8.000 cặp con chim non, mỗi tháng cho ấp nở 8.000 – 10.000 con cung cấp ra thị trường. Để có được quy mô lớn như hiện nay, anh Hoàn cũng đã trải qua nhiều thất bại. Năm 2012, anh bắt đầu khởi nghiệp, nuôi 350 cặp chim bồ câu, nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên chim chết dần. Năm 2013, trong một lần đưa lợn hơi lên cửa khẩu để tiêu thụ, anh thấy Trung Quốc mua nhiều ngô, gạo với giá cao để nuôi chim bồ câu, sau đó xuất bán chim thương phẩm về Việt Nam. Tò mò cách người Trung Quốc làm giàu từ chim bồ câu, anh quyết định vượt biên sang nước này để tìm câu trả lời.

Phương thức nuôi chim bồ câu khác biệt tạo thành công lớn

Anh cho biết, nếu nuôi theo cách thông thường thì năng suất chỉ đạt 50%, còn theo cách anh nuôi có thể đạt 70 - 80%. Một tháng, chim bồ câu của anh có thể đẻ được 3 lần. Anh chia đàn chim bồ câu thành 2 đội. Đội thứ nhất là đàn chim bố mẹ chuyên đẻ trứng. Đàn chim này có nhiệm vụ đẻ trứng liên tục, cứ 10 – 12 ngày đẻ 1 lần và sẽ làm việc như vậy từ 3 – 4 lứa trứng, kéo dài trong khoảng 30 – 40 ngày. Đội thứ 2 là đàn chim bố mẹ chuyên nuôi con, làm nhiệm vụ ấp trứng và nuôi con trong một lứa, thời gian cũng kéo dài từ 30 – 40 ngày. Hết một chu kỳ, hai đội chim bố mẹ này sẽ chuyển nhiệm vụ cho nhau. Việc luân chuyển như thế này có 3 lợi ích. Thứ nhất, luôn duy trì được đàn chim số lượng lớn, tăng số lứa đẻ của một cặp chim bố mẹ lên khoảng 20 – 25 lứa/năm. Thứ hai, đảm bảo đàn chim bố mẹ không bị khai thác quá mức, sức khỏe ổn định. Cuối cùng, duy trì bản năng đẻ trứng, ấp trứng, nuôi con của đàn chim bố mẹ.

Có thể ghép 3 - 5 con/cặp chim bố mẹ (Ảnh:st)

Anh còn dùng trứng giả để cho chim bố mẹ ấp, lấy trứng thật cho vào máy ấp trứng chuyên dụng với nhiệt độ duy trì từ 37,5 độ C, độ ẩm dao động từ 60 – 70%, tỷ lệ trứng nở thành công luôn đạt 90 – 95%. Thời gian ấp trứng của chim bố mẹ thông thường từ 18 – 20 ngày, sau đó tiếp tục nuôi con gần 1 tháng. Trong khi đó, cho chim ấp trứng giả, chỉ sau 12 – 13 ngày, lấy trứng đi và ghép chim non vào. Với cách nuôi này sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như giảm chi phí thức ăn. Khi chim non nở được vài tiếng, sẽ được ghép ngay với chim bố mẹ. Cách ghép chim non cũng rất đặc biệt. Vào thời điểm nắng nóng có thể ghép từ 3 – 4 con/cặp chim bố mẹ, thời điểm mát có thể ghép từ 4 – 5 con/cặp chim bố mẹ. Khi ghép chim non với chim bố mẹ nên lưu ý ghép những con chim non có thể trạng đồng đều nhau.

Thức ăn và chế độ cho ăn rất quan trọng

Thay vì 2 con, giờ đây mỗi cặp chim bố mẹ phải nuôi trung bình 4 con, gấp đôi bình thường. Để đáp ứng tần suất đẻ nhiều, nuôi con nhiều thì nguồn thức ăn chính là lời giải đáp. Đàn chim bồ câu ở trại được cho ăn 3 bữa/ngày thay vì 2 bữa/ngày như bình thường. Thức ăn bao gồm ngô, lúa, cám viên và hạt ngũ cốc dinh dưỡng nước ngoài, chuyên dùng để chăn nuôi chim. Đối với đàn chim khai thác triệt để như thế này thì đòi hỏi chế độ dinh dưỡng phải cao, tốt. Ngoài ra, điều kiện chăm sóc cũng phải được quan tâm như vệ sinh sạch sẽ, hạn chế người ra vào.

Với giá 70.000 đồng/con chim thịt, 200.000 đồng/cặp chim giống, mỗi tháng gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng. Những người lần đầu nuôi chim bồ câu lấy giống từ trại của anh, anh sẽ đến tận nơi để cầm tay chỉ việc, không ngại chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ. Cơ sở của anh còn bao tiêu đầu ra cho những ai có nhu cầu. Mục tiêu của anh là tạo ra một thương hiệu chim bồ câu sạch, đưa vào hệ thống siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch.

Hi vọng với những thông tin về phương thức chăn nuôi mới mà Cổng Nông Dân vừa giới thiệu, sẽ giúp bà con biết thêm những kiến thức để áp dụng vào chăn nuôi chim bồ câu, làm tăng hiệu quả kinh tế. Chúc bà con thành công!

Cổng Nông Dân


Xem thêm