Thị trường sầu riêng Trung Quốc \'chín muồi\', Việt Nam dần có vị thế

2024-01-23 09:18:24

Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng vọt trong năm ngoái. Trong đó, sầu riêng Việt Nam chiếm 31,82% thị phần với tổng giá trị là 2,1 tỷ USD.

Nước nhập khẩu sầu riêng hàng đầu

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng vào năm 2023, tăng 69% so với năm trước.


Nhân viên bán hàng giúp người tiêu dùng lựa chọn sầu riêng trong sự kiện quảng bá sầu riêng Thái Lan ở Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc vào ngày 13/5/2023.

Sầu riêng đã trở thành loại trái cây được ưa chuộng đối với tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Mặc dù bị một số người chê bai vì mùi của nó, loại trái cây này vẫn có giá cao và thu hút được một lượng lớn tín đồ, họ mệnh danh sầu riêng là “vua của các loại trái cây”.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng công bố đã trồng thành công vụ mùa sầu riêng nội địa đầu tiên trên đảo Hải Nam ở phía nam nước này.

Ông Feng Xuejie, Giám đốc Viện Cây hoa quả Nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam, cho biết: “Sầu riêng trong nước dự kiến sẽ có sản lượng 250 tấn trong năm nay và đến năm sau chúng có thể được cung cấp số lượng lớn trên thị trường và khi đó sản lượng có thể đạt 500 tấn”.

Năm ngoái, Hải Nam đạt tổng sản lượng 50 tấn, con số mà ông Feng cho rằng không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Sầu riêng Việt Nam có chỗ đứng

Thái Lan, nước dẫn đầu trong xuất khẩu sầu riêng tươi đến Trung Quốc, thời gian gần đây đã mất dần thị phần sang một số quốc gia khác như Việt Nam và Philippines, theo SCMP.

Việt Nam đang dần tăng thị phần sau khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam từ năm 2021.

Tỷ trọng của Thái Lan trong sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc, tính bằng USD, đã giảm từ gần 100% vào năm 2021 xuống còn 95,36% một năm sau đó và 67,98% vào năm ngoái.

"Dù vậy, xét về mặt doanh thu, tổng lượng xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc vẫn tăng trong năm ngoái khi thị trường tiêu dùng tại các thành phố cỡ trung của Trung Quốc bắt đầu chín muồi", ông Sam Sin, giám đốc phát triển của S&F Produce Group ở Hồng Kông, cho biết.

Trong khi đó, Việt Nam đang dần tăng thị phần sau khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam từ năm 2021.

Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng từ mức gần 0 lên 4,63% thị phần, đạt 188,1 triệu USD vào năm 2022 và tăng vọt lên 31,82% vào năm ngoái với tổng giá trị là 2,1 tỷ USD.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cho biết Việt Nam xuất khẩu 44.880 tấn sầu riêng trên toàn thế giới vào năm 2022, chiếm 4,9% thị phần.

Tuần trước, Bộ Thông tin Đối ngoại dự báo Việt Nam đang đặt mục tiêu đạt doanh thu sầu riêng 3,5 tỷ USD trong năm nay, tăng 55% so với năm ngoái, bằng cách thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thành Trung, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết nhiều nông dân Việt Nam đã mua thiết bị mới để chuyển sang trồng sầu riêng.

“Nông dân Việt Nam biết cách luân canh và kéo dài thời gian thu hoạch. Sầu riêng được coi là cây sinh lời ở Việt Nam và có thể mang lại rất nhiều lợi ích. Người nông dân biết cách tận dụng tối đa cơ hội của họ”, ông cho biết thêm.

Cạnh tranh căng thẳng

Ngoài Việt Nam, vào đầu năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu sầu riêng tươi của Philippines, loại sầu riêng mọc chủ yếu ở vùng đất núi lửa của núi Apo trên đảo Mindanao phía nam.

Cơ quan thông tấn Philippine do chính phủ điều hành đưa tin xuất khẩu sầu riêng của Philippine sang Trung Quốc đạt trị giá 1,88 triệu USD trong 2 quý đầu năm 2023.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy Philippines chiếm 0,2% thị phần nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc vào năm ngoái tính theo giá trị đồng USD.

Ông Jonathan Ravelas, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Quản lý dịch vụ tiếp thị và kinh doanh có trụ sở tại Manila, cho biết những người trồng sầu riêng của nước này vẫn ưu tiên thị trường nội địa và xuất khẩu phần dư thừa.

Vận chuyển từ Philippines đến Trung Quốc thường có chi phí cao hơn mức các nhà xuất khẩu Đông Nam Á khác phải trả do các rào cản về khoảng cách và cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, ông Ravelas cho rằng những hạn chế này hoàn toàn có thể khắc phục. “Chính phủ có thể sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng trang trại, như kho lạnh", ông cho hay.

Simon Chin, người sáng lập công ty xuất khẩu Malaysia DKing, mới đây cũng cho biết các nhà xuất khẩu sầu riêng ở Malaysia đang thúc đẩy một thỏa thuận trong năm nay để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Hiện Malaysia chỉ vận chuyển sầu riêng đông lạnh tới Trung Quốc.

Theo baomoi.com, 23/01/2024


Xem thêm