Thị trường nông sản Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc

2018-04-06 17:23:53

Hàng loạt nông sản Việt bỗng tăng giá chóng mặt rồi bất ngờ hạ giá thảm hại và đây không phải chuyện mới. Vậy đâu là nguyên nhân khiến nông sản nước ta rơi vào tình trạng lao đao?

1. Xuất khẩu nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc

Thực tế, Trung Quốc là một thị trường lớn nhưng không phải là thị trường ổn định. Các sản phẩm của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu của thị trường này. Đã có nhiều bài học đắt giá, khiến người dân điêu đứng như khi xuất khẩu lợn, thanh long, dưa hấu... sang Trung Quốc.

Một thực tế đang diễn ra hiện nay đó là 90% nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô, chủ yếu theo đường tiểu ngạch và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện có 8 mặt hàng nông sản ghi danh vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD, tuy nhiên, đáng lo là ngoại trừ hạt tiêu, 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn lại đều phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Xe chở nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu qua  cửa khẩu Tân Thanh để XK sang Trung Quốc. Ảnh: internet

Cụ thể, với mặt hàng gạo, thị trường Trung Quốc đang đứng vị trí thứ nhất với 39,3% thị phần; Cao su xuất khẩu gần 1,7 tỷ USD, thì riêng thị trường Trung Quốc đã đạt hơn 1 tỷ USD. Mặt hàng rau quả xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cũng chiếm thị phần tới 76%, tốc độ tăng trưởng 53%. Xuất khẩu rau quả sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc chỉ chiếm thị phần khá nhỏ (lần lượt 3,6%, 2,9%, và 2,6%).

Sản phẩm mủ cao su Việt Nam cũng đã và đang phải nhận quả đắng từ thị trường dễ chơi nhưng đầy may rủi này, cách đây 10 năm trở về trước cao su được mệnh danh là “vàng trắng” vì được tiêu thụ mạnh từ thị trường Trung Quốc với giá cao. Có đến 80% sản lượng mủ cao su được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc nhưng hiện nay với những mánh lới của thương lái đã khiến ngành cao su Việt lâm vào khó khăn.

Với mặt hàng thịt lợn cũng tương tự. Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng chúng ta chủ yếu xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên gặp không ít khó khăn. Từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc giảm, kéo theo giá thịt lợn trong nước giảm theo khiến cho người chăn nuôi lợn lao đao.

2. Phụ thuộc vào nguyên liệu, vật tư ngành nông nghiệp

Không chỉ phụ thuộc đầu ra, mà đa phần nguyên liệu, vật tư của ngành nông nghiệp vẫn phải dựa rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc. Trong đó nhập khẩu phân bón chiếm 41,1% tổng lượng phân bón nhập khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu chiếm 55% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này.   Mặc dù ngành sản xuất phân bón nước ta hiện đã đáp ứng được 100% nhu cầu về phân ure, phân lân chế biến, phân NPK nhưng các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam vẫn chịu tác động lớn và khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu đặc biệt là phân bón từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Hình thức nhập này rất khó kiểm soát về chất lượng sẽ không tránh khỏi sự trà trộn của các loại phân bón giả, kém chất lượng. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, 7 tháng đầu năm 2016, kiểm tra 1.356 vụ, phát hiện, xử lý 399 vụ vi phạm. Xử phạt vi phạm hành chính là 3.985 tỉ đồng. Thu giữ 20 tấn phân đạm Trung Quốc, tiêu hủy 12.500 kg phân bón NPK giả công hiệu sử dụng, 2.425 kg phân bón quá hạn sử dụng các loại; buộc tái chế 3.500 kg phân bón NPK kém chất lượng.

3. Thương lái Trung Quốc thao túng giá

Bên cạnh việc chúng ta phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu nông sản của Trung Quốc thì câu chuyện thương lái Trung Quốc đua nhau thu mua giá cao, sau lại đột ngột ngừng mua khiến rau quả Việt Nam rớt giá thảm hại, nông dân lỗ nặng không phải là chuyện hiếm, lặp đi lặp lại cả thập kỷ nay. Nhờ lợi thế nắm chặt đầu ra, thương lái Trung Quốc dễ dàng thao túng giá, đẩy phần thiệt thòi về phía người nông dân mà không ai làm gì được.  Các sự việc xảy ta đều theo một mô - típ chung là thao túng - mua một phần - ngừng mua - mua lại và ép giá. Ban đầu, các thương nhân Trung Quốc thu mua ồ ạt, họ đặt trạm gom hàng nông sản khiến nhu cầu tăng đột biến, giá nông sản tăng nhanh. Các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được và đành chịu thiếu nguyên liệu sản xuất. Sau khi đã thao túng được thị trường và nhận một phần sản phẩm, tất cả thương nhân Trung Quốc bắt đầu hạn chế và dừng mua đột ngột khiến giá giảm nhanh chóng. Đến khi giá giảm rất thấp thì họ bắt đầu quay trở lại ép giá thấp hơn nữa và bắt đầu thu mua. Người nông dân Việt Nam gần như không có cách nào để kháng cự lại, nếu càng cố giữ hàng chờ giá lên, thì lại càng bị ép giá nặng.

Giải cứu chuối cho bà con Đồng Nai khi Trung Quốc thôi thu mua - Ảnh: Internet

4. Kiểu mua bán tận diệt của thương lái Trung Quốc

Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua những thứ dị biệt đã không còn là chuyện hiếm, đã nhiều lần người dân phải "ngậm đắng nuốt cay" bởi cách thu mua này. Thế nhưng, tình trạng thu mua kiểu lạ đời của thương lái Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt”. Từ 10 năm trước, thứ mà thương lái Trung Quốc thường mua là móng trâu, móng bò. Vài năm gần đây là đỉa, lá điều khô, lá vải khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi. Cho đến thời điểm này các mặt hàng mà thương lái Trung Quốc thu mua chưa chứng minh được lợi ích về mặt ý nghĩa kinh tế, chúng ta không hiểu họ mua những sản phẩm đó để làm gì. Tuy nhiên với kiểu làm ăn buôn bán như thế đã gây ra những tác hại không hề nhỏ đối với nền kinh tế nông nghiệp nước ta. Hậu quả của những phi vụ mua bán kì quặc kia là lá điều chất thành núi; đỉa, ốc bươu vàng nhiều nơi tiểu thương đã thả lại đồng ruộng khiến bà con nông dân khốn đốn; lá mãng cầu, cam non bị cắt bỏ sớm, làm năng suất cây sụt giảm nghiêm trọng.

Thương lái Trung Quốc mua lá điều khô tại Bình Phước -  Ảnh: Internet

5. Biện pháp khắc phục:

Để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc hoặc “sống chung” với thị trường đầy rủi ro này không có cách nào khác là phải thay đổi cung cách làm ăn, tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, mở rộng sang các thị trường khác. Để làm được điều đó phụ thuộc vào một tầm nhìn chiến lược dài hơi cho ngành nông nghiệp được vạch ra từ cơ quan chuyên môn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Viện và hệ thống trường đào tạo về Nông nghiệp.

- Cần tăng cường buôn bán chính ngạch, có ký cam kết thu mua với các đối tác Trung Quốc phòng khi họ “lật kèo”.

- Tìm thị trường trước khi sản xuất: Việt Nam thường có thói quen cứ sản xuất hàng hóa rồi mới đi tìm thị trường. Điều này khiến cho nhiều mặt hàng không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. Vì thế doanh nghiệp trong nước lại phải tìm mọi cách để tiêu thụ sản phẩm sang các thị trường khác.

- Phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Việc chế biến nông sản trong nước một mặt nâng cao giá trị xuất khẩu, mặt khác có thể tiếp cận với các thị trường “khó tính” nhưng đảm bảo tính ổn định. Từ đó giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn “dễ tính” nhưng đầy rủi ro.

- Nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề. Ở Việt Nam, vai trò của các hiệp hội ngành nghề rất mờ nhạt, chỉ mang tính hình thức. Các thành viên tham gia vào hiệp hội không được lợi ích gì, cũng không bị trừng phạt gì khi vi phạm các nguyên tắc đã được đề ra.

- Tăng cường liên kết giữa các cơ quan, ban ngành và người nông dân, doanh nghiệp để phối hợp hoạt động hiệu quả để chống lại sự thao túng thị trường của phía Trung Quốc. Nông dân và doanh nghiệp không được thông tin chính xác và kịp thời nên loay hoay, lo sợ khi bị thao túng. Liên kết yếu cũng khiến cho các cơ quan, ban ngành không thể kiểm soát được chất lượng của hàng sản xuất trong nước và khó khăn trong tìm kiếm thị trường mới.

 

- Nâng cao vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong việc định hướng cung cấp thông tin, cảnh báo cho người dân.  Chính quyền phải nắm bắt được tình hình, khuyến cáo rõ ràng và cung cấp đầy đủ thông tin cho bà con nông dân biết được thủ đoạn của họ. vai trò của bộ phận khuyến nông phải đi sát hơn nữa với nông dân, giúp họ chọn lựa phương án sản xuất nào có tính ổn định nhất, hơn là phải chạy theo “cầu ảo – giá ảo” mà bỏ ruộng vườn chạy theo thương lái Trung Quốc.

KHUYẾN CÁO BÀ CON:

- Nông dân cần phải tăng cường cảnh giác hơn, không vì được giá nhất thời mà chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bất thường sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch.

- Khi mua bán với thương lái Trung Quốc cần thông qua hợp đồng . Tránh kiểu mua bán bằng miệng với nhau. Như vậy, nông dân sẽ được đảm bảo quyền lợi, bởi các thương lái phải thực hiện đúng nghĩa vụ của họ trong việc giữ giá, mua đúng số lượng.

- Người sản xuất cần nâng cao chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo quy định VietGAP, sản xuất với sản lượng phù hợp nhưng chất lượng cao. Có như vậy người sản xuất mới có thể được cấp tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng… cho sản phẩm của mình, giúp cho sản phẩm tiếp cận được với hệ thống siêu thị và mới có cơ hội xuất khẩu sang thị trường khó tính.

- Bà con nông dân cần tìm đến các cửa hàng, đại lý có uy tín để chọn mua sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Khi mua cần lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu; đặc biệt lưu ý đến các thông số ghi trên bao bì như chủng loại, nguồn gốc, thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng và nhà sản xuất.

- Đặc biệt khuyến cáo bà con khi thấy thương lái Trung Quốc đến thu mua những thứ dị biệt, bà con nên cảnh giác, không vì lợi nhuận trước mắt mà gánh chịu hậu quả sau này. Nên thông báo ngay cho chính quyền địa phương hiện tượng thu mua khác lạ của thương lái Trung Quốc để kịp thời có biện pháp xử lý.

 

Theo phân tích của chuyên gia Agritech

(Tham khảo thesaigontimes.vn, tintuc.vn, baomoi.com)

 


Xem thêm