Nông dân mất trắng vì mua phải phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng

2020-09-08 16:11:14

Bón phân cho lúa, lúa héo rũ, hạt lép. Phun thuốc diệt cỏ, cỏ vẫn sống tốt trong khi mạ chết gần hết. Đây là những tác hại của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng khiến người nông dân rơi vào cảnh trắng tay.

Ảnh minh họa

Hiện nay, vấn nạn phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng vẫn rất nhức nhối. Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng. Người nông dân rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi mua phải những loại vật tư nông nghiệp giả, không đạt chất lượng này.

Phun thuốc diệt cỏ: Cỏ sống tươi tốt, mạ chết
Ngày 6/9, người dân xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau như ngồi trên đống lửa khi mới đầu vụ đã bị thiệt hại vì phun thuốc diệt cỏ nhưng lúa chết, trong khi cỏ vẫn sống tươi tốt. 
Trước đó, ngày 27/7, ông Nguyễn Quốc Hưng (ngụ ấp Trùm Thuật A) đã đến UBND xã trình bày về việc dùng một loại thuốc diệt cỏ nhưng cỏ không chết, mạ thì héo rũ.
Tương tự trường hợp của ông Hưng, hai ông Nguyễn Văn Tuấn và Trương Văn Linh (cùng ngụ ấp Trùm Thuật) cũng đến UBND xã trình bày việc mạ non chết do thuốc diệt cỏ giả, kém chất lượng. Ông Tuấn cho biết, ông phun thuốc diệt cỏ cho 3,3 ha mạ, nhưng sáng hôm sau khi thăm đồng, ông thấy 1,5 ha mạ nổi lềnh bềnh trên ruộng. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp Bảy Ghe) bị thiệt hại nặng nhất. Ông phun thuốc diệt cỏ cho 3,2 ha mạ, nhưng có đến 80% diện tích mạ bị chết héo chỉ sau vài ngày. 

Bón phân cho lúa: Lúa héo rũ, hạt lép
Anh Trần Văn Thanh (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết, gia đình anh thử dùng phân bón mới được giới thiệu tại một hội thảo đầu bờ. Sau khi bón loại phân này được vài ngày, đồng lúa xanh tốt của anh trở nên héo rũ.
Bà Lê Thị Mỹ (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) tâm sự, bà rất bức xúc vì từng mua phải phân bón kém chất lượng khiến hạt lúa bị lép, trong khi cây vẫn phát triển tươi tốt, thiệt hại nặng nề.

Phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng đã khiến mồ hôi, công sức của người nông dân “đổ sông đổ bể”, nhiều gia đình rơi vào cảnh đã nghèo lại nghèo thêm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón giả, kém chất lượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: ảnh hưởng đến đất trồng trọt, nguồn nước, gây thiệt hại cho người nông dân, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính,... Bởi vậy, những hành vi này đáng phải lên án mạnh mẽ.

“Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón và hơn 100.000 tấn thuốc BVTV. Hiệp hội phân bón Việt Nam thống kê, mấy năm gần đây tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đang hoành hành tràn lan, nhất là ở vùng nông thôn. Trung bình mỗi năm, nông dân tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón với trên 1.000 cơ sở sản xuất, trong đó có từ 30 - 50% là phân bón giả, kém chất lượng.” (Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả tràn lan ở miền Tây (kỳ 1), ngày 7/9/2020, congan.com.vn)


Cổng Nông Dân

Ý kiến bạn đọc ()
Hồ Văn minh
09/09/2020 09:04

Đam urê phu mi bon trên mặt đất 2-3 ngày không có mưa mà vẫn còn nguyên vẹn hạt đam thì có phải đam giả không

Trả lời


Xem thêm