Lo ngại người chăn nuôi "bán tống, bán tháo" lợn thịt để chạy dịch

2020-08-04 10:19:56

Do tâm lý lo sợ dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều hộ nông dân bán lợn chạy dịch với số lượng lớn. Đây là một trong những nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh trên lợn.

Dân "bán tống, bán tháo" lợn nhỏ
Theo phản ánh của một số thương lái thu mua lợn thịt tại khu vực các tỉnh phía Nam, những ngày gần đây, nhiều hộ nông dân và các trang trại nuôi lợn ồ ạt xuất bán lợn thịt nhỏ (trọng lượng mỗi con  khoảng 45 – 60kg). Tại 2 chợ đầu mối gia súc lớn nhất khu vực phía nam là chợ Bình Điền và chợ Hóc Môn, những ngày qua, lượng lợn thịt, đặc biệt là lợn thịt nhỏ đổ về tăng đột biến. Cụ thể:
Ngày 30/7, có khoảng 5.300 con lợn thịt đổ về 2 chợ, trong đó có khoảng 1.700 con lợn nhỏ. Trong khi những ngày trước đó, trung bình mỗi ngày chỉ khoảng 600 - 700 con lợn nhỏ được đưa về chợ. Ngày 31/7, có 600 con lợn nhập từ Thái Lan và 700 lợn nhỏ được đưa về. Ngày 1/8, số lượng lợn thịt đổ về 2 chợ khoảng 5.350 con, trong đó có 1.000 con lợn mảnh nhỏ 35 - 60 kg. Đến ngày 2/8, tổng lượng lợn đổ về 2 chợ Bình Điền và Hóc Môn tương đương với ngày 1/8, nhưng số lợn thịt nhỏ tăng gấp đôi (2.000 con).

Lo ngại dịch bùng phát trở lại, người chăn nuôi bán tháo lợn nhỏ 

Theo chia sẻ của một số thương lái tại chợ Hóc Môn, thông thường, nếu không có dịch bệnh xảy ra, lợn phải đạt trọng lượng từ 90kg mỗi con trở lên mới được xuất bán ra thị trường. Thế nhưng, những ngày gần đây, một lượng lớn lợn thịt có trọng lượng từ 40 - 65kg đổ về chợ. Hiện tượng lợn nhỏ ồ ạt đổ về chợ là do người chăn nuôi bán tháo để “chạy dịch”. Bởi vì nếu lợn có trọng lượng mới chỉ 45- 60kg mà đã xuất chuồng thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ, do từ giai đoạn này lợn bắt đầu tăng trưởng nhanh. Thêm vào đó, loại lợn thịt nhỏ này sẽ bị các thương lái thu mua với giá rẻ hơn 10.000 đồng/kg so với loại lợn hơi trọng lượng 100kg. 
Trước đây, thương lái cũng không muốn bắt loại lợn nhỏ này, nhưng nay do dịch bệnh khiến nguồn hàng khan hiếm, nên các thương lái đành bắt tạm. Với tình trạng người chăn nuôi ồ ạt bán tháo lợn thịt nhỏ như hiện nay, nhiều thương lái lo lắng trong 2 tháng tới không còn lợn để thu mua.

Nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại
Theo công điện khẩn số 20/CĐ-UBND ngày 29/7/2020 của UBND tỉnh Nghệ An,  hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 4 ổ dịch Tai xanh tại 4 hộ thuộc các huyện: Nam Đàn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa. Nguyên nhân dịch xảy ra là do thời tiết nắng nóng kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Do đó, thời gian tới nắng nóng tiếp tục diễn ra, nguy cơ phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn và lây lan là rất cao.
Về dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT khẳng định, đến nay chưa tái phát dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn do chưa có vaccine phòng bệnh. Để kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi đến các địa phương về nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan trên diện rộng là rất lớn và đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh. Đặc biệt, nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long đối diện với nguy cơ tái bùng phát dịch.
Giá lợn hơi 3 miền giảm nhẹ
Tình trạng người chăn nuôi bán tháo lợn chạy dịch khiến giá lợn hơi hôm nay ở cả 3 miền giảm nhẹ. 
Tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi hôm nay giảm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg, xuống mức 88.000 - 92.000 đồng/kg. 
Tại khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay đi ngang, một số địa phương giảm nhẹ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Hiện lợn thịt khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang được thu mua với giá dao động trong khoảng từ 81.000 - 88.000 đồng/kg.
Tương tự 2 miền trên, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam cũng ghi nhận giảm so với hôm qua. Giá lợn hơi được giao dịch trong khoảng 85.000 - 89.000 đồng/kg.

Theo thống kê của ngành Thú y, tính đến hết quý II/2020, trên địa bàn cả nước đã có gần 230 xã tái phát dịch, 520 xã có dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020. Các chuyên gia chăn nuôi nhận định, việc tái dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào do chưa có vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, quy mô chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học hiện chỉ phổ biến tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, tuân thủ và có điều kiện đầu tư để nuôi theo phương pháp sinh học. Còn lại, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn nuôi theo phương pháp truyền thống. 

Cổng Nông Dân


Xem thêm