Lãi hay lỗ với cá tra ?

2018-05-17 10:22:41

Trong 3 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang phải rất nỗ lực tìm cách xoay chuyển thị trường để thích ứng với những khó khăn từ những thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành cá tra Việt Nam nhiều năm nay như Mỹ và EU.

1. Cá tra Việt Nam gặp khó khăn ở thị trường truyền thống

Mỹ và EU là thị trường truyền thống của cá tra Việt Nam từ hàng chục năm nay. Nhưng trong thời gian gần đây, con cá tra liên tục bị “mắc cạn” ở hai thị trường chính và truyền thống này

 Hai thị trường quan trọng là Mỹ và EU, giá trị XK cá tra vẫn trên đà sụt giảm

 - Thị trường Mỹ

Năm 2017, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm sút trong nhiều tháng do hàng rào kỹ thuật và thương mại từ phía Mỹ. Tính đến hết năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ chỉ đạt 387 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây nhất, chiều ngày 19/3/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra – basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ 01 tháng 8 năm 2015 tới 31 tháng 7 năm 2016). Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên.

Mức thuế 7,74 USD/kg được đưa ra lần này cao 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 và cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.

Trong khi giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ ở thời điểm hiện tại khoảng 4 - 5 USD/kg thì mức thuế gần 8 USD/kg xem như gấp đôi giá xuất khẩu. Với mức thuế trên, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn. Việc áp thuế Chống bán phá giá từ phía Mỹ đối với các công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam khiến cho thị trường bị thiên lệch, đồng nghĩa với việc làm cho giá cá tra ở Mỹ cao hơn ở châu Âu và Trung Quốc.

Thêm vào đó đó, năm 2018, phía Hoa Kỳ sẽ tổ chức đoàn đánh giá thực tế thực thi những quy định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ sở nuôi, nhà máy chế biến cá da trơn tại Việt Nam.

- Đối với thị trường EU

Tại thị trường EU, thủy sản Việt nam cũng đang gặp khó khăn. EU đã "phạt thẻ vàng” với mục đích cảnh báo việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Hiện tại, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này chỉ còn 261 triệu USD, giảm gần 23% so với năm 2016. Từ thị trường xuất khẩu hàng đầu giai đoạn 2010 - 2012, nay thị trường EU đã tụt xuống vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang EU vẫn giảm mạnh, chưa có dấu hiệu phục hồi, dự báo xuất khẩu cá tra sang EU trong quý II năm 2018 giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. 

2. Các thị trường tiềm năng mới cho cá tra

- Thị trường Trung Quốc

Trong khi các thị trường lớn như Mỹ và EU đột nhiên suy giảm thì thị trường của Trung Quốc gần đây lại tăng mạnh. Theo báo cáo của Hiệp hội cá tra Việt Nam, tỉ trọng XK cá tra sang thị trường này vào năm 2014 chiếm 6,4%, năm 2015 chiếm 10,3%, năm 2016 chiếm 17,8% và năm 2017 chiếm 23%.  Thị trường Trung Quốc vượt qua Mỹ và EU trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với tỉ trọng 23%. Tuy nhiên xuất khẩu sang Trung Quốc tiềm ẩn một số quan ngại cho ngành khi các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đang có sự phát triển mạnh theo cả hai hướng. Một bên là các doanh nghiệp tập trung vào việc nâng cao giá trị, chất lượng, hình ảnh sản phẩm, nhưng một bên lại đang cạnh tranh bằng giá. Điều này dẫn đến việc kiểm soát chất lượng không đồng bộ, giá xuất qua 2 phương thức này chênh lệch nhau (giá xuất khẩu giữa công ty và tiểu thương chênh lệch 1 USD), dẫn đến sự canh tranh không công bằng và gây bất ổn định về nguồn nguyên liệu xuất khẩu.

Trung Quốc vượt qua Mỹ và EU trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam

- Thị trường ASEAN

Trong tháng 1/2018, giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường lớn trong khu vực ASEAN là Thái Lan, Singapore và Philippines tăng trưởng lần lượt 163,5%; 71,5% và 114,7% so với cùng kỳ năm 2017. Với giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh, ASEAN vượt EU để trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam.

- Thị trường châu Âu

Năm 2017, Anh là thị trường duy nhất ở châu Âu có giá trị tăng trưởng dương xuất khẩu cá tra. Kết thúc năm giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 45,7 triệu USD, chiếm 2,6% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 2,5% so với năm 2016. Với mức giá cạnh tranh hơn nhưng các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn chưa có chiến lược nhằm chiếm lĩnh thị trường này, kể từ hình thức bắt mắt của sản phẩm. Anh là thị trường tiềm năng và còn rộng lớn, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nắm bắt tốt hơn thị hiếu tiêu dùng và cạnh tranh tốt hơn tại Anh.

3. Rủi ro gì sẽ đến cho các hộ đang tự mở rộng diện tích ao nuôi cá tra

Giá cá tra nguyên liệu, cá tra giống luôn ở mức cao và ổn định từ đầu năm 2017 đến nay. Giá cá tra tăng là do nguồn nguyên liệu khan hiếm, cung không đủ cầu vì thời gian từ năm 2014 đến 2016, giá cá bấp bênh khiến nhiều hộ bỏ ao nuôi. Mặt khác, một tác động quan trọng lên giá cá chính là việc gia tăng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu chế biến, đẩy giá lên cao. Nhưng xét kỹ có thể thấy thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam đang có nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, nhất là tại các thị trường xuất khẩu chính, có thể gây bất lợi cho người nuôi.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt mở rộng diện tích nuôi cá tra 

Trước xu hướng thị trường như trên và tình hình ổ ạt mở rộng diện tích nuôi cá tra tại cá tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay. Nhiều khả năng đến tháng 11-12/2018, sản lượng cá nguyên liệu sẽ vượt quá năng lực của các nhà máy chế biến. Khi đó, việc sụt giảm giá như những năm trước là điều khó tránh khỏi. 

Trung Quốc hiện nhập khẩu hơn 50% sản lượng cá tra trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là do hầu hết các ao nuôi đều đạt chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế, như BAP, ASC, GlobalGap… và chấp nhận mua với số lượng lớn nếu đạt yêu cầu. Nhưng việc nhiều hộ nuôi ồ ạt mở rộng diện tích nuôi không nằm trong vùng quy hoạch nên sẽ không được cấp mã số ao nuôi và sẽ không có giấy chứng nhận xuất khẩu. Chắc chắn, khi đó sản phẩm sẽ bị ép giá và ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả của ngành hàng cá tra trên thị trường xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc rất bấp bênh. Giá cá có thể sụt giảm bất cứ lúc nào nếu phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu.Tất cả các mặt hàng xuất sang thị trường Trung Quốc lâu nay đều bị hiện tượng đó.

Vì vậy, người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích thả nuôi mà thay vào đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, nuôi đúng diện tích đã quy hoạch theo hướng sạch, an toàn thực phẩm và gắn kết với nhu cầu của thị trường để phục vụ chế biến xuất khẩu, người nuôi phải luôn luôn lắng nghe và đáp ứng theo yêu cầu, tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường, của doanh nghiệp.

Theo phân tích của chuyên gia Agritech

(Tham khảo: tongcucthuysan.gov.vn, cafef.vn, vietnambiz.vn)

Xem thêm: Lợi nhuận lớn từ nuôi cá tra, người dân ồ ạt phá ruộng vườn, đào ao. Nguy cơ gì đang chờ đợi họ ?


Xem thêm