SB-PHÒNG TRỪ MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN THANH LONG

2017-11-27 14:25:51

1. Sâu hại

 a. Kiến

Kiến cắn đục phá gốc cây làm hư hom giống, cành non, tai lá, nụ hoa, trái non, trái chín gây ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm.

* Biện pháp phòng trừ

     – Vệ sinh vườn, dọn sạch các cành cây, lá khô trong vườn để không cho kiến có nơi ẩn náu.

     – Ở những vườn bị nhiễm nặng, khi cây có nụ hoa, có thể sử dụng thuốc hóa học để trị nhưng phải bảo đảm thời gian cách ly an toàn. Không sử dụng thuốc hóa học trên trái một tuần trước khi thu hoạch.

      – Sử dụng nước đường hoặc bả dừa khô trộn với thuốc hóa học (Regent) để diệt kiến sau khi thu hoạch.

  b. Các loại bọ cánh cứng

* Cách gây hại

     Bọ cánh cứng thường gây hại ở vỏ và tai trái gây vết thương tạo điều kiện cho nấm bệnh và vi khuẩn gây hại làm giảm mẫu mã của trái.

  * Biện pháp phòng trừ

     – Vệ sinh vườn, phát quang bụi rậm, cỏ dại, bón phân chuồng hoai.

      –  Bọ trưởng thành có kích thước khá lớn, dễ phát hiện nên biện pháp tốt nhất là bắt bằng tay.

      – Biện pháp hoá học: Có thể dùng các loại thuốc hóa học nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp & PTNT như nhóm cúc tổng hợp, thuốc có nguồn gốc sinh học để phun và lưu ý thời gian cách ly của sản phẩm.

  c. Ruồi đục trái

* Cách gây hại

        Ruồi đục trái là đối tượng nguy hiểm và là đối tượng kiểm dịch rất khắt khe của nhiều nước trên thế giới. Ruồi cái chích vào vỏ trái và đẻ trứng vào bên trong, bên ngoài lớp vỏ có dấu chích sẽ biến màu nâu, khi trứng nở thành giòi ăn phá bên trong trái làm thối và rụng trái.

* Biện pháp phòng trừ

        – Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tiêu hủy trái rụng.

        – Thu hoạch trái chín kịp thời.

        – Áp dụng biện pháp bao trái.

        – Sử dụng pheromone bẫy ruồi đực (Flykil 95 EC, Vizubon-D): Tẩm pheromone có trộn thuốc trừ sâu vào miếng thấm; Gắn vào bẫy và treo lên cây; Tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào bẫy; Mỗi 2 tuần thay thuốc 1 lần; Nên treo bẫy đồng loạt trên diện rộng.

        – Phun mồi protein (SofriProtein + Fipronil 5% SC): Ruồi thành trùng cần ăn protein để con cái phát triển trứng, con đực phát triển tinh trùng. Ưu điểm của phương pháp này là giết cả ruồi cái và ruồi đực, lượng thuốc trừ sâu sử dụng ít, an toàn cho côn trùng có ích.

 d. Sên, ốc

* Cách gây hại

        Ốc sên và sên dẹp (sên nhớt, sên trần, con bà chằng) phát triển mạnh trong mùa mưa. Ban ngày ẩn nơi ẩm, mát, dưới lớp rơm tủ, ban đêm chúng xuất hiện và ăn phá phần non của cành, hoa, trái thanh long.

        * Biện pháp phòng trừ:

        – Vệ sinh vườn, dọn sạch cỏ dại vào mùa mưa.

        – Tẩm thuốc diệt ốc (Deadline Bullet, Yellow-K) vào bông, trái đặt bả nơi sên, ốc hay tập trung.

Ngoài ra còn có các dịch hại khác như bọ trĩ, rầy mềm, bọ xít, sâu ăn tạp(sâu da láng), ngài chích hút hại trái, tuyến trùng hại rễ.

 2. Bệnh hại

 a. Bệnh thối cành

* Tác nhân: Do nấm Alternaria sp. gây ra

* Đặc điểm gây hại: Bệnh thường xảy ra vào mùa nắng. Thân cành bị thối mềm có màu vàng nâu, vết thối thường bắt đầu từ ngọn xuống.

* Biện pháp phòng trừ

        – Cung cấp đủ nước cho cây vào mùa nắng.

        – Tránh tưới cây vào lúc trời nắng gắt.

        – Bón phân cân đối.

        – Vườn phải thoát nước tốt.

        – Cắt bỏ cành bị bệnh và tiêu hủy.

        – Có thể dùng các sản phẩm đặc trị bệnh thán thư trên thanh long nằm trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT và các sản phẩm nguồn gốc sinh học phun trừ.

 b. Bệnh đốm nâu trên thân cành

* Tác nhân: Do nấm Gloeosporium agaves gây ra.

* Đặc điểm gây hại: Thân cành thanh long có những đốm tròn như mắt cua màu nâu. Vết bệnh nằm rải rác hoặc tập trung, thường kéo dài thành từng vệt dọc theo thân cành.

        * Biện pháp phòng trừ

        – Vệ sinh vườn, cắt và tiêu huỷ cành bệnh

        – Có thể dùng các loại thuốc như Dithane M45 80WP, Manozeb 80WP để phun trừ. 

 c. Bệnh thán thư

Tác nhân: Do nấm Colletorichum gloeosporioides  gây ra

* Đặc điểm gây hại:  Bệnh gây hại chủ yếu trên hoa, trái. Trên hoa, nấm tạo thành những đốm đen nhỏ làm hoa bị khô đen và rụng, trên trái già và chín có những đốm đen hơi tròn lõm vào vỏ. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều.

  * Biện pháp phòng trừ

– Tỉa cành cho cây thông thoáng, loại bỏ cành bị sâu bệnh, không cho cành tiếp xúc với đất.

– Tiêu hủy các cành bị bệnh nặng.

– Phun thuốc phòng bệnh (Nustar, Antracol, Anvil) khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển (mưa nhiều).

(Theo Nông nghiệp trẻ)

Ý kiến bạn đọc ()
Cổng Nông Dân
24/12/2018 08:56

Chào bạn Phan Văn Thi!

Theo những biểu hiện mà bạn mô tả thì cây thanh long đã bị tuyến trùng gây hại.

Biện pháp khắc phục như sau:

+ Cần bón phân đầy đủ và hợp lý sẽ giúp cây chống chịu bệnh tốt hơn, chú ý bổ sung MAGIE và VÔI.

+ Bón PHÂN HỮU CƠ hoai mục + nấm TRICHODERMA để hạn chế bệnh khi trong mùa mưa không phun được thuốc

+ Cần thoát nước tốt nhằm tránh lây lan.

+ Những cây mới chớm bệnh cần phun ngay một trong các thuốc thuộc nhóm: FOSETYL ALUMINIUM hoặc MANCOZEB + ME-TALAXYL hoặc PHOSPHOROUS ACID hoặc các thuốc gốc ĐỒNG...

+ Nếu kiểm tra rễ bị nốt sưng có tuyến trùng thì cần phải rắc thuốc trừ nhóm: ABAMECTIN hoặc BENFURACARB hoặc ETHOPROPHOS,… Sử dụng luân phiên thuốc và theo hướng dẫn của từng thuốc.

Trả lời

phan văn thi
22/12/2018 18:46

Trên rễ thanh long mình thấy có những cái u sưng to, khi gậy ra mình thấy rất nhìu trứng màu trắng hình tròn, kích thước gần 1mm, xin hỏi đó là trứng của con gì vậy?

Trả lời


Xem thêm










CS-Xử lý cho thanh long nghịch vụ

Mùa thanh long tự nhiên là từ tháng 4 tới tháng 9, tuy nhiên, vào mùa nghịch, một số nhà vườn đã dùng kỹ thuật chong đèn tạo quả trái vụ để chủ động thu hoạch...



Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng