SB-Phòng trừ bệnh thối rễ trên ổi

2023-06-15 15:54:59

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, nông dân đã chuyển sang trồng ổi ở những diện tích đất lúa kém hiệu quả, theo đó, diện tích trồng ổi ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, trên cây ổi bị nhiều dịch hại tấn công, trong đó, bệnh thối rễ xuất hiện ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, làm chết cây. Để phòng trị bệnh thối rễ cần áp dụng các biện pháp tổng hợp.

Triệu chứng cây ổi bị bệnh thối rễ: rễ to có vết đen.

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, triệu chứng ban đầu của bệnh thối rễ cây ổi là lá ngọn của một vài nhánh bị úa, héo vàng và rụng sớm; dần dần cành bị khô và chết, chết dần từ các nhánh nhỏ đến các cành lớn. Trái kém phát triển, héo, thối và rụng.

Triệu chứng lan rộng trên toàn bộ cây, và các cây trông như bị lửa thiêu rụi. Mô mạch của thân gần rễ đổi màu từ nâu sang đen, khối sợi nấm màu trắng dưới vỏ ngoài cùng của thân cây chết. Rễ xuất hiện những vết đen, các mô mạch rễ hóa nâu đến đen hoàn toàn ở cây bị chết.

Tác nhân gây hại do nấm Nalanthamala psidii, lây nhiễm chủ yếu xảy ra qua rễ. Sau khi xâm nhiễm rễ, mầm bệnh di chuyển trong mạch gỗ. Nấm có thể được phân lập từ tất cả các bộ phận thân gỗ của cây có các triệu chứng.

Vết thương làm tăng sự phát triển của bệnh và các triệu chứng có thể phát triển trong vòng 3 tháng sau khi cấy nhân tạo vào rễ trên ruộng và cây có thể chết trong vòng 6 tháng.

Cây ổi bị nhiễm tuyến trùng bướu rễ biểu hiện triệu chứng cây sinh trưởng kém, lá nhỏ, lá úa vàng sớm hoặc rìa lá nâu tím thành từng mảng, xuất hiện rải rác hay thành từng chùm hay trên toàn tán lá, cây còi cọc suy dinh dưỡng.

Hệ thống rễ với đầy những nốt u bướu, những nốt u bướu to và liền nhau (giống ổi xá lỵ) hoặc những nốt u bướu nhỏ và rời rạc (giống ổi không hạt). Cây bị bệnh nặng và lâu những khối u bướu bắt đầu thối rữa, có thể nắm và nhổ lên dễ dàng.

Tác nhân gây hại do tuyến trùng bướu rễ Meloidogyne enterolobii. Tuyến trùng Meloidogyne sp. thuộc nhóm nội ký sinh bắt buộc, sinh sản đơn tính. Trứng được đẻ ra ngoài cơ thể, trong một túi nhờn, có thể nhìn thấy trên bề mặt của rễ. Mỗi tuyến trùng cái có thể đẻ từ 500-1.000 trứng, ấu trùng tuổi 1 nằm trong trứng.

Sau khi trứng nở, ấu trùng tuổi 2 di chuyển trong đất vùng rễ tìm rễ non, xâm nhập vào các tế bào rễ non của cây ký chủ để chích hút dinh dưỡng và tiết ra các men, các chất kích thích sinh trưởng làm cho tế bào rễ sinh sản quá độ, phình to tạo ra các nốt u bướu to nhỏ khác nhau.

Trong các nốt u bướu, ấu trùng tuổi 2 sẽ phát triển thành ấu trùng tuổi 3, 4 và trở thành con cái. Cây ký chủ rất cần cho quá trình sinh trưởng phát triển và sinh sản của tuyến trùng, đồng thời quyết định tỷ lệ đực cái, con đực chỉ hình thành khi cây ký chủ chết hoặc bộ rễ bị thối rữa.

Theo ThS Đặng Thùy Linh- Viện Cây ăn quả miền Nam, triệu chứng thối rễ cây ổi được tìm thấy với cả 2 tác nhân song song gồm thối đen rễ, hóa nâu mạch dẫn và bướu rễ nhưng các nốt sần hay bướu được tìm thấy có thể to hay nhỏ tùy thuộc vào giống ổi.

Để trị bệnh thối rễ cây ổi cho vườn ổi bị bệnh, có tỷ lệ cây có triệu chứng không quá 5% (nếu trên 30% số cây trên vườn bị chết thì cần phá bỏ cả vườn ổi vì có trị bằng thuốc hóa học cũng gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả không cao và không kinh tế) cần áp dụng các biện pháp tổng hợp.

ThS Đặng Thùy Linh cho rằng cần loại bỏ hết trái trên cây có triệu chứng bệnh; loại bỏ các loại cỏ là ký chủ của tuyến trùng trong vườn như: bình bát dây, rau muống, rau diệu, tai tượng; bón phân NPK cân đối, đảm bảo tưới nước đầy đủ vào mùa nắng cũng như thoát nước tốt vào mùa mưa.

Triệu chứng cây ổi bị bệnh bướu rễ: lá tím (giống ổi xá lỵ nghệ).

Nếu lớp đất mặt quá khô cứng cần xới đất xung quanh gốc. Ổn định ẩm độ đất xung quanh gốc cho cây bằng cách tủ rơm rạ, lục bình… Khi trong vườn có cây bị bệnh thối rễ sắp chết thì phải bứng hết gốc, lượm hết rễ đem phơi khô và đốt; cuốc đất vùng rễ cây bệnh, phơi nắng 1-2 tháng và trồng các loại cây thảo mộc: vạn thọ, lục lạc nhằm làm giảm mật số tuyến trùng gây bướu rễ ổi.

Song song đó, tưới thuốc đặc trị tuyến trùng và nấm 2 lần liên tục cách nhau 20 ngày, tưới dưỡng rễ, điều chỉnh pH tối thiểu 3 tháng/lần, phun dưỡng lá 2 lần cách nhau 2-3 tuần. Lưu ý: cần đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc.

Để phòng trị bệnh thối rễ cây ổi cho vườn ổi trồng lại trên đất đã từng trồng ổi hoặc trồng cây ăn trái khác cần áp dụng các biện pháp tổng hợp: Vườn cũ có cây bị bệnh thối rễ thì phải bứng gốc, lượm hết rễ đem phơi khô và đốt.

Cày xới đất, phơi nắng 2-3 tháng (4-6 tháng vào mùa mưa), có thể phủ thêm nilon trắng để tăng hiệu quả cho mùa mưa. Hoặc cày xới ngâm đất ngập trong nước ít nhất 20cm và thời gian ít nhất 2 tháng; rửa đất vài lần, phơi đất. Trồng 1-2 vụ một trong các loại cây thảo mộc nhằm làm giảm mật số tuyến trùng gây bướu rễ ổi. Khi trồng mới cần sử dụng cây ổi giống sạch bệnh.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho biết: Thời gian qua, chi cục cũng đã tổ chức tập huấn nhằm mục tiêu chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân kịp thời xử lý triệt để dịch bệnh, trong đó có bệnh thối rễ, vàng lá trên ổi, qua đó, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Theo vietlinh.vn


Xem thêm









SB-Bọ xít muỗi hại ổi

Với đặc tính dễ thích nghi, sớm cho trái và năng suất cao, vì thế cây ổi được trồng ở nhiều nơi từ miền Nam ra miền Bắc...


CS-kỹ thuật trồng ổi không hạt

Ổi không hạt có thể trồng được ở nhiều loại đất. Có khả năng chịu hạn tốt và chịu ngập vài ngày nhưng không chịu úng nước kéo dài, pH thích hợp từ 4,5 - 8,2.



Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng