SB-Làm bẫy bả diệt trưởng thành của Sâu keo mùa thu

2019-07-25 05:22:50

Diệt trưởng thành của SKMT là làm suy giảm một số lượng lớn trứng sẽ nở ra sâu non của “Kẻ hủy diệt” cây trồng. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo vệ cây trồng trước nguy cơ  gây hại của một lứa Sâu keo mùa thu mới.

Thời gian gần đây Sâu keo mùa thu (SKMT) bùng phát và gây hại mạnh trên hầu khắp các địa phương trồng ngô trên cả nước. Chỉ sau hơn 3 tháng xâm nhập vào Việt Nam, SKMT đã xuất hiện và gây hại ở 46 tỉnh, thành phố từ các tỉnh phía Bắc, đến Trung bộ,Tây nguyên, Đông Nam bộ và lan đến vùng Tây Nam bộ. Hiện đã có hàng chục ngàn héc ta ngô bị cắn phá, có những diện tích SKMT gây hại quá nặng phải hủy bỏ. Sâu non của SKMT gây hại từ khi ngô 2-3 lá đến bắp non. Giai đoạn ngô 3-9 lá là giai đoạn thường bị SKMT gây hại nặng. 
Để nỗ lực ngăn chặn sự phát tán của SKMT, một trong những biện pháp Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để đối phó với dịch sâu keo mùa thu là trừ diệt sâu trưởng thành - ngài đêm của SKMT. Trong đó biện pháp làm bẫy bả để tiêu diệt ngài đêm (sâu trưởng thành của sâu keo mùa thu) cần được tiến hành đồng thời. 
Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, con trưởng thành của một số loài (thuộc họ ngài đêm) như: Sâu ăn tạp (sâu khoang), sâu xám, sâu cắn lá ngô, sâu cắn gié lúa, sâu keo… chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Chúng có đặc điểm thích ăn các loại thức ăn có mùi chua ngọt trước khi giao phối, đẻ trứng. Tập tính này là đặc điểm chung của họ ngài đêm, trưởng  thành của Sâu keo mùa thu cũng thuộc loại này.
Lợi dụng đặc tính này của SKMT, biện pháp dùng bẫy bả chua ngọt là pha thuốc trừ sâu vào bả nhằm dẫn dụ con trưởng thành bay đến ăn, rồi ngộ độc thuốc mà chết. Cách làm này rất an toàn cho người trực tiếp lao động, an toàn cho cây trồng, phù hợp với phương thức sản xuất nông sản an toàn hiện nay.


Vòng đời của Sâu keo mùa thu

Diệt trưởng thành của SKMT là làm suy giảm một số lượng lớn trứng sẽ nở ra sâu non của “Kẻ hủy diệt” cây trồng. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo vệ cây trồng trước nguy cơ gây hại của một lứa Sâu keo mùa thu mới, không riêng đối với cây ngô mà còn đối với nhiều cây trồng khác.
1. Chuẩn bị vật liệu
- Nguyên liệu
+ Mật mía hoặc đường đen, dấm gạo, rượu, nước được phối trộn vào nhau để lên men (có thể chuẩn bị thêm 1, 2 lon bia để tăng thêm mùi hấp dẫn). 
+ Thuốc trừ sâu: Regent, Gà nòi 95SP, Padan 95SP hoặc Actara 25WG, là các loại thuốc trừ sâu ít mùi - trong danh mục thuốc BVTV.
- Vật liệu
+ Hộp bẫy: Có thể mua ở bất cứ cửa hàng bán thuốc BVTV nào cũng có. Nếu tự làm hộp bẫy thì dùng loại hộp nhựa tròn đường kính 9 - 10 cm, cao 15 - 18cm, có nắp đậy kín. Trên thành hộp đục 4 - 5 lỗ tròn có đường kính 2,5 - 3 cm hoăc tạo thành cửa sổ ở vị trí khoảng nửa trên của hộp. Kích thước lỗ đủ lớn để cho con trưởng thành có thể chui lọt vào trong để ăn bả. Có thể dùng chậu nhựa, bát nhựa thay cho hộp đựng bả để bẫy trưởng thành, tuy nhiên chậu, bát nhựa cũng cần có nắp đậy.  


Các loại bẫy bả diệt trưởng thành họ ngài đêm

+ Bó bẫy: Rơm hoặc rạ được chia thành từng nắm, bó chắc lại một đầu còn một đầu để xòe tự nhiên.
+ Dây buộc, cọc cắm, vật che trên bẫy.
2. Cách chuẩn bị bả chua ngọt
- Phối trộn nguyên liệu ủ chua: Dùng 4 phần mật (đường đen) trộn với 4 phần dấm, 1 phần rượu và 1 phần nước (tỷ lệ 4:4:1:1), khuấy kỹ để dung dịch này tan đều (có thể cho thêm bia vào để tăng mùi chua ngọt hấp dẫn). Tất cả cho vào can nhựa, bình nhựa… đậy kín. Sau 3 - 4 ngày, khi thấy dung dịch bốc mùi chua ngọt thì trộn thêm thuốc trừ sâu. 
- Phối trộn thuốc BVTV (thuốc ít mùi) với nguyên liệu ủ chua: Dùng các thuốc BVTV như Gà nòi 95SP, Padan 95SP hoặc Actara 25WG… (Chú ý: Mỗi lần đặt bẫy chỉ sử dụng 1 trong các loại thuốc trên trộn vào dung dịch chua ngọt để tạo thành bả). Với liều lượng, cứ 100 phần dung dịch chua ngọt phối trộn với một phần thuốc trừ sâu. Đối với thuốc BVTV Regent, cứ 1 lít dung dịch chua ngọt cho 1 gói thuốc trừ sâu Regent 800WG (1g), khuấy đều hỗn hợp là thành bả. Lượng sử dụng cho mỗi hộp bẫy từ 0,1 - 0,15lít bả chua ngọt đã phối trộn.
2. Cách đặt bẫy bả
Bẫy được đặt ở các vị trí để mùi chua ngọt được lan tỏa rộng khắp, nhằm thu hút con trưởng thành bay đến. Tiến hành đặt bẫy khi phát hiện thấy trưởng thành SKMT bắt đầu xuất hiện hoặc đẻ trứng và duy trì bẫy liên tục trên đồng.
- Cách thứ nhất: Cho bả vào hộp bẫy, chậu nhựa..., mỗi hộp, chậu khoảng 0,25 - 0,5 lít dung dịch bả đã phối trộn thuốc. Dùng 3 cây que cắm chéo, buộc trên đầu lại, tạo thành một cái giá treo hộp, chậu bả ở độ cao cách mặt đất từ 0,5 - 1 mét, nơi đầu gió. Hoặc treo bẫy bả vào thanh ngang, sao cho bẫy ngang với tầm cao nhất của cây ngô (chú ý không để hộp bẫy bị nghiêng). Mỗi ha đặt 7 - 10 hộp bẫy, 5 ngày đến 1 tuần thay bả mới một lần. Để tránh mưa nắng làm hỏng bả, ban ngày nhớ quây kín cửa sổ hộp bả hoặc đậy nắp chậu đựng bả lại, ban đêm mới mở nắp, mở quây để bướm đêm SKMT chui vào ăn bả.


Hộp bẫy tự làm được treo trên thanh ngang bẫy sâu keo hại rau

- Cách thứ hai: Lấy bó bẫy đã buộc sẵn, làm nhầu nát cho bó bẫy mềm ra dễ thấm bả. Hoặc dùng giẻ sạch (giấy thấm) nhúng vào dung dịch bả chua ngọt, cho vào giữa bó bẫy, rồi cắm trên một cọc tre dài khoảng 1 mét. Mỗi ha cắm khoảng 10 - 15 bó bẫy, mùi chua ngọt trong bó bẫy tỏa ra xung quanh sẽ hấp dẫn trưởng thành đến ăn bả. Cứ 3 - 5 ngày, thì nhúng lại bó bẫy hoặc vật thấm vào dung dịch bả một lần rồi đem treo tiếp. 
4. Một số lưu ý khi sử dụng bẫy bả
- Khi treo bẫy bả chua ngọt phải cắm biển, ghi thông tin cảnh báo nguy hiểm ở vùng đặt các hộp đựng bẫy bả, để tránh trẻ em, người lớn vô ý đụng phải hoặc đề phòng các bất trắc có thể xảy ra gây ngộ độc.
- Theo dõi ghi số lượng trưởng thành vào hộp bẫy bả hàng ngày, để xác định thời gian trưởng thành rộ và dự tính thời gian sâu non nở.
- Thường xuyên kiểm tra thăm đồng, nếu có nhiều trưởng thành SKMT trong hộp bẫy, phải vớt ra ngoài để tiếp tục thu hút đợt mới.
- Bả chua ngọt phải duy trì liên tục trong hộp bẫy hoặc bó bẫy. Thời gian thay bả là 3 đến 5 hoặc 7 ngày/lần tùy theo mức độ con trưởng thành của SKMT sa bẫy. 
Cách thức chuẩn bị bả chua ngọt như đã hướng dẫn ở trên, ngoài ra có thể sử dụng các nguyên liệu sẵn có như chuối chín, mật mía, bia cũ... để làm bả. Tiến hành làm vệ sinh bẫy khi bị bẩn do đất hoặc do xác chết của trưởng thành SKMT gây ra.

Theo Cổng nông dân


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng