SB-Cách phòng diệt hiệu quả sâu tơ - “kẻ thù” số 1 của các loại rau cải

2019-10-10 15:54:57

Bước vào vụ Đông – thời điểm gieo trồng các loại cây họ cải, đồng thời cũng là giai đoạn có điều kiện thời tiết thích hợp cho loài sâu tơ phát triển và gây hại cây trồng, do vậy bà con cần có phương án để phòng trừ loại bệnh hại này một cách hiệu quả.

Mức độ ảnh hưởng của cây trồng khi sâu tơ tấn công

Nỗi ám ảnh của người trồng cải

Ở Việt Nam, các loại rau họ cải được sử dụng phổ biến, mức tiêu thụ lớn nên được bà con canh tác rất nhiều. Tuy có thể trồng quanh năm, nhưng vụ Đông vẫn là giai đoạn “vàng” của loại cây trồng này với mật độ gieo trồng trên diện rộng ở khu vực miền Bắc. Đây cũng là giai đoạn có điều kiện thời tiết thích hợp nhất cho sâu tơ - “kẻ thù” số 1 của cây họ cải sinh trưởng và phát triển do loại côn trùng này thích nghi với nhiệt độ 20 – 30 độ C.

Là loài bướm đêm có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, sâu tơ có tên khoa học là Plutella xylostella Linnaeus. Ngoài ra tại Việt Nam, sâu tơ còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như sâu nhảy dù, sâu kén mỏng, sâu bướm muỗi… gây hại lớn nhất và nguy hiểm nhất đối với cây họ cải. Chúng không những gây tổn thất nặng nề về năng suất mà còn làm giảm hẳn về chất lượng sản phẩm.

Sâu tơ phá hại bộ lá của cây, đặc biệt nghiêm trọng khi sâu tấn công ở giai đoạn mới trồng. Ở tuổi “thiếu nhi”, sâu ăn thịt lá để lại biểu bì và tạo thành rãnh; tuổi “trưởng thành” sâu ăn thủng các loại lá rau bắp cải, su hào, cải xanh, cải trắng… khiến lá bị thủng lỗ chỗ.

Khi tấn công ở mật độ cao, sâu ăn hết thịt lá chỉ còn trơ lại gân lá làm giảm năng suất rõ rệt. Trên thực tế, do bị sâu non xâm hại ở giai đoạn quan trọng nên nhiều cây bắp cải bị biến dạng không thể cuốn bắp, tạo điều kiện cho bệnh thối nhũn phát triển.

Theo các giai đoạn của vòng đời, loại côn trùng này có các đặc điểm hình thái rất dễ nhận biết. Trứng có hình bầu dục, dẹp, màu vàng nhạt; trứng đẻ rời rạc ở mặt dưới lá, gần gân chính. Sâu non có 4 tuổi, đẫy sức dài 9 - 10 mm, màu xanh nhạt, hai đầu nhọn phân đốt rất rõ. Tuổi nhỏ màu trắng đến trắng sữa, đầu đen, sau khi nở chúng gặm lá chui vào trong ăn biểu bì của lá.

Nhộng màu vàng nhạt được bọc trong kén mỏng màu trắng xốp nằm dưới mặt lá. Bướm thân dài 8 mm, sải cánh trung bình 15 mm màu nâu xám, trên mép cánh trước có ba dấu hình tam giác màu nâu nhạt ngả trắng, cánh sau màu nâu xám, có dải trắng hoặc vàng chạy từ gốc cánh đến đỉnh cánh, mép ngoài có lông nhỏ dài mịn, khi đậu cánh sát thân.

Biện pháp phòng trừ

Sâu tơ có khả năng kháng thuốc rất cao, do đó để phòng trừ sâu tơ mang lại hiệu quả và bảo vệ được môi trường nên áp dụng quy trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp):
- Luân canh với cây trồng không phải họ thập tự, xen canh với cây họ cà (cà chua) có thể hạn chế được 50% số lượng sâu tơ.
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu hoạch sản phẩm nhanh gọn. Bón phân hợp lý, cân đối, không bón quá nhiều phân đạm.
- Bẫy dính màu vàng: bẫy bằng nhựa màu vàng, hình trụ, đường kính 25cm, cao 25cm; được quét 1 lớp dung dịch dính có 5% polybutane. Bẫy được treo cách ngọn cây 10 - 30cm, khoảng 20 bẫy/sào Bắc Bộ. Sau 1 tuần quét lại dung dịch cho bẫy. Cũng có thể sử dụng bẫy đèn ánh sáng xanh từ lúc tối đến 3 giờ sáng để bắt bướm sâu tơ.
- Tưới phun mưa vào buổi chiều tối có tác dụng rửa trôi bớt trứng và sâu non, hạn chế bướm sâu tơ giao phối và đẻ trứng. Nhân nuôi ong ký sinh rồi thả ra ruộng.
- Sử dụng các chế phẩm Delfin, Dipel, Aztron, Biocin… có nguồn gốc sinh học để phun phòng trừ sâu tơ.
- Chỉ sử dụng thuốc trừ sâu hoá học khi mật độ sâu cao tới ngưỡng phòng trừ. Khi sử dụng phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách). Một số loại thuốc có hiệu quả trừ sâu tơ: Pyrinex 20EC, Regent 800WG, Secsaigon 10EC, Cyper α 5ND… Chú ý sử dụng luân phiên các loại thuốc do sâu tơ có khả năng quen thuốc và kháng thuốc rất nhanh.

Tổng hợp từ nguoilambao.vn, ngheandost.gov.vn


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng