N-Kinh nghiệm chăm sóc và phòng bệnh cho ngựa hiệu quả

2023-11-15 09:18:01

Không chỉ là phương tiện thồ hàng, ngựa còn mang lại nhiều giá trị khác cho người chăn nuôi nên việc chăm sóc, phòng bệnh cho luôn được người dân quan tâm.

Sự công phu trong nghề nuôi ngựa

Nhiều năm về trước, khi giao thông còn rất nhiều khó khăn, phương tiện đi lại còn hạn chế, đối với người dân khu vực miền núi phía Bắc, ngựa chính là phương tiện đi lại, thồ hàng, thậm chí người dân cũng dùng ngựa để cày ruộng, kéo xe.

Cũng như nhiều nơi khác, tại xóm Phẩm, xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, ngựa là con vật nuôi có sự gắn bó mật thiết trong đời sống của người dân.

Từ khoảng hơn 20 năm trở lại đây, với kinh nghiệm chăn nuôi ngựa lâu năm, cùng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, nghề nuôi ngựa bạch ở xóm Phẩm đã phát triển không ngừng, hình thành làng nghề ngựa bạch, phát triển lên thành HTX Chăn nuôi Ngựa bạch xóm Phẩm.

Với kinh nghiệm chăn nuôi ngựa lâu năm, nghề nuôi ngựa bạch ở xóm Phẩm đã phát triển không ngừng, hình thành làng nghề ngựa bạch, phát triển lên thành HTX Chăn nuôi Ngựa bạch xóm Phẩm. Ảnh: Phạm Hiếu.

 

Năm 2013, HTX Chăn nuôi Ngựa bạch xóm Phẩm được thành lập với 45 thành viên. Một năm sau, xóm Phẩm được đón bằng công nhận Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa. Đến nay, HTX có 54 thành viên, nuôi gần 1.000 con ngựa.

Trong đó, với kinh nghiệm gia truyền và được chuyển giao khoa học kỹ thuật, những gia đình thành viên chuyên nuôi ngựa bạch sinh sản là những cơ sở bảo tồn nguồn gen ngựa bạch. Những con ngựa bạch tốt, các gia đình dùng để làm giống, phần còn lại bán cho các hộ nuôi thương phẩm.

Do một con ngựa có giá trị cao nên nghề nuôi ngựa bạch ở xóm Phẩm đòi hỏi sự công phu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Từ khi thành lập HTX và được công nhận Làng nghề, nghề nuôi ngựa tại xóm Phẩm đã đi vào hoạt động chuyên nghiệp theo hướng chuỗi giá trị. Nhờ công nghệ phát triển, người dân đã chiết xuất được các loại thực phẩm chức năng như viên nén cao ngựa bạch, sirô mật ong phổi ngựa bạch…

Sở dĩ ngựa bạch có giá trị kinh tế cao là bởi bộ xương dùng để nấu cao, dùng cao ngựa bạch tốt cho sức con người; phổi ngựa bạch dùng chữa viên họng, giảm ho. Một số bộ phận khác của ngựa bạch cũng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo ông Dương Văn Huyên, Giám đóc HTX Chăn nuôi Ngựa bạch xóm Phẩm, chính vì một con ngựa có giá trị cao như vậy nên nghề nuôi ngựa bạch ở xóm Phẩm đòi hỏi sự công phu. Bên cạnh việc cho ăn uống đầy đủ, hằng ngày ngựa sẽ được tắm rửa đều đặn, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, gắn camera theo dõi. Thức ăn hàng ngày của ngựa là cỏ voi được trồng ngoài ruộng, sau khi người dân mang về sẽ dùng máy băm nhỏ, sơ chế, trộn lẫn với cám và nước sạch.

Hiện, những hộ làm nghề chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ ngựa bạch tại xóm Phẩm có thu nhập từ 100 – 120 triệu đồng/năm. Sản phẩm cao ngựa bạch Trường Nguyên của HTX Chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Nhằm bảo tồn nguồn gen ngựa bạch và phát triển loài động vật đặc thù này, những năm qua, xóm Phẩm đã được tỉnh Thái Nguyên, Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền Núi – cơ sở bảo tồn nguồn gen ngựa quý hiếm thuộc Bộ NN-PTNT, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, bảo tồn nguồn gen ngựa bạch và đầu tư, hỗ trợ làm chuồng trại, đường giao thông, kênh mương tưới nước phục vụ trồng cỏ nuôi ngựa.

Tuyệt kỹ chăm sóc ngựa

Không chỉ tại tỉnh Thái Nguyên mà hiện nay, tại nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc, chăn nuôi ngựa đang trở thành mô hình kinh doanh được nhiều hộ nông dân đầu tư và phát triển.

Ngựa không chỉ dùng để thồ hàng mà còn được biết đến như thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và là nguyên liệu để chế biến thành các sản phẩm tốt cho sức khỏe người dùng. Chính vì có giá trị lớn nên việc chăm sóc, phòng bệnh cho ngựa luôn được người dân quan tâm.

Ngựa có ít bệnh hơn các loại gia súc khác mà chủ yếu là thường gặp phải các hội chứng, điển hình và có nguy cơ xảy ra cao nhất là đau bụng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Tạ Văn Cần, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền Núi (Viện Chăn nuôi – Bộ NN-PTNT), cho biết, ngựa có ít bệnh hơn các loại gia súc khác mà chủ yếu là thường gặp phải các hội chứng. Hội chứng điển hình và có nguy cơ xảy ra cao nhất là đau bụng.

“Khi ngựa đau bụng sẽ có những biểu hiện như cào bới, đi lại nhiều, thậm chí lăn lộn. Thường 1 con ngựa sẽ chỉ đứng nên khi ngựa nằm là triệc chứng có bệnh, cần phải kiểm tra ngay lập tức. Nếu ngựa bị đau bụng rất dễ bị vỡ ruột, lồng ruột, xoắn ruột và dẫn đến tử vong”, ông Tạ Văn Cần chia sẻ.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ngựa bị đau bụng là do thức ăn, nước uống không đảm bảo. Có thể ngựa đã ăn phải thức ăn nấm mốc, ôi thiu, ăn phải cỏ còn tồn dư phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Theo chuyên gia, khi ngựa bị đau bụng cần phải khống chế không để ngựa nằm hay giãy đạp mà phải giữ cho ngựa đứng yên vì nếu để ngựa giãy đạp rất dễ bị xoắn ruột, lồng ruột. Khi ngựa bị đau bụng, đầy hơi, cần tháo nguồn thức ăn trong ruột ngựa càng nhanh càng tốt.

Do ruột ngựa rất mẫn cảm nên người dân cần đặc biệt quan tâm đến nguồn thức ăn, nước uống của ngựa. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Bên cạnh đó cũng cần lưu ý các bệnh về kí sinh trùng máu. Hàng năm, Trung tâm đều triển khai tiêm phòng cho đàn ngựa 2 lần. Bệnh này khá nguy hiểm do có thể gây cho ngựa nhiều triệu chứng. Thường xảy ra khi ngựa phải di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều với các đối tượng kí chủ trung gian ve, mòng, ruồi hút máu, truyền bệnh cho ngựa rất nhanh, làm tổn hại cho ngựa rất nhanh trong thời gian rất ngắn. Nếu là bệnh cấp tính, ngựa có thể chết trong vài giờ”, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền Núi cho hay.

Cũng theo ông Cần, người dân chăm sóc ngựa cần lưu ý tiêm phòng định kỳ theo đúng quy định của công tác thú y. Cần thường xuyên vệ sinh, tẩy uế chuồng trại để phòng bệnh.

“Ngoài ra, cần để ý, quan sát thường xuyên đàn ngựa. Đặc tính của ngựa là năng động, nhanh nhẹn nên nếu thấy ngựa có dấu hiệu chậm chạp, khù khờ thì phải kiểm tra sức khỏe cho ngựa ngay lập tức”, chuyên gia truyền đạt kinh nghiệm.

Để ngựa ít bị nhiễm bệnh, người dân có thể cung cấp nhiều chất vitamin, chất béo hay chất đạm cho ngựa. Cần cung cấp lượng thức ăn dinh dưỡng như bã đậu, bã rượu, bột cá hay có thể là các loại thức ăn chế biến từ cua, cá để ngựa phát triển khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, bà con cần cung cấp nước uống sạch cho ngựa, thay nước và dọn dẹp chuồng trại thường xuyên để tránh dịch bệnh. Hằng ngày nên tắm rửa, trải lông cho ngựa để phòng bệnh và giúp cải thiện hệ tuần hoàn và trao đổi chất, sinh trưởng tốt cho ngựa.

Ngoài việc chăm sóc bằng thức ăn, nước uống, bà con cũng cần lưu ý vệ sinh chuồng sạch sẽ, loại bỏ những thức ăn thừa, nước uống còn sót lại trong máng ngựa.

Theo ông Tạ Văn Cần, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền Núi (Viện Chăn nuôi) do ruột ngựa rất mẫn cảm nên người dân cần đặc biệt quan tâm đến nguồn thức ăn, nước uống của ngựa để có thể đề phòng bệnh từ xa. Thức ăn của ngựa chủ yếu là cỏ hoặc lá cây và nên bổ sung thức ăn tinh. Tuy nhiên, nếu thức ăn tinh có dấu hiệu nấm mốc thì tuyệt đối không được để cho ngựa ăn.

Theo nhachannuoi.vn


Xem thêm



N-Kỹ thuật nuôi nhím sinh sản

Nuôi nhím sinh sản là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi thức ăn dễ kiếm, hình thức nuôi đơn giản và tốn ít chi phí đầu tư.










Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng