Mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở đồng bằng sông Hồng (Kỳ 1)

2018-01-19 16:32:47

 

Mô hình trồng dưa lưới tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam cho thu nhập năm tỷ đồng/ha/năm.

Vài năm gần đây, vùng lúa đồng bằng sông Hồng bắt đầu xuất hiện nhiều mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm. Công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, canh tác đến sản xuất hàng hóa đã mở hướng đi mới trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng trọng điểm lúa Bắc Bộ…

Bài 1: Những cánh đồng tiền tỷ

Nhờ áp dụng khoa học hiện đại, tiên tiến, trên những bờ xôi ruộng mật chuyên trồng lúa trước đây ở các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh… đã hình thành các cánh đồng công nghệ cao, cho ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, tạo thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm.

Từ "xưởng" trồng dưa lưới…

Cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) sản xuất dưa lưới của Công ty cổ phần giống cây trồng T.Ư (Công ty Vinaseed) được đặt tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Nhìn từ bên ngoài, ít ai ngờ rằng mô hình giống như một xưởng sản xuất với tường bao khép kín, lợp mái tôn, văn phòng làm việc khang trang ấy lại là nơi trồng dưa lưới đầu tiên của tỉnh áp dụng công nghệ cao.

Anh Vũ Văn Vương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (trực thuộc Vinaseed) cho biết: Ðơn vị bắt đầu triển khai mô hình này từ đầu năm 2017. Ðến cuối tháng 5-2017 đã cho ra mắt sản phẩm dưa lưới với các giống chủ yếu của Nhật Bản như Ta-ki, Ta-ki ta-ka. Anh Vương chia sẻ: "Với phương châm vừa xây dựng vừa sản xuất, hiện chúng tôi đã có 5 ha nhà lưới và đang xây dựng thêm 10 ha. Tổng vốn đầu tư giai đoạn một khoảng 65 tỷ đồng. Với giá bán hiện nay, mỗi héc-ta dưa của chúng tôi cho thu nhập năm tỷ đồng/năm. Sản phẩm hiện không đủ bán".

Khu NNCNC trồng dưa lưới đang giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, chủ yếu là người địa phương. Họ chính là chủ của những mảnh đất bờ xôi ruộng mật đã cho UBND tỉnh thuê lại đất để rồi trở thành "công nhân" làm theo ca với mức lương khá ổn định, bình quân 4,3 đến 4,4 triệu đồng/tháng. Khi chúng tôi đặt vấn đề hoài nghi về tính bền vững của mô hình, anh Vương khẳng định: "Chúng tôi đầu tư, xây dựng nhanh nhưng quá trình nghiên cứu khá lâu, phải mất bốn năm khảo sát, đào tạo, khảo nghiệm, nghiên cứu công nghệ và thị trường. Tiềm năng thị trường dưa chất lượng cao của Việt Nam còn rất lớn. Mỗi năm cả nước tiêu thụ (chủ yếu nhập khẩu) 22 nghìn tấn dưa, trong khi thực tế sản xuất là các trang trại nhỏ lẻ, không khép kín. Hiện chúng tôi chủ yếu trồng các giống dưa Nhật Bản, áp dụng công nghệ tưới và chăm sóc của I-xra-en và Nhật Bản. Sản phẩm được kiểm soát 100% dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ký hợp đồng cung cấp cho các siêu thị lớn và hệ thống nhà hàng, khách sạn. Chúng tôi cũng xác định doanh nghiệp sẽ là đầu tàu để hiện thực hóa chủ chương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ngoài 10 ha đang xây dựng, chúng tôi xúc tiến ký hợp đồng chuyển giao với 24 tổ hợp tác trồng dưa vùng lân cận. Công ty sẽ cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân".

Cũng tại huyện Lý Nhân, trong những ngày đầu năm 2017, đã khởi động sản xuất NNCNC tại nông trường VinEco Hà Nam, do Tập đoàn Vingroup đầu tư ở xã Xuân Khê và Nhân Bình. Ðây là một trong 14 nông trường của Công ty TNHH Ðầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, thuộc Tập đoàn Vingroup. Ðến nay, doanh nghiệp đã triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khu 12,8 ha đang sản xuất luân canh các loại rau cải; khu 41,6 ha và 53 ha gieo trồng rau cải ăn lá, bắp cải, su hào, dưa chuột, cà chua; khu nhà kính, công ty đã trồng rau cải, dưa chuột bao tử, trung tử, cà chua trong nhà kính. Sản phẩm của nông trường Hà Nam đã xuất hiện ở hệ thống siêu thị Vinmart, tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động địa phương.

… đến cánh đồng tưới tiết kiệm

Hơn một năm nay, tại một số xã tại huyện Thanh Miện (Hải Dương) nông dân được hỗ trợ dự án ứng dụng hệ thống tưới nước tự động theo công nghệ tiên tiến cho các vùng chuyên trồng rau màu. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Thanh Miện Vũ Thế Sáng cho biết, năm 2016, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp các xã, thị trấn triển khai dự án này với quy mô 170 ha (trong đó xã Phạm Kha 100 ha, xã Lam Sơn 40 ha, thị trấn Thanh Miện 15 ha) và xã Hùng Sơn 15 ha. Tổng số hộ dân được hưởng lợi tham gia dự án là 1.854 hộ. Tính toán cho thấy áp dụng công nghệ này, mỗi héc-ta đạt doanh thu 500-600 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Phạm Kha cho biết: "Nhà tôi đang trồng sáu sào rau màu. Trước đây, mỗi ngày gia đình phải tưới hai lần với khoảng 60 gánh nước, mất nhiều công lao động mà hiệu quả chưa cao. Từ khi triển khai mô hình đã giảm nhiều ngày công lao động. Ðất luôn giữ được độ ẩm, xốp, cây trồng ít bị sâu, bệnh, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Trước đây, mỗi sào, gia đình thu hoạch được năm lứa rau với thu nhập khoảng 60 đến 70 triệu đồng/năm. Nhưng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, năng suất đạt cao hơn, thu hoạch tăng khoảng 30% so với trước đây".

Sản xuất giống bằng công nghệ cao

Ðược thành lập năm 1972, từ một đơn vị sản xuất lúa giống của tỉnh, đến nay, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) đang là một trong những đơn vị sản xuất giống cây trồng hàng đầu ở vùng đồng bằng sông Hồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo cho biết: Ðến nay đơn vị đã nghiên cứu, sản xuất 13 giống được công nhận giống quốc gia. ThaiBinh Seed hiện có hơn mười chi nhánh có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, mỗi năm cung ứng ra thị trường 20 nghìn tấn giống cây trồng chất lượng cao.

Riêng năm 2017, ThaiBinh Seed dành khoảng 31 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học. Khâu chế biến cũng được đầu tư hiện đại, trong đó có hai nhà máy chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, công suất đạt 30.000 đến 40.000 tấn/năm, một nhà máy chế biến gạo công suất 40.000 tấn/năm. Năm 2018, đơn vị sẽ vận hành dây chuyền sấy lúa theo công nghệ Nhật Bản với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. ThaiBinh Seed đã ứng dụng công nghệ sản xuất giống lúa tiên tiến, trong đó, nổi bật nhất là công nghệ chỉnh sửa gen những giống đang sản xuất có năng suất, chất lượng tốt.

Năm nay, ThaiBinh Seed dự kiến ra mắt giống lúa BC15 đã được chỉnh sửa gen kháng được bệnh đạo ôn. Ðơn vị cũng tập trung liên kết với nông dân sản xuất giống cây trồng trong đó, nông dân góp đất, công ty đầu tư giống, vốn, tập huấn khoa học - kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Vụ đông xuân 2017, công ty đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giống lúa, gạo sạch với nông dân xã Thái Thịnh (huyện Thái Thụy) với quy mô 20 ha. Ðến ngày thu hoạch, 70 hộ dân tham gia đã được công ty thu mua với sản lượng 95 tấn. Năng suất bình quân 2,5 đến 2,8 tạ/sào, có hộ đạt hơn ba tạ/sào, cao hơn so với trồng lúa truyền thống.

Những mô hình sản xuất hay cánh đồng NNCNC vùng đồng bằng sông Hồng cho thấy dáng dấp đầu tiên của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để nhân rộng và triển khai đại trà các mô hình này lại không hề đơn giản…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay đã có khoảng 6.400 khách hàng (là doanh nghiệp, cá nhân) được các ngân hàng cho vay khoảng 36.000 tỷ đồng (chiếm 36% gói tín dụng) để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: BẢO TRUNG, HOÀNG HÙNG, TUẤN NGỌC và VINH PHƯƠNG

(Theo nhandan.com.vn, 18/01/2018)


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng