CS-Cải tiến kỹ thuật và ứng dụng công nghệ trong sản xuất cà phê

2023-12-23 08:53:33

Vườn cà phê vối giống TRS1 với diện tích gần 7 ha của gia đình ông Nguyễn An Sơn (thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) mới trồng từ tháng 7/2020 nay đang bắt đầu thu hoạch, trên cành quả chi chít với tỷ lệ quả chín mọng hơn 95%.

Ông Sơn dự kiến năm nay năng suất ước đạt 5,5 tấn cà phê nhân/ha, cao hơn gần gấp đôi năng suất cà phê bình quân ước tính của địa phương; giá cũng được các doanh nghiệp vào tận vườn đặt hàng trả gấp rưỡi giá thị trường. Để sản xuất vườn cà phê hiệu quả như vậy, gia đình ông đã có một quá trình cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước rất khoa học.

Trước đó, vào tháng 2/2020, khi vườn cà phê của gia đình đã già cỗi, năng suất thấp, ông Sơn quyết định nhổ bỏ, xử lý đất và đến tháng 7/2020 bắt đầu trồng tái canh với phương thức sản xuất hoàn toàn khác trước kia.

Thay vì đào hố trồng với mật độ theo quy trình chung là 1.111 cây/ha (3 m x 3 m) thì ông cho máy cày xới, đánh rãnh, xử lý đất, bón lót phân hữu cơ đầy đủ và trồng với mật độ gấp đôi là 2.200 cây/ha (3 m x 1,5 m). Nguồn phân hữu cơ được gia đình ông ủ từ vỏ cà phê cùng các chế phẩm sinh học theo quy trình kỹ thuật, vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cà phê, vừa bổ sung hệ vi sinh vật làm tơi xốp đất để rễ cà phê phát triển, hấp thu dinh dưỡng cho cây. Ngày trước phải đào hố trồng cà phê với mục đích là chứa nước cho cây cà phê hấp thu dần sau khi tưới, còn ngày nay sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nên không phải đào hố, từ đó giảm được công lao động.

Vườn cà phê chín đỏ chuẩn bị thu hoạch của gia đình ông Sơn.

Hệ thống tưới tiết kiệm cho cà phê mỗi tuần tưới một lần kết hợp với bón phân hòa tan, không gây xói mòn lớp đất mặt, hạn chế việc lây lan sâu bệnh, hạn chế cỏ dại, đặc biệt là tiết kiệm nước trong mùa khô, tiết kiệm phân bón, mà cây cà phê vẫn được cung cấp dinh dưỡng thường xuyên, đầy đủ. Với hệ thống ống tưới tiết kiệm, ông Sơn cho ống chạy nổi trên mặt đất và dễ dàng xê dịch ống nước xa dần gốc cà phê theo độ phát triển ăn ra dần của bộ rễ cà phê.


Tuy mật độ cây trồng dày gấp đôi, nhưng kết hợp kỹ thuật tạo hình một cách khoa học thì cây vẫn đủ ánh sáng để quang hợp hấp thu dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây qua từng giai đoạn nên gia tăng năng suất. Và một khi cây sinh trưởng và phát triển khỏe thì kháng được sâu bệnh hại, theo đó hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, gia tăng chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường, môi sinh. Khi vườn cà phê đúng độ chín với tỷ lệ chín hơn 95% thì gia đình mới thu hoạch. Sau khi thu hoạch xong, ông Sơn dùng máy tách những quả xanh còn sót lại ra khỏi sản phẩm và tiến hành các công đoạn chế biến ướt để tăng chất lượng cà phê.

Ông Sơn cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất cà phê chất lượng cho bà con nông dân để cùng phát triển các vùng nguyên liệu cà phê, kết nối đầu ra.

Theo vietlinh.vn


Xem thêm





CS-Bón phân để cà phê chắc hạt

Quy trình chăm bón là mấu chốt thành công cho cả quá trình canh tác. Đặc biệt khi sản xuất cà phê ngày càng chịu tác động xấu từ biến đổi khí hậu...








Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng