CS-Kinh nghiệm trồng chôm chôm Java đạt hiệu quả cao

2017-12-27 13:40:01

Chôm chôm Java là loài cây ăn trái vùng nhiệt đới, được thị trường ưa chuộng nhờ trái to, hương thơm, vị ngọt thanh, màu sắc bắt mắt. Ở Tiền Giang, Chôm chôm Java được trồng nhiều ở Cai Lậy và Cái Bè.

Sau đây là kinh nghiệm của anh Nguyễn Thanh Tòng, sinh năm 1973, ngụ ấp Tân Luông A, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy trên diện tích 1,2 ha đất vườn trồng cây chôm chôm Java được 30 năm tuổi.

* Hàng năm, sau khi thu hoạch xong (vào khoảng tháng 7 âl) tiến hành vệ sinh vườn, tỉa bỏ cành vô hiệu và đôn đọt. Sau đó tiến hành bón phân, gồm các lần bón sau:

- Thúc ra cơi đọt 1: Sau khi tỉa cành xong, bón 0,5kg phân loại 15-15 -15 và 0,5kg phân Calcinit cho 01 cây. Khi đọt ra dài khoảng 10 cm bón tiếp 0,5kg phân Calcinit + 1kg super lân cho 01 cây.

- Thúc ra cơi đọt 2: Khi cơi đọt 1 đã già và bắt đầu ra cơi đọt 2 khoảng 20%, bón 0,5 kg phân 15-15-15 + 0,5kg Calcinit cho 1 cây. Khi cơi đọt 2 ra đều và dài khoảng 2 tấc bón 0,5kg Calcinit + 1kg superlân cho 1 cây. Khi đọt vừa lụa bón 2kg super lân +0,5kg Kali đỏ muối ớt cho 1 cây.

* Khi cơi đọt 2 bắt đầu xanh thì tiến hành xử lý ra hoa, gồm các bước sau:

- Xiết nước trong mương vườn (thời gian này vào khoảng tháng 12 âl).

- Sau khi xiết nước 1,5 đến 2 tháng, thấy cây xào lá thì tiến hành giở bọng lần 1 cho nước vào độ ½ mương nước trong vườn. Sau đó đóng bọng, xiết khô nước trở lại. Sau khi cho nước vào 10 đến 15 ngày, mầm hoa sẽ nhú dài từ 5 đến 7 phân.

- Sau khi cho nước vào mương vườn lần 1 được 20 ngày, giở bọng cho nước vào mương lần 2 cùng độ ½ mương nước trong vườn (lúc này bông dàn đọt đã bung chà). Khoảng 20 ngày sau, bông sẽ bung chà đều cả cây. Chú ý: Chỉ áp dụng phương pháp giở bọng đối với vùng đất gò, có nhiều đất sét và khô nhanh khi xiết nước trong mương.

* Khi bông ra đều, tưới nước đầy đủ và bón 0,5kg phân 15-9-20 + 0,5kg phân Calcinit cho 1 cây và xịt thuốc ngừa phấn trắng. Khi bông nở được 3% tiến hành xịt bông đực. Sau khi đậu trái xong, cây nào đậu quá nhiều cần bẻ bỏ bớt khoảng 30% trái trên đọt, chỉ giữ lại 70% lượng trái, mục đích để trái to, đẹp, dễ bán và bán được giá cao.

* Bón phân nuôi trái: Sau khi đậu trái 30 ngày bón 0,5kg phân 15-9-20 cho 1 cây. Sau đó bón tiếp lần 2, lần 3, mỗi lần cách nhau 30 ngày, cũng với lượng như vậy.

* Phòng trừ sâu bệnh: xịt thuốc ngừa phấn trắng 2 lần khi bông bung chà và khi trái vừa có cơm. Xịt thuốc trừ sâu 3 lần khi trái có hạt, có cơm và khi hoa cà. Với cách làm trên, trong năm 2013, trên diện tích 1,2 ha gia đình anh thu hoạch được 30 tấn trái.

(Theo  Trạm KN Cai Lậy)


Xem thêm


SB-Bệnh thối trái chôm chôm

Chôm chôm là loại cây ăn trái được trồng khá phổ biến vì đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng với mức độ thâm canh ngày càng nhiều...



SB-Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Chôm Chôm

Bệnh phát sinh trên lá và trái, bệnh thể hiện những đốm với sợi nấm màu đen như lớp bồ hóng bám ở mặt lá, nấm không gây hại phần phiến lá hay thịt trái...






CS-Kĩ thuật trồng chôm chôm

Chôm chôm là cây ra hoa nhiều, song tỉ lệ hoa thụ rất thấp, tỉ lệ quả chị từ 1 đến 3%. Sự thúi (hư) quả xảy ra nặng trong 3 tuần đầu khi thụ tinh..



Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng