Gia cầm và cuộc khủng hoảng cung - cầu

2020-11-30 23:27:17

Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề nuôi heo, chuyển hướng sang các mô hình chăn nuôi khác, trong đó chủ yếu là nuôi gia cầm (gà, vịt…). Vì vậy, mặt hàng gà ta thả vườn, vịt liên tục rơi vào cảnh rớt giá, nguồn cung lớn hơn cầu. Người nuôi không mặn mà tái đàn vụ Tết Nguyên đán 2021 dù đây là cơ hội tốt nhất trong năm về thị trường của mặt hàng này.
Ðàn gia cầm tăng mạnh
Sau dịch tả heo châu Phi, đàn gia cầm của nhiều địa phương tăng mạnh để đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên việc tăng đàn ồ ạt đã kéo theo nhiều hệ lụy.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời điểm này, tổng đàn gia cầm của thành phố đạt khoảng 40,1 triệu con (tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2019); tương tự, đàn heo đạt gần 1,4 triệu con (tăng 40%); đàn bò có 134.500 con (tăng 1,3%)… Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Ðăng cho biết: Với khả năng sản xuất như hiện nay, thịt gia cầm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, còn thịt bò chỉ đáp ứng khoảng 15%... Tuy nhiên, các tháng cuối năm nhu cầu tăng cao, khả năng thiếu hụt nguồn cung là rất lớn.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, trước khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Thanh Hóa (trước tháng 2/2019), toàn tỉnh có khoảng 19 triệu con gia cầm.Ðến giữa tháng 3/2020, toàn tỉnh không còn phát sinh dịch tả heo châu Phi, tổng đàn heo hiện đã đạt gần 100% trước dịch và tổng đàn gia cầm cũng tăng lên 23 triệu con. Dự tính từ nay đến cuối năm, tổng đàn gia cầm tại Thanh Hóa sẽ duy trì ở mức ổn định từ 22 - 23 triệu con.

Người nuôi gia cầm lo lắng vì giá bấp bênh  - Ảnh: VM

Cục Thống kê Ðồng Nai cho biết, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt gần 29 triệu con, tăng gần 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng đàn gà đạt gần 26,9 triệu con, tăng gần 4,9% so cùng kỳ năm 2019. Ðàn vịt đạt trên 2 triệu con, tăng hàng trăm ngàn con so cùng kỳ.
Tại Thái Bình, ông Ðặng Văn Tuyệt ở thôn Nguyên Kinh 2, xã Minh Quang (Kiến Xương) cho biết, trước dịch tả heo châu Phi, ông chỉ nuôi khoảng 3.000 con ngan, gà, vịt, từ sau dịch, đàn gia cầm tăng lên hơn 5.000 con, trong đó có 2.000 con gà, 3.000 con vịt. Từ đầu năm 2020 đến nay, giá gà xuống thấp, thương lái chỉ thu mua với giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg thay vì 85.000 - 90.000 đồng/kg như trước đây. Tương tự như vậy giá vịt giảm từ 45.000 - 50.000 đồng/kg xuống còn 25.000 - 30.000 đồng/kg. Giá giảm nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp khó khăn, thương lái chỉ thu mua cầm chừng vì lượng tiêu thụ rất chậm. Không chỉ những hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ “lao đao” khi gia cầm rớt giá mà những trang trại chăn nuôi với số lượng lớn, có liên kết với đơn vị tiêu thụ cũng gặp khó khăn.
Tại Ðồng Nai, có thời điểm giá vịt thịt và gà ta thả vườn đều dưới 30.000 đồng/kg, thấp hơn cả chục ngàn đồng/kg so với giá thành sản xuất mà nhiều trại nuôi vẫn không bán được hàng khiến người nuôi thua lỗ nặng. Ông Hồ Ngọc Thành, người nuôi gà ta thả vườn ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) nhận xét, trước đây vùng này giàu lên nhờ con gà ta thả vườn thì nay người nuôi đều thua lỗ nặng.
Nguyên nhân khiến giá gia cầm giảm là do bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi ồ ạt chuyển sang nuôi gia cầm nên tổng đàn tăng mạnh, nguồn cung dư thừa so với nhu cầu thị trường. Ðặc biệt, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm xuất hiện ở một số địa phương nên người tiêu dùng “dè chừng” với loại thực phẩm này.
 
E ngại đầu tư vụ Tết
Gà, vịt rớt giá do nguồn cung quá dồi dào trong khi thị trường tiêu thụ lại chậm. Vụ Tết Nguyên đán 2021, nhiều người dân không tái đàn vì e ngại càng nuôi càng lỗ. Ðây cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi gà ta thả vườn e ngại mà chưa nhập giống tái đàn vụ Tết Nguyên đán 2021 dù đây là vụ nuôi được kỳ vọng nhất trong cả năm.
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Ðông Nam bộ nhận xét: “Hiện nhiều trại cung cấp giống gà, vịt phải đốt bỏ con giống vì bán giống giá rẻ cũng không có người nuôi. Nguyên nhân vì giá vịt thịt, gà ta thả vườn rớt giá mạnh”. Theo ông Quyết, không như gà công nghiệp, đa số các trại nuôi đều tham gia chuỗi liên kết, đầu ra có doanh nghiệp bao tiêu với giá ổn định, nuôi vịt thịt và gà ta thả vườn hiện vẫn chạy theo phong trào, đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Khi người nuôi tăng đàn quá nhanh trong khi thị trường tiêu thụ lại chậm hơn nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những mặt hàng này lâm vào khủng hoảng thừa.
Chăn nuôi bền vững
Các nhà chuyên môn khuyến cáo, người chăn nuôi cần theo dõi thị trường, tránh tăng đàn ồ ạt, phá vỡ quy hoạch khiến thị trường mất ổn định. Tuy nhiên cũng cần nắm bắt cơ hội, không bỏ lỡ khi giá gia cầm lên cao dịp cuối năm. Ðồng thời, để giảm thiểu chi phí chăn nuôi, người dân nên mở rộng chuồng trại, phát triển đàn gà theo hướng thả vườn, chuyển đổi thức ăn chăn nuôi từ cám công nghiệp sang những loại thức ăn sẵn có như ngô, sắn...
Ðể nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm, các tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương phát triển chăn nuôi gia cầm, nhất là chăn nuôi gà theo chuỗi phục vụ chế biến và xuất khẩu; từng bước thay đổi căn bản ngành chăn nuôi gà theo hướng nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn và phát triển bền vững. Ðồng thời, hướng đến xây dựng ngành chăn nuôi bền vững, giúp nông dân an tâm đầu tư sản xuất, thí điểm các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để người dân tiếp cận phương pháp chăn nuôi an toàn và hiệu quả.

Theo nguoichannuoi


Xem thêm