Cảnh báo mới đối với ngành chăn nuôi nước ta: Đừng để thua ngay trên “sân nhà”

2020-08-21 16:18:28

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA, ngành chăn nuôi sẽ có thêm những cơ hội mới, nhưng đồng thời cũng đối mặt với những thách thức mới.

Ảnh minh họa

Cạnh tranh quyết liệt về giá
Tham gia EVFTA với lộ trình giảm thuế về 0%, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ví dụ như: Thịt lợn nhập khẩu từ thị trường châu Âu đang chịu thuế 15 - 27% và sẽ giảm về 0% sau lộ trình 10 năm. Hiện tại, giá bán lẻ thịt lợn của Việt Nam đang cao hơn so với thịt lợn đông lạnh nhập khẩu (20 - 25%). Giá mua lợn tại trang trại cũng cao hơn so với các nước châu Âu (40 - 60%). Điều này sẽ gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi và trang trại khi phải cạnh tranh về giá bán. 
Ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng trong nước đã bắt đầu sử dụng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu thay vì thịt lợn nóng. Một số người tiêu dùng cho biết, trước đây họ chỉ sử dụng thịt lợn bán ở chợ dân sinh, nhưng do hiện tại giá bán khá cao nên đã chuyển sang mua thịt lợn nhập khẩu. 
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức trên thị trường. Nhiều nước châu Âu có khả năng xuất khẩu số lượng lớn các sản phẩm chăn nuôi như sữa, thịt gà, thịt lợn vào thị trường Việt Nam. Trong khi chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ cao cũng như việc quản lý dịch bệnh còn hạn chế. Do đó, nếu ngành chăn nuôi Việt Nam không liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thì rất khó để cạnh tranh về giá cũng như chất lượng sản phẩm.

Thay đổi phương thức sản xuất chăn nuôi
Việt Nam là một nước nông nghiệp với trình độ sản xuất còn chưa cao, nguy cơ thua ngay trên “sân nhà” là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Để nắm được cơ hội và vượt qua những thách thức, ngành chăn nuôi cần phải thay đổi phương thức sản xuất chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, ngành chăn nuôi sẽ tổ chức lại sản xuất theo các chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn (cung cấp đầu vào cho sản xuất đến giết mổ, sơ chế, chế biến, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm). Tiếp tục thực hiện theo quyết định 490/QĐ-TTg 2018 (Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020), tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có tính đặc trưng, đặc sản vùng miền. Tạo ra vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Đặc biệt, để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, ngành chăn nuôi sẽ tập trung triển khai ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích sử dụng thức ăn hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn.

Để tìm hiểu về cách thay đổi phương thức sản xuất chăn nuôi bằng ứng dụng công nghệ cao, mời bà con theo dõi mục Nông nghiệp công nghệ cao trên trang nongdan.com.vn và inongdan.vn.

Cổng Nông Dân


Xem thêm