Xảy ra dịch bệnh trên con tôm tại các huyện biển

2023-11-25 09:45:25

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1-1-2023 đến ngày 15-11-2023, dịch bệnh xảy ra trên tất cả vùng nuôi tôm của tỉnh, tập trung tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre).

Nuôi tôm công nghệ cao trong bể tròn tại huyện Bình Đại. Ảnh: Phương Khê

Thiệt hại trên tôm

Tổng diện tích thiệt hại trên tôm nuôi là 696,26ha, trong đó, tôm sú 8,51ha, tôm thẻ chân trắng 687,75ha. Tổng diện tích thiệt hại trên nhuyễn thể là 413ha. Vùng nuôi các đối tượng thủy sản khác không ghi nhận báo cáo các trường hợp thủy sản chết bất thường.

Nguyên nhân bệnh xảy ra trên tôm do bệnh đốm trắng với 606,46ha, chiếm 87,10% diện tích thiệt hại. Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) 42,76ha, chiếm 6,14% diện tích thiệt hại. Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV) 47,04ha, chiếm 6,76% diện tích thiệt hại. Trên nhuyễn thể, nguyên nhân thiệt hại do ảnh hưởng của các yếu tố môi trường.


Ngành nông nghiệp tỉnh nhận định tình hình dịch, Hiện nay đang trong giai đoạn chuyển từ mùa mưa sang mùa khô, thời tiết các tháng cuối năm lạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của tôm nuôi, là điều kiện phát sinh nhiều loại dịch bệnh trên tôm, đặc biệt là bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và các bệnh có liên quan đến đường ruột.

Bên cạnh đó, kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Thủy sản gần đây cho thấy, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh của các mẫu thu được ngoài môi trường tự nhiên là rất cao, nhất là bệnh WSSV (bệnh đốm trắng) và bệnh IHHNV, đây là nguồn lây có khả năng gây bệnh cho tôm nuôi. Ngoài ra, kết quả giám sát chủ động dịch bệnh ao tôm đang nuôi của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng cho thấy, có sự xuất hiện của vi-rút gây bệnh WSSV, AHPND, IHHNV trong môi trường các ao nuôi tôm. Nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh tôm có thể bùng phát khó kiểm soát nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường theo dõi tình hình, bám sát địa bàn, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý ngay ổ dịch đầu tiên, không để lây lan trên diện rộng.

Nhu cầu hóa chất

Đến ngày 15-11-2023, tỉnh đã hỗ trợ 67,5 tấn hóa chất chlorine để xử lý môi trường ao nuôi tôm bị bệnh cho 334 hộ/127,91ha; trong đó có 287 hộ/116,71ha/59,9893 tấn từ 60 tấn từ quỹ dự trữ quốc gia hỗ trợ lần 1 và lần 2 năm 2023 cho tỉnh.

Về nhu cầu hóa chất trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự báo, từ nay cho đến các tháng đầu năm 2024 môi trường nuôi vẫn chưa ổn định, mầm bệnh trong môi trường tự nhiên còn rất nhiều, thời tiết diễn biến bất thường, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ để dịch bệnh trên thủy sản tiếp tục bùng phát. Dự báo tỷ lệ thiệt hại trên tôm nước lợ chiếm khoảng 5% diện tích thả nuôi, tương đương khoảng hơn 300ha, do đó cần khoảng 30 tấn chlorine để hỗ trợ thêm cho người dân xử lý môi trường ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh trong thời gian tới.


Đến thời điểm này, số hóa chất (Chlorine) được cấp từ Trung ương (30 tấn Chlorine nhận trong tháng 1 và 30 tấn nhận trong tháng 8-2023) đã sử dụng hết, trong khi dịch bệnh tôm nước lợ nuôi có xu hướng diễn biến phức tạp nếu không kịp thời ngăn chặn; nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và bệnh dại, nên công tác chống dịch bệnh trên tôm nước lợ nuôi còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh phí mua hóa chất Chlorine hỗ trợ xử lý dịch bệnh.

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ đạt hiệu quả, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, hạn chế lây lan, bảo vệ môi trường vùng nuôi, UBND tỉnh Bến Tre có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ cho tỉnh 30 tấn hóa chất chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch bệnh tôm nước lợ nuôi trong thời gian tới.

Đối với tỉnh, ngành thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nước lợ nói riêng thời gian qua phát triển khá mạnh, đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả khu vực nông - lâm - thủy sản.

Theo vietlinh.vn


Xem thêm