Ứng dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, đẩy lùi dịch bệnh

2019-10-09 13:49:46

Tuyên Quang: Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi

Là địa phương có tổng đàn trâu, bò hàng đầu trong nước, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là triển khai có hiệu quả việc thụ tinh nhân tạo cho trâu, từ đó tạo nguồn giống chất lượng, giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người chăn nuôi.

Công nghệ thụ tinh nhân tạo

Đại diện Sở NN&PTNT Tuyên Quang cho biết, tổng đàn đại gia súc trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 141.000 con, trong đó, tổng đàn trâu là gần 102.000 con, đàn bò trên 35.600 con, trong đó có trên 4.000 con bò sữa. Chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh hiện đang chuyển dịch dần theo hướng sản xuất hàng hóa và ngày càng được người nông dân chú trọng về chất lượng sản phẩm. Để chủ động nguồn thức ăn, các địa phương đã trồng trên 4.000 ha cỏ voi, VA06, Ghine, ngô dầy... làm thức ăn, với sản lượng tương ứng trên 39.500 tấn.

Tuyên Quang hướng tới phát triển hàng hóa trong chăn nuôi đại gia súc Ảnh: ST

Trâu ở Tuyên Quang có tầm vóc to, khối lượng lớn được các nhà khoa học đánh giá là một trong những loại trâu tốt của các tỉnh miền Bắc và của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm qua việc bình tuyển, chọn lọc hàng năm đối với đàn trâu đực giống không được thực hiện thường xuyên; việc phục tráng, xử lý các bệnh về sinh sản đối với đàn trâu cái chưa được quan tâm, tỷ lệ sinh sản của trâu cái thấp; hiện tượng giao phối đồng huyết, cận huyết khá phổ biến… dẫn đến hiệu quả thấp trong chăn nuôi trâu. Chính vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với Viện Chăn nuôi thực hiện mô hình “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ năm 2018, đến nay, đã được nhân rộng tại địa bàn các như huyện yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm yên, Sơn Dương. Hiện, toàn tỉnh đã có trên 170 con trâu được thực hiện sinh sản theo phương pháp thụ tinh nhân tạo; trong đó có gần 100 con thụ thai, 70 nghé sơ sinh đã ra đời thành công.

Điển hình tại xã yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa có khoảng 600 hộ dân nuôi trâu với tổng số gần 700 con. Để nâng cao chất lượng trâu giống, năm 2018, xã Yên Nguyên được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chọn thực hiện thí điểm mô hình “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu” cho 50 hộ dân tham gia, đã tiến hành thụ tinh nhân tạo được 70 con trâu, trong đó đã có 13 con sinh sản. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, sẽ cho sinh sản thêm khoảng 16.000 con nghé có chất lượng thông qua mô hình này.

Theo các hộ nuôi, việc thụ tinh nhân tạo cho trâu đã giúp cải thiện chất lượng trâu giống, nghé sinh ra có trọng lượng lớn hơn, đặc biệt người dân đã có ý thức hơn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững…

Liên kết trong sản xuất

Nhằm phát triển chăn nuôi trâu theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019 - 2025. Điển hình như mô hình liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (đây là mô hình liên kết lớn nhất tại Tuyên Quang) được hình thành từ năm 2017 gắn liền với việc thành lập HTX Tiến Quang. Khi mới thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên với 30 con trâu, bò, qua 2 năm triển khai, đến nay HTX đã thu hút được 35 thành viên với hơn 350 con trâu, bò.

Anh Lê Văn Tứ, thành viên HTX Tiến Quang cho biết, năm 2017, từ nguồn vốn tích lũy cộng vay thêm ngân hàng, anh Tứ đầu tư 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại kiên cố, có hệ thống vệ sinh, máng chăn nuôi, quạt làm mát, cân đo theo dõi trọng lượng… và 12 con bò giống. Do thực hiện tốt các khâu chăm sóc đảm bảo quy trình an toàn sinh học, đàn bò của gia đình anh phát triển khá tốt. Sau 3 tháng vỗ béo, trung bình mỗi con bò anh thu lãi khoảng 5 triệu đồng, cá biệt có con lãi hơn 10 triệu đồng. Đến nay, khu chuồng chăn nuôi của gia đình anh có hơn 50 con trâu, bò; bên cạnh đó, nguồn phân bò được anh tái sử dụng để nuôi giun quế phục vụ nhu cầu thị trường cũng giúp kiếm được khoản lời kha khá. Theo các hộ chăn nuôi, hoạt động theo chuỗi liên kết nên từ nguồn con giống đảm bảo mạnh khỏe, nguồn thức ăn an toàn, kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh tiêu độc khử trùng đến khâu tiêu thụ sản phẩm của HTX đều được hỗ trợ; đây là điểm tựa vững chắc giúp người nông dân yên tâm đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế.

Hay như mô hình chuỗi liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm được HTX Tiến Thành và Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 7/2019, HTX đã ký hợp đồng thực hiện liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt với 17 HTX, tổ hợp tác, số lượng 1.732 con trâu, bò. Đến 31/7/2019, HTX đã thu mua 898 con trâu, bò với giá dao động từ 65.000 - 74.000 đồng/kg. Tham gia chuỗi liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao; trừ chi phí, người nuôi lãi 4,5 - 5 triệu đồng/con/lứa 3 tháng. Hộ nuôi ít nhất cũng 5 con, trung bình thu lãi gần 30 triệu đồng/lứa.

>> Hiện, tổng đàn trâu của tỉnh Tuyên Quang có gần 110.000 con, để phát triển bền vững đàn trâu, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ: Ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi trâu như: Công nghệ sinh học, công nghệ chẩn đoán phòng trừ dịch bệnh; công nghệ chế biến bảo quản, công nghệ xử lý môi trường; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, thực hành nông nghiệp tốt, để phát triển chăn nuôi trâu đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường…

Theo nguoichannuoi.vn, 9/10/2019


Xem thêm