Sâu bệnh hoành hành, hại lúa đông xuân

2023-04-26 17:01:19

Đến ngày 24/4, hàng ngàn ha lúa đang bị sâu bệnh gây hại, trong khi nông dân gần như bất lực, chỉ biết đứng nhìn sâu bệnh hoành hành.

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa 

Mấy ngày nay, nông dân Trần Hòa ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền) đứng ngồi không yên trước mấy sào lúa của mình bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại. Nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ theo kinh nghiệm và hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật, nhưng sâu bệnh vẫn chưa giảm nhiều.

Theo ông Hòa, nếu không sử dụng thuốc trừ sâu liên tục thì sâu bệnh không giảm, thậm chí lây lan, còn lạm dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, sản phẩm mất an toàn. Ông Hòa cũng như nhiều nông dân tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Trần Kìm thông tin, trên địa bàn xã có gần 100ha lúa bị các loại sâu bệnh gây hại, nặng nhất là sâu cuốn lá với mật độ 5-10 con/m2, nơi cao 10-20 con/m2. Chính quyền địa phương đang tranh thủ sự hỗ trợ của ngành bảo vệ thực vật tổ chức hướng dẫn nông dân sử dụng đúng các loại thuốc, liều lượng, thời điểm... để phun phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Đặc biệt, yêu cầu nông dân không lạm dụng thuốc trừ sâu gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Được biết, trên địa bàn huyện Quảng Điền còn có hàng trăm ha lúa đang bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại nặng. Trong đó, tập trung ở các hợp tác xã: Phú Hòa, Phú Thuận, Nam Vinh, Đông Vinh, Quảng Thọ 1, Quảng Thọ 2, Thành Công, Tam Giang, Thống Nhất, Tín Lợi, Thắng Lợi... Theo nhận định của các HTX thì loại sâu bệnh này đang có xu hướng gây hại gia tăng so với cùng kỳ năm trước.

Hàng trăm ha lúa tại nhiều hợp tác xã như Tam Giang, Tín Lợi, Thạnh Lợi... thuộc huyện Quảng Điền cũng đang bị bệnh khô vằn gây hại. Diện tích bị bệnh này chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn có nguy cơ tăng nhanh trong thời gian đến do diễn biến thời tiết khá phức tạp.

Tại hai huyện Phú Vang, Phú Lộc có khoảng 700ha lúa đang làm đòng, chuẩn bị trổ bị bệnh lem lép hạt gây hại khá nặng. So với tuần trước, diện tích bị bệnh này tăng hơn 400ha, tỷ lệ bệnh 3-5%, nơi cao 10%, tập trung ở các xã: Phú Đa, Phú Hồ, Phú Mỹ, Phú Gia, Phú Lương, Vinh Hà, Phú Xuân... (Phú Vang), các hợp tác xã: Lộc Hiền, Song Thủy, Phú Sơn, An Nong 1, Nam Sơn, Hải Hà, Đại Thành, Bắc Sơn... (Phú Lộc).

Ông Trần Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, đến ngày 24/4, diện tích lúa bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ trên địa bàn tỉnh khoảng 750ha, tăng 349 so với cùng kỳ năm trước. Mật độ phổ biến 5-10 con/m2, nơi cao 10-20 con/m2, sâu giai đoạn tuổi 1-2, lứa gối giai đoạn nhộng - trưởng thành. Bệnh khô vằn với diện tích nhiễm 1.555ha, tăng 275ha so với tuần trước, giảm 1.395ha so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ 5-10%.

Bệnh đạo ôn cổ bông vừa mới xuất hiện với diện tích đến nay gần 80ha, tăng 55ha so với tuần trước, tăng 40ha so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ bệnh 3-5%, nơi cao 10%. Rầy các loại gây hại diện tích 177,5ha, tăng 171ha so với tuần trước, tăng 133,5ha so với cùng kỳ năm trước, mật độ 300-750 con/m2, nơi cao 1.500 con/m2. Rầy giai đoạn tuổi 3-4, trưởng thành.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, rầy tiếp tục nở tích lũy với mật độ và gây hại gia tăng về diện tích. Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt, khô vằn tiếp tục gây hại trên diện tích lúa trổ - chín. Các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh đốm nâu, gạch nâu, bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn cổ lá đòng... phát sinh gây hại mật độ, tỷ lệ hại thấp.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang tập trung hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra, theo dõi rầy nâu nở để phun trừ nơi có mật độ cao trên 1.500 con/m2 bằng các loại thuốc có hoạt chất Pymetrozine (Chess 50 WG, Cheestar 50WG...), Nitenpyram (LK SET-UP 75WP...). Nông dân thường xuyên kiểm tra trên diện tích lúa trà muộn đang chuẩn bị trổ để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa trổ vè thừa (3-5%) và sau khi lúa trổ xong (cách lần 1: 7 ngày) bằng các loại thuốc có hoạt chất như Tricyclazole (Beam 75 WP, Trizole 75WP, Sivic 75 WP...), kết hợp với phòng trừ lem lép hạt lúa bằng các loại thuốc có hoạt chất như Hexaconazole, Azoxystrobin, Difenoconazole...


Bài, ảnh: HOÀNG THẾ

Theo baothuathienhue.vn, ngày 25/04/2023


Xem thêm