TH-Thu hoạch, phân loại, bảo quản và dưỡng giống măng tây

2019-06-01 16:31:39

Măng tây xanh đến chu kỳ thu hoạch, sẽ được thu hoạch liên tục trong vòng 2-3 tháng sau đó ngừng một tháng để dưỡng cây. Mỗi năm măng tây xanh có thể cho thu hoạch trong vòng 8-9 tháng.
1. Thu hoạch măng tây
+ Thu hoạch măng tơ thời gian đầu: Măng tây sau trồng 4 tháng đã bắt đầu lên chồi mới, tuy nhiên đợt chồi tơ này chúng ta không thu măng, chỉ tỉa bỏ cây xấu, cây bệnh, lá già. Sau trồng khoảng 6-8 tháng, tùy theo giống và điều kiện trồng trọt, là có thể cho thu hoạch. Giai  đoạn này có thể thu hoạch chồi măng trong vòng 1 tháng. Chú ý, chỉ thu cây măng đường kính nhỏ hơn cây mẹ, chồi lớn để lại thay thế cây mẹ. Tiếp đến, cho nghỉ dưỡng cây 1 tháng, tỉa bỏ 1 lần nữa nhưng cây già, lá già, chừa lại cây có đường kính thân lớn để cây sinh chồi. Đến tháng thứ 6 trở đi là thu hoạch măng hàng hóa theo chu kỳ bình thường - thu 2 tháng nghỉ 1 tháng dưỡng cây. 
+ Kỹ thuật thu hoạch măng tây: Vào chu kỳ thu hoạch, khi các chồi măng nhú lên cao khỏi mặt đất khoảng 20-25 cm, là lúc cần phải thu hoạch ngay để có được sản phẩm măng chất lượng cao. 
Trước khi thu hoạch, cần tiến hành tưới nhẹ cho luống măng để bổ sung nước, chống sốc cho cây măng, đồng thời giữ tươi lâu cho chồi măng sau khi thu. Măng thương phẩm sẽ có được chất lượng non mềm, tươi giòn, ngon ngọt đặc trưng. 


Thu hoạch măng tây bằng tay  

Thời gian thu hoạch măng tây xanh tốt nhất là buổi sáng, thường từ 5-8 giờ sáng, trước khi mặt trời mọc để măng tránh tiếp xúc với ánh nắng. Bới nhẹ đất quanh chồi măng, dùng tay nắm chặt gốc chồi, nghiêng 30-45o xoay và giật nhẹ; chồi măng sẽ tách rời khỏi rễ trụ dễ dàng. Cây măng mẹ ở dưới đất sẽ nhanh ổn định mà không để lại vết thương. Cách thu hoạch bằng tay có lợi hơn là dùng dao cắt, vì dao bén sẽ vô tình làm tổn thương các chồi măng lân cận. Dùng dao cắt, có thể để lại vết thương gây thối hỏng ở gốc các chồi măng dưới mặt đất, tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm hại bộ rễ. Cứ thế, tiếp tục khai thác chồi măng mỗi ngày cho đến hết chu kỳ thu hoạch măng.
Từ năm thứ 4-5 trở đi, khi đã có nhiều sản lượng thì có thể tổ chức thu hoạch thêm vào buổi chiều mát khi trời gần tắt nắng, sau khi đã tưới hạ nhiệt cho luống trồng măng.
2. Sơ chế phân loại măng tây: Măng tây xanh sau khi thu hoạch, cần phải đem vào nơi thoáng mát, chuyển ngay sang công đoạn phân loại sơ chế. Nếu để cây măng non tiếp xúc với ánh nắng và bảo quản lạnh không đúng kỹ thuật bảo quản thực phẩm, sẽ dễ bị hư hỏng nhanh chóng trong vòng 2 ngày. Nếu bị tiếp xúc với ánh nắng, măng sẽ bị hóa già (xơ hóa), bị héo làm mất dinh dưỡng, giảm chất lượng và kém giá trị thương phẩm. 


Phân loại măng tây - bó phân loại

Vì vậy, ngay sau khi thu hoạch, cần tiến hành sơ chế phân loại, rửa sạch đất, cắt cỡ và buộc thành bó. Cây măng được phân ra loại 1, 2, 3, 4  .. tùy theo yêu cầu thu mua sản phẩm. 
Bảng tiêu chuẩn phân loại măng tây
Loại 1: Chiều dài măng 25cm, đường kính gốc măng ≥ 10 mm; Số lượng cọng măng 48-52 cây/ kg, không cong vẹo, không sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn rau an toàn.
Loại 2: Chiều dài măng 25cm, đường kính gốc măng ≥ 6-9 mm; Số lượng cọng măng 70-76 cây/ kg, không cong vẹo, không sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn rau an toàn
Loại 3: Chiều dài măng 25cm, đường kính gốc măng ≥ 3-5 mm; Số lượng cọng măng 110-120 cây/ kg, không cong vẹo, không sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn rau an toàn
Loại 4: Chiều dài măng 25cm, đường kính gốc măng < 3 mm; Số lượng cọng măng 170-190 cây/ kg, không cong vẹo, không sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn rau an toàn
Cắt chuẩn 20 - 25cm thông qua khuôn măng tây làm sẵn, mỗi khuôn chứa được 500g măng tây. Bó lại thành bó 0,5-1,0 kg, xếp thẳng đứng, nhẹ nhàng cho vào sọt, xô nhựa, thùng cát tông hoặc thùng xốp để đóng gói trước khi vận chuyển. Cần phải gấp rút vận chuyển cho bộ phận phân phối trong vòng 4 - 8 giờ để sơ chế đóng túi, dán tem vận chuyển tới các đơn vị tiêu dùng. 
Quá trình vận chuyển, cần bảo quản lạnh và tiêu thụ ra thị trường nhanh chóng. Không được để búp măng tây bị ướt vì nước sẽ làm hỏng lá đài, hỏng chồi măng gây thối hỏng trong quá trình vận chuyển. Nếu lá đài đầu măng bị ướt cần dùng quạt để cho búp măng khô rồi mới cho vận chuyển. Không nên để lại phần gốc trắng nhiều xơ, cho dù không đủ kích thước chiều dài tiêu chuẩn, giữ khô ráo rồi bọc đầu búp măng bằng giấy sạch để giữ ẩm.
Sau đó phải chuyển giao ngay cho đơn vị thu mua để kịp thời gian chế biến, bảo quản lạnh và phân phối ra thị trường, hoặc xuất khẩu. Măng đã thu hoạch nếu chưa sử dụng ngay cần phải được bảo quản lạnh 3 - 5oC hoặc cắm chân măng vào 3-5 cm nước (đá) lạnh.
3. Bảo quản măng tây: Măng tây là loại rau tươi, nên kỹ thuật bảo quản măng tây cần phải hết sức cẩn thận, bảo đảm thời gian. Tùy theo điều kiện bảo quản và khả năng chuyên chở, mà có thể áp dụng một số phương pháp bảo quản sau đây:
+ Bảo quản được 3-4 ngày: Măng tây đưa về không rửa, để nguyên bó dựng đứng vào vật đựng, ở dưới chứa 1-2 cm nước lạnh khoảng 5 phút. (chú ý: không cho nước dính vào đầu búp măng, vì sẽ làm thối đầu măng trong những ngày tiếp theo). Sau đó, gỡ bỏ dây buộc, dùng giấy báo sạch, giấy ẩm hoặc khăn ẩm sạch quấn măng lại bỏ vào bao xốp buộc kín cho vào nơi mát bảo quản. 


Măng tây buộc thành bó, dựng sát nhau, bảo quản trong nước lạnh

+ Bảo quản được 1 tuần: Cắt bỏ 1 cm gốc măng (nếu măng tươi hái trong ngày không cần cắt gốc măng), nhúng vào vật chứa có 1-2 cm nước lạnh ở dưới, để vào nơi mát bảo quản như thực phẩm khác.
+ Xử lý măng tây bị héo: Nếu vì 1 lý do nào đó mà măng tây bị héo, mềm cũng có thể làm theo cách trên: Cắt loại bỏ bớt phần gốc, rồi cắm vào vật chứa 3-6 cm nước sạch, dùng 1 túi nylon chụp lên đầu măng. Để vào nơi mát như bảo quản thực phẩm từ 1-2 giờ măng sẽ tươi lại.
4. Sản phẩm phụ sau khi thu hoạch chồi măng: Phần gốc chồi măng cắt ra được làm sạcn cắt nhỏ, phơi hoặc sấy khô kiệt. Sau đó xay nhỏ thành dạng bột, đóng gói thành túi, dùng như uống trà. Trà măng tây hãm trong nước sôi để uống, có tác dụng tốt cho sức khỏe, thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể, tăng cường sức dẻo dai trong khi làm việc

.
Phần gốc chồi măng được phơi khô

5. Dưỡng cây măng tây giống, sau chu kỳ thu hoạch: 
Khi thấy cây mẹ già, lá sắp chuyển vàng thì ngừng thu hoạch, chọn giữ lại 4-6 chồi măng khỏe mạnh làm cây mẹ thay thế (trẻ hóa). Tỉa bỏ cây nhỏ, cây mẹ già và cây bị sâu bệnh. Nếu chăm sóc tốt, năm đầu mỗi cây măng có thể cho 1-2 chồi măng/ngày. 


Ruộng măng tây giai đoạn dưỡng cây 

Từ năm thứ 2 trở đi, mỗi cây (khóm) măng có thể cho 2-3 chồi măng/ngày hoặc nhiều hơn tùy theo chế độ chăm sóc; trong đó, có khoảng 80% là măng loại 1. Sau khi thu hoạch măng, cần phải nén chặt đất trồng nơi đã thu chồi măng. 
Lịch cho thu hoạch và cây măng nghỉ để chăm sóc dưỡng cây trong năm.
Tháng 1 và 2: thu hoach; Tháng 3: Dưỡng cây
Tháng 4 và 5: thu hoach; Tháng 6: Dưỡng cây
Tháng 7 và 8: thu hoach; Tháng 9: Dưỡng cây
Tháng 10 và 11: thu hoach; Tháng 12: Dưỡng cây
Khi cây măng tây có dấu hiệu già hóa khoảng sau 2-3 tháng thu hoạch liên tục hàng ngày. Cây mẹ bị suy yếu, tàn lụi, bệnh hại phát sinh thì phải dừng thu hoạch để dưỡng cây. Trong thời gian này phải chăm sóc tốt, bón đủ phân, tỉa bỏ cây yếu, cây bệnh và phòng trừ sâu bệnh triệt để trong vòng 1 tháng. Sau đó tiếp tục chu kỳ thu hoạch kế tiếp.

Theo Cổng nông dân


Xem thêm




CS- Để rau khỏe trong mùa mưa

Trồng rau trong mùa mưa thường bất lợi hơn trong mùa nắng do năng suất, chất lượng giảm mạnh vì mưa lớn gây ngập, úng nước làm cây rau khó phát triển,



Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng