SB-Bệnh mốc sương cà chua

2018-06-25 16:24:59

Bệnh mốc sương cà chua (Phytophthora infestans): Bệnh gây hại trên các bộ phận của cây như: lá, thân, rễ, hoa, trái, củ. 

Triệu chứng
- Bệnh gây hại trên các bộ phận của cây như: lá, thân, rễ, hoa, trái, củ.
- Trên lá: lúc đầu là một đốm nhỏ màu xanh tái hơi ướt, không có ranh giới rõ rệt ở mép lá. Sau lan vào phía trong phiến lá thành vết lớn, màu nâu đen, có ranh giới rõ rệt. Mặt dưới lá có lớp trắng xốp. Bệnh nặng làm toàn bộ phiến lá bị khô.

- Trên thân cành: vết bệnh lúc đầu có hình bầu dục nhỏ, sau lan rộng bao quanh thân làm thân thối mềm, úng nước và dễ gãy.

- Trên hoa: vết bệnh màu nâu hoặc nâu đen ở đài hoa, sau đó lan rộng làm cho hoa bị rụng.
- Trên quả: vùng nhiễm bệnh có màu nâu đậm, cứng và nhăn. Khi trời ẩm ướt làm cho quả bị thối.

Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển:
Do nấm Phytophthora infestans gây ra.
Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện thời tiết ẩm và mát, nhiệt độ từ 18-220C.
Nhiệt độ thích hợp nhất để bào tử nảy mầm hình thành bào tử động là 1-14°C. Còn ở nhiệt độ cao hơn 20°C thì nảy mầm hình thành ống mầm. Trên 28°C hoặc dưới 4°C bào tử không nảy mầm. Ở nhiệt độ 12-14°C, trong giọt nước bào tử bắt đầu nảy mầm sau 15 phút và sau 1 giờ tỷ lệ nảy mầm đã đạt tới 25-75%. Loại bào tử được hình thành trong điều kiện thích hợp, nhiệt độ dưới 18°C, độ ẩm cao thì càng có khả năng nảy mầm lớn. Tuổi bào tử càng non thì tỷ lệ nảy mầm càng cao, độ chua thích hợp để nảy mầm là pH = 5-5,5. Nấm xâm nhập vào cây qua lỗ khí hoặc trực tiếp qua biểu bì. Một bào tử nảy mầm hoặc bào tử động cũng có thể xâm nhập tạo thành vết bệnh. Nhiệt độ tối thiểu để nấm xâm nhập là 12°C, nhiệt độ thích hợp nhất là 18-22°C. Thời kỳ tiềm dục của bệnh ở lá là 2 ngày, trên quả là 3-10 ngày. Nguồn bệnh truyền từ năm này qua năm khác bằng sợi nấm, bào tử trứng có ở trên tàn dư lá cà chua và khoai tây bị bệnh, sợi nấm còn tồn tại ở hạt cà chua. Đến vụ trồng, sợi nấm hoặc bào tử trứng phát dục nảy mầm xâm nhập. Trong thời kỳ cây sinh trưởng, bệnh lây lan, phát triển nhanh chóng bằng bào tử vô tính.
Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng bao gồm cả việc hủy bỏ những quả cà hỏng, cắt tỉa loại bỏ các lá già, lá bệnh cho vào hố ủ phân và đậy kỹ bằng các nguyên liệu dày khác. Bởi vì bào tử vẫn có thể lan truyền từ hố ủ phân nếu hố bị mở.
- Chọn cây khỏe không bị bệnh mới đem ra trồng.
- Nên trồng thưa hơn trong mùa mưa và làm giàn cẩn thận, định hình chùm hoa chùm quả. Bố trí hướng luống theo đông tây tạo điều kiện cho ánh nắng xuyên vào nhanh làm ráo những giọt sương trên lá ngăn ngừa bào tử nảy mầm.
- Hạn chế tưới vào buổi chiều
- Bệnh mốc sương gây hại nặng vào mùa mưa, nên việc phun thuốc thường hay bị mưa rửa trôi, hiệu lực của thuốc ngắn. Hiệu quả của việc phun thuốc tùy thuộc vào lúc phun, phải dựa theo sự dự tính chính xác, phát hiện kịp thời khi ổ bệnh xuất hiện, phun thuốc đúng cách thì mới khống chế được bệnh đồng thời giảm được chi phí. Hiện nay theo một số ý kiến khi nấm Phytophthora infestans đã hình thành nhiều chủng sinh học kháng thuốc. Vì vậy việc thay đổi các loại thuốc khi phòng trừ cũng là cần thiết.
- Dùng một trong các loại thuốc: Copper Hydroxide (DuPontTM KocideÒ 46.1 DF), Mancozeb + Metalaxyl – M (Ridomil Gold Ò68 WP) Clorothalonil (Daconil 500 SC), Thiophanate-Methyl (T.sin 70WP); Trichoderma viride (Biobus 1.00WP), Tổ hợp dầu thực vật (TP - Zep 18EC), Mandipropamid + Chlorothalonil (Revus opti 440SC), Zineb (Tigineb 80WP, Zodiac 80WP).

Theo tstcantho.com.vn


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng