N-Kỹ thuật nuôi cá sấu (phần 2)

2018-01-10 16:58:00

CHƯƠNG III. KỸ THUẬT NUÔI CÁ SẤU


1. Nuôi cá sấu thương phẩm

1.1. Xây dựng chuồng trại

Trại nuôi cá sấu thương phẩm là một khu vực được quây lại bằng hệ thống rào chắc chắn, có bể chứa nước (bể đất hoặc bể xi măng), có khu vực cho cá sấu ăn nhiều bóng mát, có một khu vực rộng láng xi măng để cá sấu nằm phơi nắng, nhất là khi nuôi với mật độ dày, trồng cây tạo bóng râm cho cá sấu ẩn nấp.

Do đó, cần chọn nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, kín gió. Nếu nhờ địa hình tự nhiên mà chọn được nơi kín gió để quây chuồng là tốt nhất, nếu không phải trồng một hàng rào cây để chắn gió. Trong khi chờ cây mọc cao, người ta thường trồng tre hoặc mía thành hàng rào cũng có tác dụng cản gió. Người ta đã thử đo tốc độ gió sau hàng cây thì thấy một hàng cây chắn gió có thể giảm tốc độ gió 50% trong một quãng dài gấp 7 lần chiều cao của hàng cây. Vì vậy từ chiều cao của cây hàng rào mà có thể tính ra phạm vi kín gió trong chuồng trại nuôi cá sấu. Điều cần chú ý là các hàng rào cây chắn gió không được che khuất ánh nắng mặt trời buổi sáng và buổi chiều chiếu vào chuồng nuôi.

Bên cạnh hàng cây chắn gió, nên xây dựng rào chắn cao 1,4m để phòng cá sấu vượt ra ngoài. Tuy nhiên, chúng có thể tẩu thoát bằng cách dũi đất – nhất là khi đất quá ẩm; vì vậy nên xây chôn hàng rào sâu ngập trong đất 50cm. Có thể dùng gạch chỉ, gạch pa-panh để xây móng chìm trong đất và xây tường, buộc gỗ hoặc lưới kim loại phía trên tường để rào kín. Không nên dùng gỗ làm hàng rào vì ở vùng nhiệt đới chỉ sau 2-3 năm gỗ bị mục nát cho dù sơn phủ lên gỗ để bảo vệ cũng không có hiệu quả (gỗ bị đất và nước huỷ hoại nhanh).

Một trại nuôi có thể xây nhiều chuồng nuôi, kích thước chuồng nuôi cá sấu thương phẩm rất đa dạng. Ở Pa-pua Niu-Ghi-nê, chuồng nuôi cá sấu thường có kích thước 10 x 10m (trong chuồng có đào một ao chứa nước). Với kích thước này có thể nuôi 100 con cá sấu 1-2 tuổi (mật độ 1 con/m2). Một chuồng có kích thước 30 x 30m có thể nuôi hơn 800 con cá sấu cỡ thương phẩm.

Vì cá sấu hay đầm mình trong nước nên phải xây ao hoặc bể. Nếu xây ao hoặc bể nông sẽ khó giữ nước, nhưng nếu đào sâu cá sấu đã xuống nước sẽ khó lên bờ. Do đó nên xây bờ ao thoai thoải cho cá sấu dễ lên xuống. Nếu ao có bờ là đất, cá sấu thường đào hang hốc để trú ẩn khi trời lạnh gây lở bờ, phá vỡ các đường ống, làm lung lay hàng rào... Nuôi lâu ngày sẽ bị thối ở đáy ao.

Để khắc phục các nhược điểm trên, người ta dùng các khúc gỗ, tảng đá hoặc tấm xi măng để xếp vào bờ giúp cá sấu lên xuống dễ dàng. Tránh không được dùng các hòn đá nhọn nham nhở vì có thể xây xát da bụng cá sấu, làm giảm giá trị của tấm da sau này và có thể gây bệnh nhiễm trùng... Khi nuôi trong ao đất cần chú ý vét bớt bùn thối và phơi đáy ao dưới ánh nắng mặt trời theo định kỳ để làm tăng quá trình phân giải chất hữu cơ và còn có tác dụng diệt mầm bệnh.

Nếu điều kiện cho phép có thể xây bể xi măng chìm để thay cho ao đất. Bể xây không sâu quá 75cm.

Cách bố trí một chuồng nuôi cá sấu kích thước 30 x 30 (nhìn từ trên xuống)

Hình trên là hệ thống 2 bể song song, thành bể có bờ thoải dốc và độ sâu trung bình ở giữa bể là 60cm. Khi cần cọ rửa vệ sinh, chỉ cần tháo nước ở một bể, tất cả cá sấu sẽ sang bể bên cạnh. Nhờ thế công việc vệ sinh bể nước sẽ không ảnh hưởng đến cá sấu nuôi.

1.2. Mật độ nuôi

Cá sấu được nuôi theo từng lứa tuổi, ứng với mỗi lứa tuổi cần có mật độ nuôi thích hợp. Cá sấu nuôi ở lứa tuổi 1-3 tuổi mật độ nuôi 0,6-1 con/m2. Mật độ tối đa là 3 con/m2.

1.3. Cho ăn và chăm sóc

Loại thức ăn: Cá sấu là loài ăn thịt nên có thể tận dụng tất cả thức ăn có nguồn gốc động vật để nuôi. Tốc độ lớn của cá sấu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn đạm động vật mà chúng ăn. Những loại thức ăn bán sẵn dành cho cá, chó... (trong đó dùng đạm có nguồn gốc thực vật) sẽ không phù hợp.

Cá sấu không dễ dàng chuyển từ mồi ăn quen sang mồi lạ, cho dù bị bỏ đói. Cá sấu cũng không chịu ăn loại thức ăn có phối trộn nhiều thành phần đã sấy khô hoặc ướp muối. Người ta thường cho cá sấu ăn lòng lợn, lòng bò, lòng gà, vịt..., tốt nhất là cá đồng và cá biển, chuột.

Kết quả nuôi cá sấu nước lợ (cỡ 1,06m, nặng 4kg) bằng cá được cắt nhỏ sau 4 năm dài 2m, nặng 37kg. Nếu cho cá sấu ăn thịt bò chúng sẽ lớn nhanh hơn.

Lượng thức ăn: Khi cho cá sấu ăn cần dựa vào lượng thức ăn còn lại của chiều ngày hôm trước để điều chỉnh thức ăn cho vừa đủ. Theo dõi nhiều lần cho cá sấu ăn sẽ dần biết được nguyên nhân làm cho cá sấu không ăn hết thức ăn, có thể do thức ăn không phù hợp, do thời tiết hoặc do chuồng trại bị xáo trộn gây cho cá sấu hoảng sợ.

Theo ông Phạm Văn Nuôi (Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương, Viện chăn nuôi), hệ số chuyển đổi thức ăn của cá sấu Cuba nuôi tại Việt Nam bằng cá mè, cá rô phi là 4,5:1. Nghĩa là cứ 4,5 kg cá nước ngọt được 1 kg cá sấu tăng trọng.

Cách cho ăn: phải cho cá sấu ăn thức ăn tươi, cắt thành các mảnh nhỏ để cá sấu dễ nuốt và không để ruồi nhặng bâu.

Khi nuôi thương phẩm, để đỡ mất công sức khoảng 2 ngày mới cho cá sấu ăn 1 lần; nhiều người 1 tuần chỉ cho ăn 5 ngày.

Nuôi ở quy mô nhỏ, khi cho cá sấu ăn người ta đặt thức ăn lên các tấm ván hoặc các miếng tôn để dễ dàng quét dọn, di chuyển. Nuôi ở quy mô lớn phải xây các máng ăn. Máng ăn nên dài và nông (không sâu quá 10 cm), láng xi măng nhẵn và dốc thoải nối thông với mương tiêu nước. Khi quét dọn máng ăn có thể dùng vòi nước để xối rửa và dùng chổi cán dài để quét dọn. Ở phía trên các máng ăn chừng 80cm nên căng lưới để không cho chim chóc xuống ăn tranh thức ăn của cá sấu...

Tốc độ lớn: cá sấu đực thường lớn nhanh hơn cá sấu cái. Cá sấu nước lợ (C.porosus), cá sấu đực đạt cỡ thương phẩm dài 2m sau 3 năm 11 tháng; trong khi đó cá sấu cái cần 4 năm 4 tháng. Như vậy cá sấu đực lớn nhanh hơn cá sấu cái 11%. Theo ông Phạm Văn Nuôi (Viện chăn nuôi), cá sấu Cuba nuôi ở điều kiện các tỉnh phía Bắc lớn khá nhanh. Tính đến tháng 10 năm 1998, sau 14 tháng nuôi cá sấu cỡ 370g (12 tháng tuổi) đã đạt 5 kg; cỡ 730 g (24 tháng tuổi đạt 7kg và cỡ 2.200g (36 tháng tuổi) đạt 9kg, cá biệt có con nặng 16-17kg.

Điều cần lưu ý khi nuôi cá sấu thương phẩm là nên có 1 chuồng cách ly để nuôi riêng những con yếu. Ở chuồng cách ly nên dùng nguồn nước riêng, máng ăn luôn giữ sạch sẽ và có chế độ chăm sóc đặc biệt.

Ngoài ra còn lập một khu riêng có nhiều ngăn chuồng nhỏ để nhốt giữ cá sấu trước khi hạ sát.

2. Nuôi cá sấu sinh sản, thu và ấp trứng.

Nuôi cá sấu sinh sản không khác nhiều so với giai đoạn nuôi thương phẩm. Điều cần đặc biệt lưu ý là phải cho cá sấu bố mẹ ăn đầy đủ và đều đặn. Chính nhờ được ăn đầy đủ mà cá sấu nuôi thường thành thục sớm hơn cá sấu hoang dã.

- Trong mùa giao phối của cá sấu (từ tháng 12 đến tháng 3): phải luôn giữ mức nước trong ao, bể ít nhất là 1m để cá sấu đực, cái có thể vờn nhau ghép đôi. Trong thời kỳ này thường có hiện tượng cá sấu đực đánh lộn nhau, thậm chí gây ra các vết thương có thể làm cho cá sấu chết.

- Cần chuẩn bị nhiều rơm rác, đất ẩm để cá sấu làm gò tổ. Nếu không có kịp thời các điều kiện này thì cá sấu sẽ đẻ phân tán khắp chuồng hoặc cá sấu không đẻ.

- Tổ đẻ phải ở gần nước, có thời gian xen kẽ râm và nắng để đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho trứng sau khi đẻ.

- Chuồng trại cần đảm bảo yên tĩnh. Xung quanh chuồng phải có bụi cây che kín hoặc có rào chắc chắn để không cho khách tham quan đến gần. Có thể thả lẫn cá sấu nước lợ (C.porosus) với cá sấu Xiêm (C.siamensis) vào một chuồng nuôi để cho đẻ lẫn vì hai loài này có nhiều tập tính giống nhau và có thể lai tạo với nhau.

Cá sấu đẻ lần đầu có thể cho 5-20 trứng; vào những năm sau có thể đẻ 40 trứng. Cá sấu đẻ quả nọ tiếp quả kia; trung bình 30 phút đẻ một quả cho đến quả cuối cùng. Cá sấu thường đẻ từ nửa đêm đến gần sáng. Người nuôi cá sấu cần lưu ý đặc điểm này để tạo điều kiện tốt nhất cho cá sấu đẻ và theo dõi được vị trí tổ đẻ thuận tiện cho việc nhặt trứng sau này.

Trứng cá sấu đẻ ra được khoảng 65-75 ngày sẽ nở thành cá sấu con, tỷ lệ nở của trứng ở điều kiện tự nhiên thường thấp. Việc thu nhặt trứng về ấp nhân tạo cho tỷ lệ nở cao hơn. Để ấp nhân tạo cần phải biết phát hiện ra tổ của cá sấu đẻ, cách chọn lựa và vận chuyển trứng, kỹ thuật ấp nhân tạo.

2.1 Phát hiện ra tổ đẻ của cá sấu

Ở những vùng có lau lách mọc nhiều có thể dễ dàng phát hiện các đường đi lại của cá sấu từ mé nước đến tổ đẻ. Người ta phát hiện ra các tổ cá sấu mới đào trong đất hoặc các tổ cá sấu có dạng gò nổi. Ở những nước có nghề nuôi cá sấu phát triển, trong vùng tự nhiên có nhiều cá sấu sinh sống, không bị cây cối lớn che lấp, người ta dùng máy bay trực thăng để phát hiện các tổ đẻ của cá sấu khá dễ dàng.

Điều cần chú ý, khi đến gần tổ đẻ của cá sấu phải cảnh giác với cá sấu bố mẹ có thể đang ẩn náu xung quanh tổ, nhất là với những loài cá sấu hung dữ như cá sấu nước lợ. Tuy nhiên, cũng có nhiều cá sấu bố mẹ lại tìm đường lẩn trốn khi thấy người đến gần tổ của chúng.

2.2. Thu nhặt và thời gian thu nhặt trứng

Trước đây có 2 ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng nên thu nhặt trứng ngay vào đầu vụ cá sấu đẻ; một số khác cho rằng phải để nguyên trứng trong tổ ấp một thời gian, sau đó mới thu về ấp tiếp cho kết quả tốt hơn. Ý kiến nêu ra sau có phần đúng bởi lẽ sau khi thu trứng đã được ấp tự nhiên trong tổ khoảng 3-4 tuần, phôi và các màng bọc phôi đã phát triển khá chắc chắn. Việc di chuyển trứng lúc này sẽ không làm xáo động gây tác động xấu đến phôi. Trong thực tế khó thu được trứng ngay sau khi cá sấu mới đẻ. Vì vậy ý kiến thống nhất của nhiều người là nên nhặt trứng đưa về ấp sau khi cá sấu đẻ ít nhất 3 tuần (thậm chí 50-60 ngày).

Tuy nhiên cũng có nơi lại phải thu nhặt trứng về càng sớm càng tốt để tránh thiệt hại do lụt lội và địch hại gây ra.

Cách thu trứng: Dùng xô nhựa, thùng gỗ hoặc các hộp xốp đựng cát ẩm, lá khô mục, than bùn xốp để chèn lót trứng tránh trứng bị lật hoặc lắc lư, va chạm vào nhau.

Khi rỡ bới tổ để lấy trứng cần che không cho tia nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào trứng, làm hỏng trứng. Những quả trứng đầu tiên thường tìm thấy cách mặt đất 30cm, nhưng nếu tổ làm trên nền đất dốc và có lổn nhổn sỏi đá thì trứng ở cách mặt đất vài cm. Khi thấy trứng nên dùng bút dạ để đánh dấu phía trên của trứng để khi xếp trứng vào dụng cụ chuyển trứng giữ được vị trí như khi tìm thấy trong tổ.

Cần giữ trứng ở nơi ẩm, tối, nhiệt độ ít thay đổi. Khi đưa trứng về nhà ấp cũng cần nhanh và chú ý để gặp ít rủi ro.

2.3. Nhận biết trứng cá sấu được bao nhiêu ngày

Cách nhận biết dễ nhất là quan sát giải đục mờ qua lớp vở trứng .

Trứng cá sấu mới đẻ có màu trắng trong. Khi đĩa phôi đã dính chặt vào bên trong vỏ trứng thì có thể thấy một vệt trắng đục mờ. Vệt trắng này sẽ to dần và sẽ lan ra thành một giải bao quanh ở chính giữa quả trứng. Giải đục là do các màng phôi có chứa các mạch máu phát triển lan rộng dần và đến ngày thứ 30 chỉ còn 3 đầu mút của quả trứng còn trong. Trứng hoàn toàn mờ đục sau 45 ngày.

Những quả trứng không có đực không có giải đục mờ này. Vì thế giải trắng đục ở trứng cá sấu là dấu hiệu nhận biết trứng có hữu dụng hay không.

2.4. Sự phát triển của phôi cá sấu

Ferguson đã lập ra một sơ đồ gồm 28 giai đoạn phát triển của phôi cá sấu theo các tiêu chuẩn sinh lý học ở điều kiện ấp tiêu chuẩn 300C và độ ẩm 90-100%. Hầu như phôi của tất cả các loài cá sấu đều phát triển giống nhau cho đến giai đoạn thứ 24, là giai đoạn mà phôi đã phát triển hoàn toàn. Ở 4 giai đoạn cuối cùng, phôi không có cấu trúc mới nhưng tốc độ phát triển nhanh hay chậm tuỳ theo loài và tuỳ theo biến động của điều kiện ấp.

2.6. Ấp trứng cá sấu

Để ấp trứng cá sấu yêu cầu như sau:

- Nhiệt độ thích hợp và ổn định

- Độ ẩm cao

- Xếp trứng đúng hướng và không phải xếp lại

Cả 3 yếu tố trên càng đặc biệt quan trọng ngay từ những ngày ấp đầu tiên.

Có 2 cách ấp trứng cá sấu: ấp ngoài trời và ấp trong phòng

* Ấp trứng cá sấu ngoài trời (trong vườn hoặc trang trại), vun đất thành luống cao, xếp trứng vào luống rồi phủ đất, cát lên. Tuỳ loại đất, cát mà độ dầy lớp phủ khác nhau: đất phù sa hoặc đất sét phủ 15-20cm; cát mịn phủ 30-45cm. Nhiều nơi lại trộn rơm rạ, lá khô với bùn để xây tổ ấp trứng.

Tổ có dạng hình gò như ngoài tự nhiên, có đường kính 2m và cao 0,7-0,8m (trong quá trình ấp tổ sẽ tự lún thấp dần). Dù tổ có dạng luống hay dạng gò cũng phải giữ cho tổ có độ ẩm cao, xung quanh khu vực phải có rào lưới kim loại để chống địch hại và tránh gió to hay úng lụt. Giữ nhiệt độ ổn định trong tổ ấp (tốt nhất 31-320C). Việc dùng bùn trộn với rơm và lá mục làm tổ ấp trứng sẽ tạo nguồn nhiệt bổ sung do các nguyên liệu bị phân huỷ. Phải theo dõi nhiệt độ bằng nhiệt kế để quyết định thêm hoặc bớt các nguyên liệu trong quá trình ấp trứng.

* Trứng cá sấu nhặt về được xếp vào các hộp chứa đầy cát hoặc cỏ lá mục, sau đó xếp hộp lên giá đặt trong phòng ấp.

Có thể làm hộp bằng gỗ hoặc chất dẻo, đáy và cạnh hộp dùi nhiều lỗ nhỏ để thoát hơi nước tốt. Phòng ấp có thể làm bằng gỗ hoặc xây gạch, có cửa sổ và cửa ra vào được che lưới để thông thoáng. Phòng nên lợp mái tôn, ở Ấn Độ, xếp trứng cá sấu vào hộp gỗ có kích thước là 54 x 34 x 34cm. Mỗi hộp xếp 2 lớp trứng, mỗi lớp 20 quả; mỗi lớp cách nhau 6 – 8 cm. Ở mỗi lớp, trứng được xếp thành 4 hàng, mỗi hàng 5 quả, mỗi quả cách nhau 5-6cm. trứng xếp cách thành hộp 6cm.

Cá sấu con nở ra là cái hay đực phụ thuộc vào nhiệt độ ấp trứng.

Nhiệt độ ấp

Giới tính cá sấu khi nở

30 độ C hoặc thấp hơn cá sấu cái

31,7 độ C 74% cá sấu đực

32 độ C trong suốt thời gian ấp 80% cái và 20% đực

32,8 độ C 99% cá sấu đực nhưng cá sấu con còi cọc và chậm lớn hơn nhiều so với cá sấu ấp ở 31,70C

34 độ C hoặc cao hơn cá sấu đực

Nhưng có ngoại lệ, cá sấu nước ngọt Ôx-trây-lia sẽ nở cá sấu cái ở nhiệt độ thấp và cá sấu đực ở nhiêt độ cao, ở nhiệt độ trung gian cho ra cá sấu đực.

Vì vậy, chưa có kết luận về mối quan hệ chính xác giữa nhiệt độ ấp và tỷ lệ nở ra đực, cái ở cá sấu con hoặc về tốc độ lớn về sau của chúng ở giai đoạn nuôi trưởng thành cho từng loài cá sấu nuôi cụ thể. Tuy nhiên, khuyến cáo là nên ấp trứng ở nhiệt độ tối ưu là 31-32 độ C.

2.7. Chuẩn bị cho trứng nở

Khi trứng sắp đến ngày nở cần kiểm tra thường xuyên, hai ngày 1 lần. Tín hiệu dễ nhận biết của trứng đến ngày sắp nở là tiếng kêu của cá sấu con ở trong trứng, có thể vỗ nhẹ hoặc cạo cạo ở bên ngoài ổ để kích thích cá sấu con gọi. Tiếng gọi này dễ nhận biết và dễ bắt chước.

Tuy nhiên, không nên ép cho trứng nở sớm hơn thời hạn bình thường vì cá sấu nở sớm thường yếu hơn. Ngay sau khi nở, cá sấu đã có thể bò đi bò lại, vì thế cần thu gom chúng kịp thời.

Với trứng không nở nhưng bên ngoài vỏ vẫn bình thường ta có thể để thêm 7-10 ngày.

3. Nuôi cá sấu con dưới 1 tuổi

3.1. Những điều cần chú ý đối với cá sấu con mới nở

Trong điều kiện thuận lợi cá sấu con mới nở thường có 1 vết sẹo ở bụng; bụng sẽ tròn đều và kín, không nhìn thấy bọc noãn hoàng ở bên trong. Những cá sấu nở sớm trước thời hạn bụng sẽ căng dần và có 1 khe hở qua đó có thể nhìn thấy noãn hoàng. Cần lưu ý, không cho cá sấu vào nước trong 24 giờ sau khi nở vì dễ gây nhiễm trùng túi noãn hoàng, không cần lau khô cho cá sấu vì các lớp màng, các mảnh vỏ trứng sẽ tự khô và bong ra.

Không cho cá sấu mới nở ăn trong những ngày tuổi đầu tiên, phải giữ ấm và yên tĩnh cho cá sấu non. Nhiệt độ thích hợp nhất giai đoạn này duy trì ở 340C để giúp cá sấu mới nở hấp thụ nhanh noãn hoàng và có điều kiện hoạt động mạnh hơn, nhanh cứng cáp hơn.

Vì cá sấu non còn nhỏ, yếu nên phải chú ý bảo vệ tránh địch hại cho chúng. Nếu khu vực nhốt giữ cá sấu con không có điều kiện quây kín bằng lưới sắt thì phải chú ý diệt ruồi, kiến và những côn trùng khác có thể gây hại cho cá sấu con.

3.2 Chuồng nuôi cá sấu con:

- Ở Cam-pu-chia người ta nuôi cá sấu con trong lồng rộng 0,5-1m2; mỗi lồng nuôi 50-60 con.

- Ở Thái Lan, cá sấu con được nuôi trong các chuồng nhỏ có kích thước 30 x 50 x 40cm. Mật độ nuôi là 40-75 con/m2, tỷ lệ chết năm đầu tiên là 20-30%. Các chuyên gia về nuôi cá sấu cho rằng mật độ nuôi và tỷ lệ chết như vậy là quá cao, chỉ nên nuôi với mật độ tối đa 10-20 con/m2.

- Ở Mỹ, chuồng nuôi cá sấu con được xây bằng gạch, kích thước chuồng 5 x 3 x 1m. Nền và tường được láng xi măng nhẵn, mái lợp gỗ dán phủ chất dẻo. Nền chuồng dốc một nửa được xây thấp hơn nửa kia dùng để chứa nước sâu 15cm; nửa còn lại để khô. Chuồng được chia làm nhiều ngăn nhỏ. Mật độ nuôi tối đa trong năm đầu là 10 con/m2. Cố gắng duy trì nhiệt độ trong chuồng 300C. Tỷ lệ sống của cá sấu đạt 95%.

Một kiểu chuồng khác khá phổ biến, có dạng một ngôi nhà, bên trong gồm 4 dãy, mỗi dãy có 5 ngăn chuồng. Một ngăn có kích thước 2,5 x 2m và ở hai bên chuồng có 2 bể nước kích thước 0,6 x 0,15m (sâu), cũng phải láng xi măng nhẵn để phòng cá sấu lẩn trốn. Thời gian đầu người ta chỉ nuôi khoảng 500-600 con cá sấu mới nở trong 2 dãy chuồng, sau đó tách chọn dần những cá sấu đồng cỡ, san ra nuôi tiếp ở cả 2 dãy chuồng còn lại.

3.3. Chăm sóc cá sấu con

Công việc chăm sóc cá sấu con hàng ngày gồm: cho ăn, vệ sinh chuồng trại và phân loại cá sấu theo từng quy cỡ.

Cho ăn: sau khi cá sấu nở được ít ngày phải cho chúng ăn ngay. Tuy đã thấy một con ăn, những con khác sẽ bắt chước ăn theo. Lúc này cá sấu có chiều dài 25-28cm, nặng 150-200g.

Ở ngoài tự nhiên, cá sấu con tự tìm mồi ăn bằng những động vật không xương sống nhỏ như ấu trùng côn trùng, tôm,... Vì thế tôm tép nước ngọt, cá rô phi băm nhỏ...là những thức ăn mà cá sấu con rất ưu thích và lớn nhanh.

Không nhất thiết phải dùng mồi sống cho cá sấu mới nở ăn, mặc dù mồi sống cử động sẽ kích thích cá sấu ăn ngon miệng hơn. Cần hết sức tránh cho cá sấu ăn thức ăn ôi thiu. Để có cá dự trữ cho cá sấu ăn dần, phải mổ moi cá lấy hết ruột ra trước khi cho cá vào đông lạnh. Không nên cho cá sấu ăn loại thịt quá béo vì cá sấu con có thể vẫn nuốt nhưng sau đó sẽ oẹ ra. Có thể nghiền nhỏ các loại xương thành bột để cho cá sấu ăn. Cá sấu con ăn không nhiều, vì thế nên cho ăn thay đổi nhiều loại thức ăn: thịt bò, gan, cá, các loại động vật không xương sống... Ngoài ra có thể trộn thêm vitamin, muối khoáng vào thức ăn để cho ăn (cũng giống như trong chăn nuôi gia cầm).

Thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, tránh ruồi nhặng. Cần băm thái thức ăn thành những mảnh nhỏ, không nên nghiền xay quá kỹ, quá nhỏ (vì cá sấu không thích). Có thể cải thiện bữa ăn cho cá sấu con bằng cách thắp đèn điện vào ban đêm ở phía trên các bể để thu hút côn trùng vào chuồng nuôi cá sấu. Nhưng việc làm này có nhược điểm là thu hút cả những côn trùng cỡ lớn và những côn trùng khác mà cá sấu không ăn, gây ra phiền toái cho việc quét dọn chuồng.

Đối với cá sấu nặng 40-70g, lượng thức ăn lúc đầu chỉ cần 5-10% trọng lượng cơ thể, sau đó tăng lên 25-30%. Cần tăng, giảm điều chỉnh lượng thức ăn theo mức ăn hết hay còn trong ngày. Nếu có điều kiện nên cho cá sấu con ăn đều đặn hàng ngày.

Khi cho cá sấu ăn, thức ăn phải rải lên trên các tấm ván, không để thành đống. Thức ăn thừa được dọn ngay vào sáng hôm sau. Khi cọ rửa các tấm ván không nên dùng quá nhiều chất khử trùng vì chúng có thể làm biến chất thức ăn hoặc để lại mùi ở máng ăn.

Khi cá sấu không chịu ăn phải dùng ngón tay cái và ngón tay chỏ của tay trái để banh hàm cá sấu ra, tay phải dùng đũa trơn và tròn đầu gắp thức ăn đưa sâu vào trong họng của cá sấu, rồi để cá sấu ngậm miệng lại nuốt. Việc nhồi thức ăn giúp cho cá sấu sống đến khi chúng bắt đầu ăn bình thường trở lại.

Vệ sinh chuồng trại: Thường vệ sinh chuồng trại vào các buổi sáng. Thức ăn thừa của hôm trước được dọn sạch ngay, sau đó cọ rửa kỹ máng ăn, thay nước cũ bằng nước mới.

Tách loại cá sấu: Chỉ sau khi nuôi một vài tuần đã có những con cá sấu lớn và khoẻ trội hơn hẳn những con khác. Những con khoẻ sẽ lấn át và tranh ăn với những con yếu. Chính vì thế phải luôn luôn chú ý tách chọn cá sấu ra theo từng cỡ. Trong thực tế nên tách chọn ra 3 nhóm kích thước là đủ.

3.4. Cân, đo và đánh số cho cá sấu

a) Cân, đo: việc cân đo cá sấu là việc làm bình thường để theo dõi tốc độ lớn của cá sấu. Khi cá sấu còn nhỏ, cách đơn giản nhất để cân cá sấu là cho cá sấu vào một cái hộp nhẹ, sau đó cân trên cân lò xo và trừ bì. Với những cá sấu lớn hơn, đưa chúng vào một cái túi và móc lên cân treo. Nên làm túi có hình võng để ôm chặt lấy con vật. Dùng dây cao su (làm bằng săm xe đạp) để buộc hàm cá sấu; chú ý tránh buộc vào mũi vì sẽ làm cá sấu bị ngạt.

Để so sánh kích thước của cá sấu người ta có 2 cách đo:

- Đo chiều dài tổng cộng: đặt cá sấu nằm sấp, đo từ mõm đến mút đuôi bằng thước dây. Khi phải đo nhiều nên đóng một cái hộp gỗ dài, cạnh hộp có vạch thước đo. Đặt cá sấu vào hộp, mõm cá sấu chạm vào một đầu hộp và đọc kết quả.

- Mỗi khi cân đo, để tránh bị cá sấu cắn người ta thường lừa vứt một cái túi ẩm vào đầu cá sấu. Một người dùng tay tóm lấy hàm cá sấu qua lần vải túi, một người khác dùng dây cao su buộc hàm cá sấu lại.

b) Đánh số: Khi đã nuôi được nhiều cá sấu, việc đánh số cho chúng để tiện theo dõi là điều cần thiết.

- Cách đánh số đơn giản nhất là dùng loại sơn chịu nước và nhanh khô. Đánh dấu bằng sơn xong phải cách ly cá sấu không cho chúng xuống nước trong vòng nửa giờ. Dầu bằng sơn có thể giữ được bền trong một vài tuần lễ.

- Để giữ dấu được dài ngày hơn và có thể nhìn từ xa người ta đeo nhãn cho cá sấu. Nhãn được làm bằng kim loại và được cài trên một tấm vẩy lớn ở đuôi, như vậy cá sấu bị nhiễm trùng và không bị vướng. Tuy nhiên nhãn đeo chỉ bền trong 3 năm và không tránh được tình trạng nhăn bị tuột.

- Một cách đánh dấu khác tuy khó nhìn nhưng bền hơn, đó là đánh dấu bằng các dấu nung đỏ. Một người Ôx-trây-lia tên Webb đã đề ra cách đánh số cho cá sấu bằng cách đánh dấu vào hàng vẩy trên đuôi. Ông đã quy định: số 0 (không) được chọn là nơi hợp nhau của hàng vẩy mào đôi và hàng vẩy mào đơn của đuôi. Các phiến bên trái dưới hàng vẩy mào đơn dựng đứng tượng trưng cho hàng nghìn; các phiến bên trái tượng trưng cho hàng trăm. Còn các phiến ở dưới hàng vẩy đôi dựng đứng bên trái là hàng chục, bên phải là hàng đơn vị.

Khi dùng một miếng kim loại nung đỏ dí vào giữa các vẩy sẽ để lại 1 cái sẹo. Nhờ đó mà có thể đọc những con số tương ứng theo quy định trên. Các dấu đánh theo kiểu này bền trong thời gian dài.

- Nếu chỉ cần đánh dấu cho số lượng cá sấu dưới 1.000 con có thể áp dụng cách đánh số đơn giản như sau: cắt khấc hoặc đục lỗ các vẩy dựng đứng ở đuôi cá sấu. Người ta quy định: thứ tự hàng vẩy đơn chỉ số hàng trăm, dãy bên trái của hàng vẩy đôi là hàng chục, dãy bên phải của hàng vẩy đôi là hàng đơn vị.

4. Phòng và trị bệnh

Cá sấu thuộc loài có sức đề kháng cao nên ít bị bệnh, nhất là khi nuôi trong điều kiện nhiệt độ thích hợp, vệ sinh và được cho ăn đầy đủ. Cá sấu bị bệnh thường ở cá sấu dưới 1 năm tuổi. Ở miền bắc cá sấu thường bị bệnh vào tháng 11 đến tháng 3.

4.1. Cá sấu bị lạnh, bỏ ăn

Nhiệt độ nước và không khí xuống dưới 150C, cá sấu có thể bỏ ăn. Lúc này không nên ép chúng ăn. Những thức ăn không tiêu hoá được có thể làm cho cá sấu chết.

Do nhiệt độ là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu trong nuôi cá sấu nên việc chọn vị trí, hướng làm chuồng nuôi là rất quan trọng, nhất là các chuồng lớn và không có biện pháp sưởi ấm nhân tạo.

4.2. Một số bệnh do thức ăn

Bệnh thiếu đường trong máu

Khi lượng đường trong máu giảm, cá sấu giảm cảm giác ăn ngon. Vì vậy, cá sấu bị đói, vừa phải sử dụng hết lượng đường dự trữ, vừa mất dần cảm giác ăn ngon miệng và khi hiện tượng này kéo dài sẽ khó điều trị.

Triệu chứng: từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm cá sấu bị giảm lượng đường trong máu một cách nghiêm trọng. Lúc đó mắt cá sấu có hiện tượng bị giãn đồng tử, mũi hếch lên phía cao, toàn thân run rẩy và mất các phản xạ thăng bằng.

Điều trị: dùng ống thông để đưa đường vào mõm cá với lượng 3g/1kg trọng lượng cá sấu hoặc 1 kg trọng lượng cá sấu cho 2g đường pha trong 12ml nước.

Bệnh thiếu canxi

Nguyên nhân: do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó yếu tố dinh dưỡng có ảnh hưởng lớn. Nếu chỉ cho cá sấu ăn thịt không có xương và cá sấu không được phơi nắng cũng có thể dẫn đến bệnh thiếu canxi.

Triệu chứng: khi bị thiếu canxi trong cơ thể, cá sấu có biểu hiện: mõm bị mềm, yếu; răng mọc thiếu, không đều.

Điều trị: cần cho cá sấu ăn thức ăn có cả xương (cá, chuột...nguyên con) hoặc thức ăn phối trộn thêm chất có canxi như bột xương sấy, xương nghiền nhỏ hoặc phosphate tricacique. Khi cá sấu mắc bệnh có thể chủ động bổ sung thêm nguồn thức ăn này trong khẩu phần ăn của cá sấu. Cần chú ý đảm bảo tỷ lệ canxi/phosphor trong thức ăn là 1,5/1 hoặc 2/1 (trong nội tạng và thịt không có xương chỉ có tỷ lệ canxi/phosphor là 1/12).

Bệnh thiếu vitamin B1

Triệu chứng: khi bị thiếu vitamin B1 cá sấu sẽ biếng ăn, gầy còm, dễ bị bệnh nhiễm khuẩn.

Điều trị: tiêm 44 mg thiamin vào 100kg thức ăn để cho cá sấu ăn.

4.3. Bệnh do vi khuẩn

Nguyên nhân: do môi trường nuôi bị ô nhiễm, ăn thức ăn không đảm bảo, thả với mật độ cao...

Triệu chứng: vi khuẩn có thể gây cho cá sấu viêm ruột non, viêm đường hô hấp, viêm mõm, viêm họng, mắt, liệt chân tay...

Điều trị:

* Để trị bệnh viêm ruột, trộn chlohydrat oxtetracycline vào thức ăn với lượng 500mg/1kg thức ăn; cho cá ăn 3 ngày liên tục.

* Khi bị viêm đường hô hấp cá sấu thường ho, hắt hơi và chảy nước mũi. Chữa bằng cách lau nhẹ nhàng mõm cá sấu, rủa xúc bằng nước ôxy già và nước muối; bôi sulphadimidine hoặc streptomicine. Tiêm vitamin C cho cá sấu 7 ngày.

* Cá sấu bị viêm họng, vòm họng bị đỏ, cá sấu ăn ít hoặc bỏ ăn. Chữa bằng tetrecycline 20-40g/kg trọng lượng cá sấu, phối hợp với dùng vitaminC và tiến hành vệ sinh sát trùng bể nuôi. Để phòng bệnh, cần cho cá sấu ăn thức ăn tươi và luôn giữ nguồn nước sạch.

* Khi cá sấu bị viêm mắt, mắt bị ướt (thường gặp ở cá sấu con dưới 1 tuổi). Khi bị nặng, hốc mắt sưng phồng; cá sấu suy yếu đi rõ rệt. Có thể điều trị bằng cách hàng ngày tra violet gentian. Để tranh bệnh lây lan người ta hoà chlorin vào nước trong bể nuôi với liều lượng 2-4g/m3 hoặc pha thuốc tím với lượng 10g/m3.

* Bệnh liệt chân tay, khi đó cá sấu nhắm mắt, bất động, có thể tiêu chảy ra máu. Cách phòng tốt nhất là giữ nước trong bể nuôi và thức ăn sạch. Chữa trị bằng tetracyclin phối hợp với vitaminB1.

4.4. Bệnh do nấm

Triệu chứng: lưng cá sấu có phủ một lớp mỏng màu trắng và ở trong miệng cũng có nhưng thường dày hơn. Bệnh viêm phổi và các bệnh ngoài da cũng là những triệu chứng thường kèm theo nhiễm trùng do nấm

* Phòng trừ nấm: hoà thuốc tím hoặc thêm sun-phát đồng (phèn xanh) vào nước mỗi khi làm vệ sinh bể nuôi.

4.5. Bệnh ký sinh trùng

Ở cá sấu mới nở còn yếu dễ bị bệnh đi kiết có máu kèm theo. Đó là do động vật nguyên sinh thuộc nhóm Coccidia gây ra. Chúng sống ký sinh ở bên trong tế bào của vật chủ và gây ảnh hưởng đến màng ruột. Để trị bệnh, trộn 1,5g sulphochloropyazine vào 1kg thức ăn, cho ăn liên tiếp 3 bữa hoặc dùng ống thông 3 ngày liên tục trực tiếp vào dạ dày dung dịch 3% chất này với lượng dung dịch là 5ml/kg trọng lượng thân.

Trong dạ dày của cá sấu thường có giun tròn Dujardinascaris ký sinh, chúng gây ra các vết loét . Để tẩy giun tròn thường dùng thuốc bột tẩy giun cho chó trộn vào thức ăn cho cá sấu, hoặc trộn fenbendazole vào thức ăn với lượng 200mg/kg cá sấu và cho ăn 2 bữa liên tiếp.

Ở cá sấu nước ngọt còn phổ biến một loại giun Paratrichosoma crocodilus dài 2-7cm. Chúng sống ở da bụng và đào thành các rãnh ngang dọc. Bệnh giun tròn làm giảm giá trị thương phẩm của da.

4.6. Hiện tượng cá sấu còi

Nguyên nhân: Thường gặp sau khi trứng nở vài tuần. Những cá sấu còi này thường có bụng căng trương, ruột và gan teo nhỏ, gan bị xám và bụng không có mỡ dự trữ. Nuôi những cá sấu này hầu như không lớn. Cá sấu còn bị còi cọc do nuôi với mật độ dày, thức ăn không phù hợp, thiếu chất khoáng.

Triệu chứng: cá sấu không lớn, thân bị lệch, răng mềm và mọc lệch, đầu to không bình thường.

Biện pháp phòng trị: trong đàn cá sấu mới nở có con còi cọc, chúng có thể sẽ mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm để gây bệnh cho cá sấu khoẻ. Cần có chế độ chăm sóc đặc biệt đến những cá sấu còi, cho ăn với mức tốt nhất ở điều kiện có thể. Trộn multivitamin và canxi vào thức ăn. Sưởi ấm và giữ vệ sinh nghiêm ngặt, không nên dùng thức ăn, dụng cụ...của những cá sấu còi lẫn với những cá sấu khác.

4.7. Vẹo xương sống

Nguyên nhân: do thiếu ánh nắng, cá sấu bị vẹo xương sống hoặc nổi gù.

Phòng và trị bệnh: ít nhất mỗi ngày có 2 giờ nắng, thời gan tốt nhất vào 8-10 giờ sáng. Trộn vitaminA , E, D vào thức ăn và tìm cách để có thêm ánh nắng vào nơi nuôi cá sấu.

Theo TT Khuyến nông quốc gia


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng