N-Kỹ thuật nuôi cá sấu (phần 1)

2018-01-11 09:38:00

CHƯƠNG I. VÀI NÉT VỀ NGHỀ NUÔI CÁ SẤU Ở NƯỚC TA

1. Lợi ích của nghề nuôi cá sấu

Cùng với nền kinh tế phát triển và đời sống xã hội được nâng cao, nghề nuôi cá sấu đã mang lại những lợi ích ngày càng rõ rệt. Sản phẩm quan trọng nhất của nghề nuôi cá sấu là da, sau đó là thịt và các sản phẩm phụ khác. Cá sấu cũng là loại hàng bán được giá (giá bán một con cá sấu con ở Mỹ là 20-30 đô la). Những năm gần đây các trại nuôi cá sấu còn gắn chặt với kinh doanh du lịch và nhờ thế đã thu về lợi nhuận không nhỏ.

1.1. Da cá sấu

Da cá sấu là mục tiêu chủ yếu để con người san bắt và phải nuôi con vật nguy hiểm này. Ít ai người rằng chính lớp da sần sùi, mốc meo của cá sấu là nguyên liệu đắt giá của ngành công nghiệp chế biến da. Sau khi được xử lý bằng hoá chất da cá sấu sẽ nổi vân óng ánh, là nguyên liệu làm ra đồ trang sức đắt tiền cho giới thượng lưu như thắt lưng, ví xách tay, giày dép, mảnh áo khoác... Đây mới chỉ là những đồ dùng nhỏ. Trong lịch sử có lẽ có duy nhất một trường hợp còn ghi chép lại về loại đồ dùng có kích thước lớn làm bằng da cá sấu, đó là vào năm 1957 ở Paris, thủ đô nước Pháp, người ta đã bán một quán rượu nhỏ lưu động được bọc bằng da cá sấu biển với giá 7.500 đôla Mỹ (với thời giá hiện nay chắc chắn sẽ bán được với giá cao hơn rất nhiều!).

Hiện nay hàng năm thị trường thế giới cần đến 2 triệu tấn da cá sấu cỡ 3-4 tuổi. Giá 1 kg da cá sấu khoảng 1.000 đôla, giá một ví da phụ nữ giá 5.000 đôla!

1.2. Thịt cá sấu

Mục đích chủ yếu của việc nuôi cá sấu là lấy da, nhưng các sản phẩm phụ hoặc sản phẩm ăn theo như bán thịt, làm du lịch đôi khi mang lại lợi nhuận cao.

Thịt cá sấu trắng hồng, thớ sợi tương tự như thịt lợn, bê. Nếu được nuôi bằng thức ăn là cá, ít nhiều ở thịt sẽ có mùi vị của cá. Lượng đạm trong thịt cá sấu khá cao, tỷ lệ % của mỡ cũng khá cao, nhất là ở đuôi và đặc biệt ở những cá sấu nuôi nhốt trong chuồng.

Một con cá sấu thương phẩm trung bình cho 20 kg thịt, với giá bán 1 kg thịt tươi là 5-7 USD và giá có thể đắt gấp đôi nếu xuất ở dạng đông lạnh sang thị trường châu Âu. Thịt cá sấu thơm, mềm ngọt, có thể nướng – rán – xào – luộc, là loại thuốc bổ quý và có tác dụng chữa bệnh gan. Những người sành ăn cho là thịt cá sấu hấp dẫn hơn thịt gà, có tính trị bệnh giống như thịt cóc. Ở một số nước châu Á còn bán thịt cá sấu khô, nhưng do lãi ít và công nghệ sấy thịt cũng khá phiền toái (phải tách xương, lọc hết mỡ, nếu không thịt sấy sẽ có màu vàng và có mùi khó chịu) nên sản phẩm không nhiều.

1.3. Các sản phẩm phụ khác của cá sấu

Hai tuyến xạ ở dưới hàm cá sấu được dùng trong công nghệ chế biến nước hoa vì nhờ nó mà nước hoa có mùi đặc trưng và bền mùi hơn. Một số bộ phận của cá sấu sấy khô được dùng làm các lại thuốc truyền thống ở phương Đông, tuy nhiên thị trường còn rất hạn chế. Mật cá sấu được dùng để chữa những bệnh ở đường hô hấp, tiêu hoá. Một vài nơi bán dầu cá sấu được chế từ mỡ cá sấu. Có người dùng xương sọ và toàn bộ xương của cá sấu để nấu cao. Răng cá sấu còn được mài để thay cho người nào có nhu cầu.

1.4. Kinh doanh du lịch

Ở Thái Lan, đi thăm trại nuôi cá sấu luôn luôn được đưa vào nội dung của các hội nghị, hội thảo quốc tế. Ví dụ trong cuộc họp hàng năm của Hội Nuôi trồng thuỷ sản thế giới họp tháng 2/1996 tại Băng cốc đã tổ chức một ngày tham quan trại nuôi cá sấu. Dịch vụ trọn gói từ 7 -17 giờ là 1.560 bạt (tiền Thái Lan), tương đương với 700.000 đồng Việt Nam, bao gồm đi về bằng xe ôtô có điều hoà nhiệt độ, có bữa ăn trưa, có người hướng dẫn v.v...

Như vậy, từ việc nuôi cá sấu đã có thể kéo nhiều dịch vụ khác phát triển theo, cũng chính vì những lẽ trên mà hiện nay nghề nuôi cá sấu càng có sức hấp dẫn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

2. Vài nét về nghề nuôi cá sấu ở nước ta

Ở một số tỉnh miền nam nước ta như tỉnh Đồng Nai, An Giang, Cà Mau đã có một số gia đình nuôi cá sấu từ những năm 1970. Thương nhân đã buôn cá sấu từ vùng Biển Hồ, dọc sông Tôn Lê Sáp, từ các tỉnh Bat Tam Bong, Xiêm Riệp, Kông Pông Thom... của Campuchia về để bán.

Việc nuôi cá sấu ở quy mô nhỏ dần dần lan rộng ra các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đến hết năm 1995, ở hầu hết các tỉnh đồng bằng Nam Bộ đều đã có trại nuôi cá sấu của Nhà nước và tư nhân. Dưới đây là một số cơ sở:

- Ông Phạm Văn Mười ở số nhà 94B/01/55 đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp (thành phố Hồ Chí Minh) đã nuôi cá sấu gần 10 năm nay. Trong khu vực rộng 7.000 m2 có tường rào và cổng bảo vệ chắc chắn ông đã nuôi 300 con cá sấu. Ngoài ra để có thêm thu nhập, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", ông còn nuôi gấu, nhím, cá trê phi, cá tai tượng...

- Ông Nguyễn Thanh Thuận ở xã Phú Hữu, Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) đã nuôi 170 con cá sấu cớ 0,9-2 m trong khu nuôi rộng 2.700m2.

- Với đát đai chật hẹp ở đường Lê Hồng Phong của thị xã Buôn Ma Thuột, ông Nam Trường Sơn lại nuôi cá sấu trong bể xi măng. Ông đã dùng các thanh gỗ để ngăn bể thành nhiều ô để nuôi riêng theo từng cỡ. Mỗi ô đều có phần ngập nước để cá sấu đầm và phần cạn để cá sấu phơi nắng. Ông đã có đàn cá sấu với nhiều thế hệ và đã thực hiện việc ấp trứng cá sấu theo phương pháp nhân tạo để chủ động sản xuất cá sấu giống.

- Hiện nay trại nuôi cá sấu Thủ Đức của Công ty Lâm sản thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm sản xuất được 200 con cá sấu. Trại cũng đã lai cá sấu Cu Ba với cá sấu Xiêm. Cá sấu lai dễ nuôi, trại đã nuôi gần 300 con. Trong năm 1996 trại đã đầu tư 600 triệu đồng để có thêm 80-100 con cá sấu bố mẹ, từ đó mỗi năm sản xuất được 1.000 con cá sấu giống. Ở Thảo cầm viên, khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên,... mỗi nơi nuôi xấp xỉ 1.000 con.

Bên cạnh đó, 9 tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng,... đã bắt tay vào nuôi thử cá sấu trong điều kiện khí hậu miền Bắc nhưng số lượng nuôi còn ít, khoảng 200 con.

Phần lớn các cơ sở nuôi cá sấu đang tập trung vào phát triển sản xuất cá sấu giống như trại cá sấu của Công ty Lâm sản thành phố Hồ Chí Minh, trại Hoóc Môn, trại Đắc Lắc... giá bán cá sấu con trên 100g ở Đắc Lắc là 600.000-700.000 đồng/con. Với cá sấu lớn, đo theo vòng bụng tính tiền 700.000 đồng/10cm. Một con cá sấu nặng khoảng 1 tạ, có vòng bụng khoảng 1m, giá ước 7 triệu đồng. Nếu sản xuất được cá sấu giống, một số người sẽ mạnh dạn mua cá sấu bố mẹ 6-7 tuổi. Trung bình mỗi năm 1 con cá sấu cái sinh sản ra cá sấu con cho thu nhập 20-24 triệu đồng! Tuy nhiên, kỹ thuật cho cá sấu sinh sản, ấp trứng cần đến cơ sở vật chất đầy đủ và kỹ thuật cao, chỉ phù hợp với những trại nuôi có quy mô khá lớn, có nguồn vốn dồi dào và kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm.

Ở quy mô gia đình, nên nuôi cá sấu thương phẩm là chính do điều kiện, kỹ thuật nuôi tương đối dễ, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và những nơi có nguồn thức ăn dồi dào, rẻ tiền, nhu cầu thị trường cao.

CHƯƠNG II. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA CÁ SẤU

1. Phân loại

Cá sấu thuộc bộ bò sát ở nước (chú ý: cá sấu là một loại bò sát). Các loài cá sấu còn đến hiện nay là nhóm cuối cùng của những cá sấu cổ đại đã xuất hiện từ hơn 150 triệu năm trước đây; lúc đó chúng có tới 15 họ với hơn 100 giống và nhiều loài. Đến đầu đại Tân Sinh đa số những cá sấu này bị tuyệt chủng.

Bộ cá sấu hiện đại gồm 3 họ; 21 loài

- Họ cá sấu mõm dài (Gavialidae): họ này chỉ có một loài, đó là cá sấu Ấn Độ hoặc còn gọi là cá sấu sông Hằng Gavialis gangeticus).

- Họ cá sấu mõm ngắn (Alligatoridae): có 7 loài thuộc 4 chi là Caiman, Melanosuchus), Palaeosuchus và Alligator, phân bố ở Nam Mỹ, Bắc Mỹ và Trung Quốc.

- Họ cá sấu thực sự (Crocodylidae): có 14 loài thuộc chi phổ biến nhất là Crocodylus.

* Ở Trung và Nam Mỹ có các loài Crocodylus acutus, C.rhombifer, C. intermedius và C.moreletii.

*Ở Tây và Trung Phi có 2 loài: loài C.cataphractus và loài cá sấu mõm tù Osteolaemus tetraspis dài tới 2m. Ở cận Sahara có một loài là C.niloticus có thể dài tới 7m.

* Ở bắc Ôx-trây-lia có một loài là C.johnsoni.

- Ở châu Á-Thái Bình Dương có 6 loài (bảng 2).

Bảng 2: Một số đặc điểm chủ yếu của 6 loài cá sấu phổ biến thuộc họ cá sấu thực sự Crocodylidae ở vùng châu Á – Thái Bình Dương (Theo Melvin Bolton, 1990)

Tên thường gọi-tên khoa học Kích thước tối đa (m) Phân bố địa lý Mức độ nguy cơ bị tiêu diệt Loại tổ đẻ Các đặc điểm về da

1. Cá sấu Phi-líp-pin (Crocodylus) 3 Phi-líp-pin Lớn Gò Vẩy lớn

2. Cá sấu Pa-pua Niu-ghi-nê (C.novaequinea) 3,5 Pa-pua Niu-ghi-nê và Boóc-nê-ô Vừa Gò Vẩy lớn

3. Cá sấu đầm lầy (C.palustris) 4 Nam Ấn Độ, I-ran, Pa-kít-tan, Nê-pan Vừa Hốc Vẩy trung bình đến lớn

4. Cá sấu nước lợ (C.porosus) 6 Đông Ấn Độ, Đông Nam Á Lớn Gò Vẩy nhỏ, da rất có giá trị

5. Cá sấu Xiêm (C.siamensis) 4 Một số vùng Đông Nam Á Lớn Gò Vẩy nhỏ đến trung bình

6. Cá sấu mõm dài giả-cá sấu cu ba (Tomistoma schlegel) 5 Ma-lai-xi-a, Su-ma-tra, Ca-li-men-tan Lớn Gò Vẩy lớn

- Ở Việt Nam hiện đang nuôi 3 loài cá sấu:

Cá sấu nước lợ (còn gọi là cá sấu hoa cà, cá sấu hoa, cá sấu đa sừng, cá sấu lửa, cá sấu Đồng Nai) có tên khoa học là Crocodylus porosus. Thân có màu vàng ánh, sắc màu xanh là cây, có vẩy đen xen lẫn; đầu dài và thuôn. Con trưởng thành dài 6-8m. Loài này sống thích hợp ở vùng nước lợ cửa sông Mêkông và sông Đồng Nai (nam Bộ) như Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), Minh Hải, Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc... Cá sấu nước lợ có kích thước da lớn, đầu có 2 gờ, có khi tấn công cả con người, thường nuôi 2-3 năm là bán được. Bản chất giống này hung dữ, khó thuần hoá.

Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis), còn gọi là cá sấu Xiêm hoặc cá sấu Xiêm – Việt Nam. Thân có màu xám ánh sắc xanh, không có vẩy đen. Con trưởng thành dài 3-4m, đầu ngắn và rộng. Chúng sống ở các đầm hồ lớn vùng U Minh, Cà Mau, Minh Hải, vùng núi nam Trung Bộ như sông Ba (Gia Lai), sông Thày (Kon Tum), sông Easup (Đắc Lắc) sông Đồng Nai, sông La Ngà (Lâm Đồng)... Loài này dễ thuần hoá và nuôi dưỡng, thích hợp với vùng nước ngọt.

Cá sấu Cu ba (Crocodylus rhombifer): thân có màu vàng sẫm pha nâu, có xen lẫn các chấm đen. Đầu dài và hơi thuôn. Con trưởng thành dài 2,5-3m, thích hợp với các vùng nước ngọt. Năm 1985 nhập vào Việt Nam 100 con; năm 1997 nhập 150 con. Cá sấu Cuba hiện đang được nuôi ở vườn thú Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Minh Hải v.v... và mới đây ở Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương (Viện chăn nuôi). Nhiều cơ sở nuôi cá sấu đã cho chúng sinh sản được và đã lai thành công cá sấu Xiêm với cá sấu Cuba. Cá sấu lai dễ nuôi, thích hợp với nhiều vùng nước.

2. Một số đặc điểm sinh học của cá sấu

Đa số các loài cá sấu trưởng thành có chiều dài 2-5m. Đầu dẹt và bằng, mõm dài. Mắt nằm ở vị trí rất cao. Lỗ mũi và lỗ tai đều có van chắn nước. Chân to, ngắn, chân trước có 5 ngón, chân sau có 4 ngón. Đuôi cá sấu rất khoẻ, dẹt bên và có hình bơi chèo.

Cá sấu thích nghi được với nhiều điều kiện môi trường, chúng thích đầm mình dưới nước và phơi nắng ở trên cạn. Ở trên cạn cá sấu thường bò chậm, thậm chí nằm im phơi nắng cứng đờ như một cây gỗ. Cá sấu trở nên hung dữ hơn khi tìm mồi dưới nước. Vào ban đêm cá sấu hoạt động mạnh hơn.

2.1. Nhiệt độ cơ thể

Cá sấu không tự sản sinh ra quá nhiều nhiệt lượng vì nhiệt độ cơ thể chúng phụ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài. Chúng thường sưởi ấm bằng cách phơi nắng; khi đó tim đập nhanh để tăng tuần hoàn của máu, tăng hấp phụ nhiệt để toả khắp cơ thể. Khi cần mát chúng chúi vào bóng râm hoặc dìm mình xuống nước. Cá sấu tự chọn chỗ nằm thích hợp, tuỳ theo hướng gió và hướng mặt trời. Khi nhiệt độ cơ thể giảm chúng bỏ ăn, ít hoạt động. Nếu nhiệt độ không khí và nhiệt độ nước xuống dưới 15độ C cá sấu sẽ ngừng ăn, dưới 7,2 độC chúng không còn giữ được thăng bằng ở trong nước. Vì vậy, ở các tỉnh phía Bắc nước ta, khi nuôi cá sấu phải đặc biệt chú ý chống rét cho cá sấu vào mùa đông.

2.2 Hô hấp

Cá sấu hô hấp bằng phổi. Phổi lớn, có cấu tạo khá hoàn thiện.

Ở cá sấu, lỗ mũi nằm ở đỉnh hàm trên của mõm dài nên cá sấu chỉ cần nhô đỉnh mũi khỏi mặt nước là đã có thể thở bình thường, cho dù miệng cá sấu mở hay đóng. Lỗ mũi thông với hốc mũi nằm sâu trong họng. Cuối hốc mũi có một van nhỏ có thể nâng lên hạ xuống, nhờ thế cá sấu có thể nuốt thức ăn không chạy sang khí quản.

Vì vậy trong quá trình nuôi có hiện tượng cá sấu bị chết ngạt khi dùng lưới chụp bắt làm cá sấu bị dìm quá lâu trong nước. Cũng không ít trường hợp sau 1 đêm mưa rào, cá sấu bị chết đuối trong bể có trùm kín lưới sắt, vì trời mưa ngập tràn bể làm cá sấu không thoát ra ngoài được.

2.3. Cơ quan cảm giác

Não cá sấu có kích thước nhỏ như các loại bò sát khác nhưng phát triển đầy đủ hơn. Cá sấu nhận biết mùi rất thính. Ở đáy họng cá sấu có hai tuyến xạ và hai tuyến khác nữa trong lỗ huyệt. Nhờ các tuyến này mà cá sấu có thể giao tiếp, nhận biết nhau qua mùi.

Tai cá sấu khá thính. Lỗ tai ở ngay sau mắt, và đều có nắp che. Cá sấu bố mẹ thường đáp lại tiếng gọi của đàn con. Khi bị người vây bắt hoặc vào thời kỳ sinh sản cá sấu đực và cá sấu cái gầm gừ hoặc kêu oe oe để dễ dàng nhận ra nhau.

Mắt cá sấu có thể nhìn rõ cả ban ngày lẫn ban đêm. Vị trí của hai mắt cá sấu giúp cho nó có góc nhìn lớn cả về chiều ngang và chiều thẳng đứng. Cũng giống như chim, cá sấu có một "mí mắt thứ 3" trong suốt. Gặp ánh sáng mạnh, đồng tử mắt lập tức co lại theo khe thẳng đứng.

Ngoài ra cá sấu còn có những nhú vị giác ở trên lưỡi và nhú xúc giác trên hàm. Khác với những bò sát khác, cá sấu có những cơ quan nhạy cảm với áp lực ở dưới răng.

2.4. Dinh dưỡng và sinh trưởng

Cá sấu là loài ăn thịt, thức ăn chủ yếu là ếch, nhái, chim, cá hay thú nhỏ. Có khi cá sấu tấn công cả các loài thú lớn, kể cả thú có sừng rồi dùng hàm và chân trước xé xác con mồi. Khi đưa cá sấu vào nuôi nhốt người ta thường cho chúng ăn các loại thịt ế thừa, giá rẻ, các gia súc gia cầm; chúng có thể "dọn" sạch tất cả các loại xác súc vật chết khi cần.

Răng cá sấu hình côn, hơi cong vào phía trong và cắm sâu vào trong hàm. Răng mới được tạo ra liên tục ở chân răng cũ để thay thế, vì vậy không thể dựa vào răng để định tuổi cho cá sấu như cách vẫn làm ở một số động vật khác.

Hàm cá sấu tuy khoẻ nhưng không thể nhai hoặc nghiền thức ăn thành mảnh nhỏ. Hàm chỉ có tác dụng bắt giữ thức ăn; cá sấu thường nuốt chửng mồi. Gặp những mồi lớn không nuốt được, chúng để cá sấu khác cùng chia sẻ.

Cá sấu tiêu hoá thức ăn khá nhanh, khoảng 70 giờ. Dạ dày có vách khoẻ và dầy. Trong dạ dày của cá sấu sống hoang dã có thể bắt gắp cả đá, những cục đá này giúp cho việc nghiền nát thức ăn được tốt hơn. Cá sấu có thể ngừng ăn khi bị hoảng sợ. Chúng có thể nhịn ăn trong nhiều tháng mà vẫn sống, nhưng yếu đi rõ rệt. Vì vậy, khi nuôi nên chú ý cho cá sấu ăn đều đặn, ăn no giúp chúng lớn nhanh, sớm đạt quy cỡ thương phẩm. Cá sấu tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 1-3 năm tuổi (trung bình mỗi năm tăng 35-45cm). Từ năm thứ tư trở đi cá sấu phát triển chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 8-15 cm.

Nhiệt độ thích hợp cho cá sấu sinh trưởng là 30-32độ C. Khi nhiệt độ không thuận lợi, cá sấu có thể ngừng ăn, sinh trưởng giảm.

2.5. Sinh sản

Theo kinh nghiệm, có thể nhận biết cá sấu cái ở đặc điểm đầu nhỏ, mõm ngắn, vẩy thưa hơn và chậm lớn hơn; trong khi đó đầu và mình cá sấu đực dài và có vẩy mọc dầy hơn. Tuy nhiên, khó phân biệt cá sấu đực cái theo hình dạng bên ngoài.

Cá sấu là loài đẻ trứng, sống lâu năm, thành thục muộn, vòng đời khoảng 40 năm và có khả năng sinh sản đến cuối đời. Một cá sấu đực thường ghép đôi với một vài cá sấu cái. Cá sấu cái ở châu Phi sống hoang dã phải 10-15 năm mới đẻ những quả trứng đầu tiên, cá sấu Mỹ hoang dã đẻ trứng lần đầu ở tuổi 9 năm 10 tháng. Nói chung, các loài cá sấu cỡ nhỏ thường thành thục sớm hơn những loài cỡ lớn.

Ở điều kiện nuôi tốt, cá sấu thành thục sớm hơn nhiều so với cá sấu hoang dã, khoảng 4-5 tuổi cá sấu có thể sinh sản. Ở nước ta, cá sấu thường đẻ vào đầu mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 10; mùa giao phối xảy ra sớm hơn, từ tháng 10 đến tháng 3.

Mỗi năm cá sấu đẻ một lứa vào mùa sinh sản. Trong mùa sinh sản cá sấu thường phát ra tiếng kêu đặc thù. Lứa đẻ đầu tiên khoảng 20 trứng, từ lứa thứ 2 trở đi sẽ đẻ đều đặn 30-40 trứng. Trứng cá sấu có vỏ vôi rắn chắc. Đẻ trứng vào tổ xong, cá sấu đào một hố cách tổ khoảng 1 mét, nằm trong đó canh trứng, thỉnh thoảng quẫy đuôi cho nước bắn lên tổ giữ cho tổ luôn luôn ẩm.

Tuỳ theo loài cá sấu và nhiệt độ mà trứng sẽ nở sau 65-75 ngày. Nhiệt độ 31-32 độ C trong tổ ấp là tốt nhất với tất cả các loài cá sấu. Trong quá trình ấp trong tổ, cá sấu mẹ thường kiểm tra tổ một cách cẩn thận và sẽ bới đất phủ lên trứng khi trứng sắp nở hoặc khi nghe thấy tiếng kêu của cá sấu con mới nở. Với tỷ lệ ấp nở là 75-85%, một con cá sấu cái mỗi năm trung bình cho 25-35 con. Trong suốt một đời, một con cá sấu cái có thể đẻ khoảng 1.500-1.700 trứng.

Cá sấu con nở ra thỉnh thoảng được cá sấu mẹ dẫn ra mé nước. Chúng sống với mẹ trong vài tuần, khi đã cứng cáp chúng tách khỏi mẹ.

Theo TT Khuyến Nông quốc gia


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng