N-Cách ấp trứng gà bằng bóng đèn điện. Hướng dẫn tự ấp trứng gà tại nhà

2023-04-19 14:50:31

Quá trình ấp trứng đòi hỏi bạn phải chuẩn bị kế hoạch kỹ càng, dụng công quan sát, ghi chép cẩn thận, và tận tình chăm sóc để những quả trứng bé bé xinh xinh nở ra thành những chú gà con. Bạn có thể theo dõi quá trình ấp trứng tự nhiên của gà mẹ, hoặc cũng có thể chủ động tự ấp trứng bằng bóng đèn bằng cách đọc kỹ những hướng dẫn dưới đây.

Cách ấp trứng gà bằng bóng đèn
1. Chọn trứng gà

•    Chọn trứng trong đàn gà nhà bạn nuôi hoặc mua trứng giống từ trang trại nuôi gia cầm. Những trứng gà này phải là trứng đã được thụ tinh.
•    Nên lấy trứng từ những con gà mái được chăm sóc tốt, khỏe mạnh và đã đẻ được vài lứa
•    Loại bỏ trứng quá lớn hoặc quá nhỏ, hoặc có hình dạng khác thường.
•    Loại bỏ trứng có vỏ mỏng hoặc bị nứt. Những quả trứng như vậy khó có thể cung cấp độ ẩm cần thiết cho quá trình phát triển bình thường của gà con. Vỏ trứng mỏng hoặc bị nứt cũng dễ khiến cho vi khuẩn hoặc mầm bệnh xâm nhập vào trong.
2. Tự làm lồng ấp trứng bằng bóng đèn
Cắt một lỗ nhỏ ở đầu chiếc thùng xốp. Lỗ này dùng để gắn một đui đèn và một bóng đèn sợi đốt 25-40W. Dán băng dính xung quanh lỗ và đui đèn ở cả bên trong và bên ngoài thùng xốp.
Dùng lưới thép chia thùng xốp thành 2 phần, 1 bên để bỏ trứng và 1 bên là phần có bóng đèn mà bạn vừa lắp đặt. Bước này giúp bảo vệ gà con không bị bóng đèn làm bỏng.
Lắp thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm: Đặt thiết bị đo ở phần thùng xốp mà bạn sẽ để trứng. Nên chọn mua thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm có độ chính xác cao để có thể đảm bảo theo dõi được nhiệt độ và độ ẩm của lồng ấp trong quá trình ấp trứng.
Đặt vào lồng ấp 1 chén nước để cung cấp độ ẩm cho lồng ấp.
Làm một cửa quan sát bằng kính phía trên nắp thùng xốp: cắt một lỗ hình chữ chật trên nắp thùng xốp, đặt 1 tấm kính kích thước lớn hơn lỗ đã cắt lên phía trên nắp thùng và dán keo cố định.

Đặt lồng ấp ở chỗ có nhiệt độ tương đối ổn định, tránh những nơi gió lùa và ánh nắng trực tiếp. Cắm điện vào một nguồn điện ổn định, đảm bảo dây cắm sẽ không dễ bị rơi ra khỏi ổ cắm. Nếu trong quá trình ấp mà bóng đèn bị tắt quá lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ấp thành công đấy nhé. Lưu ý đặt lồng ấp xa tầm tay trẻ em và thú nuôi như chó, mèo.

3. Chạy thử lồng ấp.
•    Bật đèn và đo nhiệt độ, độ ẩm trong vài ngày. Điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm đến khi đạt mức tối ưu. Trong quá trình ấp trứng, nhiệt độ cần được giữ ở mức 37,5 °C, độ ẩm thay đổi: khoảng từ 40- 50% trong 18 ngày đầu và 65- 75% trong bốn ngày còn lại.
•    Để giảm nhiệt độ, bạn chọc thủng một vài lỗ ở cạnh thùng xốp. Nếu sau đó nhiệt độ xuống thấp quá, bạn có thể dùng băng dính dán một vài lỗ lại.
•    Để điều chỉnh độ ẩm, bạn cho vào chén nước 1 miếng bọt biển. Dùng bọt biển hút bớt nước để giảm độ ẩm xuống và vắt thêm nước từ bọt biển ra để độ ẩm tăng lên.
•    Khi các thông số đã ổn định, đưa trứng vào lồng áp và bắt đầu quá trình ấp trứng.
4. Tiến hành ấp trứng
Xếp trứng vào lồng ấp. Để trứng nằm nghiêng, đầu to hơn của quả trứng nằm cao hơn đầu nhỏ một chút.
Ghi chép ngày bắt đầu ấp và theo dõi các thông số nhiệt độ, độ ẩm.
Trong vòng 18 ngày đầu, bạn phải đảo trứng 3 lần một ngày. Đánh dấu X trên một đầu của trứng để có thể dễ dàng biết được những quả nào đã được lật. Bốn ngày cuối dừng việc đảo trứng lại để gà con tự định vị cho quá trình nở của chúng.

Soi trứng sau tuần ấp đầu tiên. Soi trứng giúp bạn phát hiện trứng không có phôi và trứng kém chất lượng. Khi soi, bạn giơ quả trứng trước một nguồn sáng trong phòng tối để nhìn rõ lòng trứng. Phôi còn sống sẽ xuất hiện dưới dạng một đốm đen với các mạch máu tỏa ra ngoài. Phôi đã chết sẽ có dạng một vòng máu hoặc vệt máu bên trong vỏ. Trứng không được thụ tinh sẽ trong suốt và không thấy phôi bên trong.
Vào ngày thứ 21, gà con sẽ bắt đầu đục vỏ để chui ra ngoài. Từ thời điểm này cần quan sát trứng cẩn thận. Thời gian từ lúc gà con đục bể vỏ trứng đến lúc ra khỏi trứng có thể lên tới 12 giờ.
Nếu sau 12 giờ mà một vài con vẫn chưa nở xong thì hãy bóc vỏ để chúng ra khỏi trứng.

Theo sotaynongnghiep.com


Xem thêm



N-Nuôi gà mùa Đông cần lưu ý gì?

Nhiệt độ xuống thấp kèm hanh khô, thời tiết lại thay đổi thất thường mỗi khi có các đợt gió mùa đông bắc tràn về đây là điều kiện thuận lợi...


N-Lưu ý khi tái đàn vật nuôi

Ðể hạn chế những rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế khi nhập đàn, tái đàn gia súc, gia cầm, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật.


N-Chăm sóc gia cầm sau mưa lũ

Sau mưa lũ, nguồn thức ăn cho gia cầm khan hiếm. Đồng thời, môi trường cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, đây được xem là thời điểm dễ phát sinh dịch








Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng