CS-Trồng cây chuối đỏ độc lạ cho năng suất cao

2020-09-27 22:05:36

Chuối là loại quả rất giàu dinh dưỡng, được rất nhiều người ưa thích. Thường những giống chuối truyền thống như chuối tiêu, chuối tiêu hồng, chuối ngự,... được nhiều người chọn làm món tráng miệng. Hiện nay có giống chuối đỏ đang được rất nhiều người săn đón bởi giá trị của nó cao hơn rất nhiều so với các giống chuối khác. 

1. Đặc điểm cây chuối đỏ
- Cây chuối đỏ (còn gọi là chuối Dacca). Đây là giống chuối đặc biệt có nguồn gốc từ Australia. 

Đặc điểm cây chuối đỏ

- Giống chuối này có lớp vỏ màu đỏ đậm hoặc hơi tím, thịt chuối có màu trắng kem hoặc màu hồng, chuối đỏ có hương vị ngọt dịu, vị không hắc so với các loại chuối thông thường khác khi chín.

2. Kỹ thuật trồng cây chuối đỏ
2.1. Tiêu chuẩn chọn giống cây chuối đỏ
- Cây chuối đỏ hiện nay được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và gieo bằng hạt. Tuy nhiên phương pháp nuôi cấy mô được rất nhiều người quan tâm hơn bởi phương pháp này có ưu điểm là cây sạch bệnh, có sức sinh trưởng mạnh, cây ít bị nhiễm bệnh do không bị các vết thương cơ giới khi đánh cây con mà đây là một trong những nguyên nhân lây nhiễm bệnh. Chuối cho thu hoạch tập trung, năng suất cao hơn từ 10-20 % so với trồng bằng chồi, quả đồng đều, ít các vết bệnh.

Chọn giống chuối đỏ cho năng suất

2.2. Thời vụ trồng cây chuối đỏ
- Cây chuối đỏ thích hợp trồng ở vùng nhiệt đới, cây có thể trồng quanh năm nhưng thích hợp nhất vẫn là trồng vào tháng 2-3 vụ Xuân, tháng 7-8 vụ Hè Thu.

2.3. Chuẩn bị đất trồng và khoảng cách trồng cây chuối đỏ
- Khoảng cách trồng giữa các hàng thường vào khoảng 2,0 – 2,5m và khoảng cách trung bình giữa các cây sẽ là 2m.

- Muốn cho chuối đạt năng suất cao thì đất trồng chuối tốt nhất là đất tơi xốp nhiều mùn, nhất là đất phù sa, bùn ao phơi ải, nơi ko bị ngập úng và dễ tiêu nước, vườn chuối trồng phải quang đãng đủ ánh sáng cho cây quang hợp, độ PH thích hợp cho chuối là từ 5 – 7.

- Làm đất: Đất trồng cần làm kỹ, sạch cỏ dại, lên luống rộng 3 – 3,5m, cao 30 - 40cm, đào hố trồng giữa luống.

- Đào hố: kích thước hố vuông từ 40 – 45 cm, sâu từ 30 – 35cm, nơi nào đất xấu thì đào hố có kích thước lớn hơn. Đào lỗ sau 7 – 10 ngày cho hả (tháo hết các khí độc hại), nếu như lớp đất màu nông thì phải để lớp đất này riêng rồi mang ½ lượng đất trộn với lượng phân rác và tro có tỷ lệ 4/1 cho vào gần đầy hố.

2.4. Bón phân bón lót cho cây chuối đỏ
- Nên sử dụng phân chuồng hoai mục để bón cho cây, lượng bón trung bình cho 1 hố trồng là 5-20 kg phân chuồng, 0,2 kg super lân, 0,1 kg kali, urê 0,1 kg, vôi bột 0,1 kg (nếu đất chua).

- Trộn đều phân với lớp đất mặt rồi lấp hố lại sao cho mặt hố sâu hơn mặt đất 10-15 cm.

2.5. Kỹ thuật trồng cây chuối đỏ
- Tiến hành trồng cây vào chiều mát, cho cây vào hố trồng sao cho ngang phần cổ rễ. Lấp đất lại để cố định cây, sau đó tưới nước ngay để cây nhanh hồi phục. Sau khi trồng có thể dùng rác ủ để giữ ẩm cho cây mau bén rễ.

3. Kỹ thuật chăm sóc cây chuối đỏ cho năng suất cao
3.1. Kỹ thuật tưới nước cho cây chuối đỏ
- Trong khi trồng cây giống cần đảm bảo nguồn nước đầy đủ cho cây. Mỗi ngày nên tưới hai lần (sáng và tối) khi cây còn non. Đến khi cây trưởng thành thì 2 lần/tuần.

- Vào mùa mưa ( tháng 5 – 11 dương lịch) cần thoát nước tốt cho vườn chuối, nhất là tháng 8 -10 dương lịch mưa nhiều dễ gây ngập úng. Ngoài ra cũng cần cung cấp phân bón thường xuyên cho cây.
3.2. Kỹ thuật tỉa mầm, định chồi và vệ sinh đồng ruộng
- Cắt tỉa mầm, định chồi: Cây chuối đẻ khỏe nên cần phải tỉa bớt chồi chỉ để lại 1 chồi con để thay thế và khống chế mật độ vườn cây, điều tiết sự sinh trưởng của cây mẹ và cây con. Việc tỉa chồi phải làm thường xuyên bằng cách đào bỏ các chồi ở vị trí cao nhất.

Chăm sóc cây chuối đỏ cho năng suất cao

- Vệ sinh đồng ruộng: Đồng thời với tỉa chồi, định mầm cần tiến hành vệ sinh như cắt bỏ lá khô, lá bệnh, cắt bỏ hoa đực, bao buồng bằng túi PE đục lỗ hoặc giấy chịu ẩm, phòng trừ cỏ dại, khơi rãnh tiêu nước cho vườn.

- Phủ gốc bằng cỏ, rác, cây phân xanh... để hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.

3.3. Kỹ thuật bón phân cho cây chuối đỏ
- Cây chuối đỏ cần nhu cầu dinh dưỡng khá cao, đặc biệt phân kali, đạm là yếu tố ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến thời gian sinh trưởng, năng suất quả mà còn quyết định cả đến phẩm chất, khả năng vận chuyển, cất giữ quả.

- Thời gian và cách bón có thể chia làm các đợt sau:

+ Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 2 tháng, bón 1/4 đạm, 1/2 kali, bón nông, xới nhẹ trên mặt kết hợp ủ gốc cho cây.

+ Bón thúc lần 2: Bón nuôi quả với 1/4 đạm, 1/4 lân và 1/4 kali.

+ Sau thu hoạch cần bổ sung thêm lượng phân bón cần thiết cho cây đạt năng suất vụ sau
- Các loại phân sau khi bón cần phải vùi lấp tránh mất mát do quá trình oxy hóa. Phân hữu cơ có thể bón theo rãnh, bón lót.

- Có thể chia lượng phân thành ít đợt hơn, song cần chú ý đến giai đoạn sau thu hoạch, phân hóa hoa và nuôi quả.

- Ngoài ra, còn bổ sung cho cây các loại phân vi lượng bằng cách bón trực tiếp vào đất hoặc phun lên lá cùng với thuốc bảo vệ thực vật.

4. Sâu bệnh hại cây chuối đỏ và biện pháp phòng trừ
- Sâu đục củ: ấu trùng loài này có màu trắng, chúng đục thành những đường bên trong củ, chất bài tiết có màu vàng nâu, mịn, làm thối củ, cây bị hại có sức tăng trưởng kém, buồng nhỏ, trái lép không phát triển được. Phòng trị bằng cách vệ sinh vườn chuối thường xuyên, sử dụng Furadan hay Basudin rải trên cổ gốc chuối hoặc dùng bả mồi là những khúc thân chuối đã bổ đôi úp quanh gốc để bắt thành trùng.

- Sâu cuốn lá: Sâu non có màu trắng đầy phấn. Chúng cắn lá chuối cuộn lại làm nhộng bên trong. Gây hại tập trung vào đầu và cuối mùa mưa. Biện pháp thông thường và phổ biến là ngắt bỏ các lá bị cuốn và giết sâu.

- Tuyến trùng: xâm nhiễm mạnh vào rễ làm vỡ vách tế bào, ngăn cản rễ hút dinh dưỡng. Cây bị hại sinh trưởng kém, quày nhỏ, trái lép, phần rễ sẽ có các vết u, thối đen. Phòng trị bằng cách tiến hành loại bỏ cây bệnh ra khỏi vườn, rải Basudin hay Furadan 20-30 kg/ha. Phải khử đất và xử lý con giống trước khi trồng.

5. Thu hoạch chuối đỏ
- Do thời gian cây chuối đỏ nảy mầm lâu và chăm sóc khá tốn công nên thời gian thu hoạch của chuối cũng muộn hơn những loại giống chuối khác. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 12-16 tháng. Khi buồng chuối chín sẽ có một màu đỏ khá đẹp mắt. Trung bình mỗi buồng chuối sẽ cho 10 nải.

- Nên thu hái vào lúc trời mát không mưa. Nhẹ nhàng cắt hạ chuối chuối đem rửa sạch rồi để nơi râm mát.

Theo camnangcaytrong.com

Ý kiến bạn đọc ()
Ánh
28/09/2020 21:35

Xin hỏi Nam Định trồng đc không và mua giống ở đâu

Trả lời


Xem thêm






SB-Bệnh Đốm Lá Trên Cây Măng Cụt

Trên lá, vết bệnh bắt đầu là những đốm màu nâu nhỏ, chúng lan dần ra tạo nên những đốm lớn hơn. Đốm bệnh ban đầu thường có màu vàng cam sau lan nhanh







Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng