Thông tin người hỏi:

Họ và tên: Trọng Lương
Email:

Câu hỏi:

Năm ngoái mình có ươm vườn tiêu, khi gần đến ngày mang ra trồng thì phát hiện lá tiêu bị đen quanh viền rồi đen dần vào đọt và rụng, nhưng trước khi phát bệnh đọt tiêu vẫn hồng đỏ. Mình đem ra trồng được 4 tháng nhưng vẫn còn bệnh, tiêu lên được khoảng 0.3m thì lại bị đen và rụng đọt rồi lên mầm mới. Cho mình hỏi tiêu mình bị bệnh gì và điều trị như thế nào?

Trả lời:

Chào anh Lương!

1. Như anh nói gần đến ngày mang đi trồng (chưa trồng) thì cây giống trong vườn đã có biểu hiện bị bệnh, thậm chí còn rụng đọt tiêu, như vậy chứng tỏ vườn giống đã bị nhiễm bệnh, đúng ra anh không nên đưa cây con giống ra trồng ngoài vườn sản xuất, vì rất khó phòng trị, mà phải tiến hành phòng trị cho cây giống sạch bệnh trước khi xuất vườn.

2. Khi đưa cây giống ra trồng thì anh đã tuyển chọn những cây còn khỏe để đưa ra trồng cố định; Tuy nhiên, theo như anh đã mô tả thì chắc chắn những cây này cũng đã bị nhiễm bệnh nhưng chưa xuất hiện triệu chứng cụ thể, sau đó dần dần các triệu chứng sẽ xuất hiện và gây hại.

3. Qua các triệu chứng được mô tả, chúng tôi dự đoán đây là một loại bệnh thường xuất hiện và gây hại rất nhiều vườn tiêu ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây tiêu có tên gọi là Bệnh chết chậm.

4. Một số cần chú ý khi chăm sóc cây con trong vườn ươm

- Che chắn kỹ cho vườn lúc mới ươm và điều chỉnh ánh sáng kịp thời.
- Tưới nước giữ ẩm nhưng tuyệt đối tránh đọng nước trong bầu.
- Nhổ cỏ, phá váng, tưới thúc phân.
- Phòng trừ bệnh:
+ Không tưới quá ẩm, ngừng tưới thúc khi cây bị bệnh.
+ Chuyển các bầu cây bị bệnh ra khỏi vườn ươm, nhổ bỏ cây bệnh và đốt.
+ Phun 1 trong các loại thuốc sau: Ridomil MZ, VibenC 50BTN, Alliette với nồng độ 0,1%, 2-3 lần, 10-15 ngày/lần.

5. Bệnh chết chậm cây hồ tiêu

- Nguyên nhân: Do tuyến trùng Meloidogyne incognita phối hợp với các loài nấm như Fusarium solani, Rhizoctonia solani gây ra.
- Triệu chứng: Cây sinh trưởng kém, lá vàng và rụng dần, rễ có những nốt sưng; khi kết hợp với nấm Rhizoctonia solan gây hại trên lá thì sinh ra bệnh khô vằn như anh Lương đã mô tả. Nếu bệnh nặng thì dây tiêu bị tháo đốt, rễ thối đen và cây chết.
- Phòng bệnh:
+ Không làm vườn ươm trên nền đất trước đó có nguồn bệnh.
+ Không trồng tái canh cây tiêu hoặc trên các vườn cà phê bị bệnh do tuyến trùng. Trước khi trồng xử lý hố bằng một trong các loại thuốc như Nokaph 10GR, Saburan 10GR, Marshal 5G (50g/gốc), Oncol 20EC (0,3%, 2lít dung dịch/gốc)...
+ Bón phân cân đối và thường xuyên bổ sung phân hữu cơ cho cây.
+ Trồng xen tiêu với cúc vạn thọ, muồng hoa vàng…
- Trị bệnh: Đào, đốt các cây bị bệnh nặng, xử lý các cây vừa chớm bệnh và các cây xung quanh vùng bệnh bằng một trong các loại thuốc như: Tervigo 020SC, Ridomil Gold 68WG, Agri-fos 400 Vimoca 20 ND, Starap 100GR, Marshal 200 SC, Oncol 20 EC (0,3%, 2 lít dung dịch/trụ); Nokaph, Marshal 5 G, Oncol 5 G (30-50g/trụ). Nên kết hợp với một trong các loại thuốc trừ nấm như:  Viben C 50 BTN,  Carbenzim 500FL, Bendazol 50 WP (0,3%, 2 lít dung dịch/trụ)... Những vườn đã bị nặng cần nhổ bỏ và luân canh với cây trồng khác trước khi trồng lại tiêu.

Chúc anh chăm sóc vườn tiêu thành công!