Công nghệ nông nghiệp sẽ hỗ trợ tăng trưởng công nghệ cao của Việt Nam

2021-06-10 17:10:09

Năm 2021, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều. Ảnh: Hải Nguyễn

Bài viết trên trang Vietnam Briefing ngày 1.6 chỉ ra, nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, và công nghệ nông nghiệp sẽ hỗ trợ tăng trưởng công nghệ cao của Việt Nam.
Nông nghiệp công nghệ cao

Năm 2020, các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp đóng góp 14,9% GDP của Việt Nam, thấp hơn 41,6% của ngành dịch vụ và 33,7% của khu vực công nghiệp. Mặc dù nông nghiệp đã tăng gấp đôi về giá trị trong thập kỷ qua, nhưng tỉ trọng nông nghiệp trong GDP đã giảm trung bình hằng năm 0,3%. Chính phủ Việt Nam từ năm 2018 đã tuyên bố, điều quan trọng là phải phát triển chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Bài viết cho hay, công nghệ nông nghiệp là việc sử dụng công nghệ trong nông nghiệp với mục đích nâng cao năng suất, hiệu quả và lợi nhuận, và đã được áp dụng trong nhiều năm qua ở các nền kinh tế phát triển hơn như Hà Lan, Australia hay Israel. Theo bài viết, chính phủ Việt Nam coi công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ cơ giới hóa và công nghệ thông tin là nền tảng để thực hiện các hoạt động nông nghiệp bền vững, tăng năng suất, do đó công nghệ nông nghiệp có thể là một lợi ích lớn cho nền kinh tế xanh của Việt Nam.
Việt Nam có 12 vùng được chứng nhận nông nghiệp công nghệ cao. Ba khu vực nổi bật nhất là tỉnh Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với các ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra gói tài chính 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Các công ty nông nghiệp nước ngoài cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lĩnh vực công nghệ nông nghiệp tại Việt Nam. Bayer Global (Đức), Charoen Pokphand (Thái Lan) đang trở thành nhà đầu tư chiến lược vào các công ty nông nghiệp địa phương. Charoen Pokphand (C.P.), một tập đoàn của Thái Lan, đã nghiên cứu về dữ liệu chính xác và áp dụng tự động hóa trong canh tác.
Động lực thị trường cho ngành công nghệ nông nghiệp của Việt Nam
Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi trở lại nhịp độ bình thường sau năm đại dịch 2020. Theo bài viết, một số động lực thị trường cho ngành công nghệ nông nghiệp của Việt Nam có thể kể đến là năng suất lao động và phát triển nông nghiệp bền vững. Năng suất lao động của Việt Nam nằm trong nhóm thấp của khu vực, dẫn đến nhu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ nông nghiệp để bù đắp tổn thất sản lượng từ cây trồng và vật nuôi. Phát triển các hệ thống bền vững hơn và công nghệ mới không độc hại và thân thiện với môi trường là giải pháp vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng có xu hướng hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã ký một số Biên bản ghi nhớ với các nước phát triển như Nhật Bản, Ireland, Hà Lan và Australia để học hỏi kinh nghiệm từ các hệ thống nông nghiệp dựa trên công nghệ cao.
Về khu vực kinh tế tư nhân, một số doanh nghiệp trong nước đã hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài dưới hình thức chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, đầu tư, đào tạo và phát triển sản phẩm lẫn nhau. Một số cơ hội hứa hẹn nhất bao gồm Internet vạn vật, canh tác thông minh, máy móc và phần mềm, di truyền và chăn nuôi và quản lý dịch hại. Chi phí thấp, đơn giản và hiệu quả sẽ giúp các công ty thành công trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp tại Việt Nam.
Bài viết nhấn mạnh, có một số công ty khởi nghiệp địa phương trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp đã và đang áp dụng một số yếu tố của nông nghiệp 4.0 là các ứng dụng và thiết bị thông minh. Ví dụ, MimosaTEK, một trong những công ty công nghệ nông nghiệp khởi nghiệp thành công nhất, đã cung cấp các dịch vụ quản lý dựa trên Internet vạn vật để xây dựng nền tảng thông tin nhằm cải thiện sinh kế của nông dân bằng cách chuyển đổi các hoạt động canh tác dựa trên kinh nghiệm thành các hoạt động dựa trên thông tin.
Theo bài viết trên trang Vietnam Briefing, vì công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi ngành nông nghiệp của Việt Nam, chính phủ đã thúc đẩy các chiến lược nhằm đưa ngành công nghệ sinh học của Việt Nam trở thành một trong những ngành công nghiệp hàng đầu trong khu vực. Việt Nam đã có một số tiến bộ về công nghệ gene trong việc chọn tạo các loài cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh tốt. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này hợp tác với các đối tác Việt Nam.
KHÁNH MINH

Theo laodong.vn, ngày 07/06/2021


Xem thêm