Công nghệ giúp 4 người nuôi 10.000 con lợn nhàn tênh

2023-03-02 14:43:05

Hệ thống chuồng trại nuôi lợn tích hợp công cụ thông minh theo dõi sức khỏe vật nuôi, giảm chi phí nhân công tới 80% đang khá phổ biến ở Trung Quốc.

Hệ thống chuồng trại nuôi lợn tích hợp công cụ thông minh theo dõi sức khỏe vật nuôi, giảm chi phí nhân công tới 80% đang khá phổ biến ở Trung Quốc.

Chuồng lợn lâu nay vẫn được ví cho sự bừa bộn và có mùi hôi khó chịu. Nhưng giờ đây, hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Chăn nuôi Huateng Chiết Giang đã đảo ngược hoàn toàn nhờ được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại. Mô hình kiểu này đã tạo ra một ví dụ điển hình về các trang trại nuôi lợn thương mại trong tương lai ở Trung Quốc.

Với sự trợ giúp của thẻ tai thông minh và robot tuần tra hỗ trợ 5G, trang trại của Huateng chỉ cần 4 người để chăm sóc từ A đến Z cho 10.000 con lợn, giảm tối đa nỗ lực của khoảng 12 người trong các trang trại lợn thương mại truyền thống. Yao Xuefei, người giám sát lĩnh vực số hóa của công ty cho biết, các robot tiêm chủng cũng sẽ sớm được đưa vào sử dụng sau khi thử nghiệm.

Thẻ tai có thể ghi lại dữ liệu theo thời gian thực về từng con lợn, bao gồm cả nhiệt độ và từng bước đi của lợn. "Thông thường phải cần từ 3-4 người để đo nhiệt độ chính xác của đàn lợn trưởng thành nhưng giờ đây không còn là vấn đề nữa vì hệ thống có thể tự động thông báo cho chúng tôi nếu nhiệt độ của lợn quá cao", ông Yao nói, đồng thời cho biết việc ứng dụng công nghệ đã giúp công ty giảm 80% chi phí nhân công. Và quan trọng hơn, nó đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.

Tại trung tâm điều hành của trang trại, Yao Kan, một thành viên của nhóm quản lý đang theo dõi chặt chẽ các biểu đồ dữ liệu theo thời gian thực của từng con lợn cũng như hình ảnh trực tiếp của các chuồng lợn được hiển thị trên màn hình.

Ở Huateng, lợn được cho ăn tự động và hệ thống điều khiển có thể theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm của các chuồng lợn khép kín. Hệ thống cũng có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần của lợn bằng cách phát ra nhiều loại nhạc cho chúng nghe trong các chu kỳ tăng trưởng khác nhau.

"Lợn giống thường được nghe giai điệu valse của dàn nhạc Voices of Spring, trong khi lợn nái sắp sinh thì nghe Romeo và Juliet của Tchaikovsky để chúng luôn có tâm trạng vui vẻ. Âm nhạc không được chọn ngẫu nhiên nhưng đã được khoa học chứng minh là tốt để giữ cho lợn hạnh phúc", ông  Yao Xuefei nói.

Trong khi đó, chất thải của lợn được thu gom tự động bằng hệ thống các đường ống được lắp đặt bên dưới nền chuồng và vận chuyển đến một đơn vị xử lý, nơi chất thải sau đó sẽ được chuyển hóa thành phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Hiện tại, công ty đang thí điểm sử dụng robot tiêm chủng với hệ thống tiêm không cần kim, đây là cách làm tiên phong ở Trung Quốc. Theo đó, robot có thể hoàn thành quy trình tiêm phòng trong vòng 9 giây khi lợn uống nước và thể hiện thông số qua thẻ tai. Tình trạng tiêm phòng sau đó sẽ được đồng bộ hóa với các dữ liệu khác của lợn.

"Mỗi con lợn cần phải tiêm phòng khoảng 10 lần nên thường tốn rất nhiều công sức. Sau khi đưa vào sử dụng, robot tiêm phòng có thể cắt giảm ít nhất 30% nhu cầu về bác sĩ thú y. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, việc thay thế lao động bằng công nghệ và robot có thể ngăn lợn bị bệnh khi tiếp xúc với người và giảm tỷ lệ tử vong", ông Yao Xuefei nói.

Theo thống kê, tỷ lệ chết của khoảng 20% ​​số lợn nuôi tại các trang trại của Trung Quốc là không tự nhiên. Đặc biệt sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi rất dễ lây lan thậm chí đã nâng tỷ lệ tử vong bất thường lên khoảng 30%. Riêng ở Huateng, tỷ lệ lợn chết bất thường vẫn được giữ ở mức dưới 15%.

Ông Yao Xuefei cho biết, để một con lợn tăng trưởng 1 kg, nó phải tiêu thụ khoảng 3 kg thức ăn, chủ yếu là các loại ngũ cốc. Vì vậy, việc ngăn ngừa tỷ lệ chết bất thường của lợn có thể tiết kiệm được số ngũ cốc nặng gấp ba lần trọng lượng của con vật. “Bằng cách áp dụng công nghệ mới trong các trang trại chăn nuôi để giữ cho đàn lợn khỏe mạnh, Trung Quốc có thể cắt giảm lượng ngũ cốc nhập khẩu hàng năm, điều này có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu”, ông Yao nói thêm.

Ngoài cơ sở này Huateng còn có 7 trang trại lợn thông minh khác ở tỉnh Chiết Giang. Doanh thu của công ty từ việc bán thịt lợn đã vượt 150 triệu nhân dân tệ (21,5 triệu USD) trong năm ngoái.

Tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, một trang trại lợn thông minh khác cũng đã được đưa vào sử dụng vào tháng 10 năm ngoái với công suất nuôi và giết mổ 100.000 con lợn mỗi năm. Theo công ty mẹ là Vũ Hán Muyuan, họ đã đầu tư 150 triệu nhân dân tệ vào trang trại này.

Luo Chunyang, người đứng đầu công ty, cho biết việc sử dụng công nghệ đã cho phép một nhân viên có thể chăm sóc từ 2.400 đến 3.000 con lợn. Ngoài ra, hệ thống cho ăn tự động có thể phối trộn các loại thức ăn khác nhau cho heo ở các vòng đời khác nhau.

"Các công nghệ bao gồm mạng 5G, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đã làm cho trang trại lợn trở nên rất thông minh, có thể kiểm soát môi trường chuồng nuôi, tự động cho lợn ăn và cảnh báo các hành vi bất thường của đàn lợn", ông Luo cho hay.

Zhou Kehua, chủ điều hành trang trại cho biết, robot tuần tra còn biết phân tích âm thanh mà lợn tạo ra, có thể xác định xem lợn có bị ho hay không. Hơn nữa, nó có thể cảnh báo nhân viên kiểm tra một số bệnh dựa trên từng kiểu ho.

Bên cạnh việc xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn thông minh, hiện Trung Quốc còn xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn trong các tòa nhà cao tầng kiểu chung cư để giải quyết vấn đề thiếu đất và ổn định nguồn cung lợn. Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Trung Quốc dự kiến sản xuất khoảng 55 triệu tấn thịt lợn vào năm 2025 và giá trị sản lượng của ngành chăn nuôi lợn của nước này ​​sẽ đạt 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ. Trung Quốc là quốc gia có đàn lợn lớn nhất thế giới và chiếm hơn một nửa tổng đàn lợn toàn cầu. Theo Cục Thống kê Quốc gia, Trung Quốc đã giết mổ 670 triệu con lợn vào năm 2021.

Theo feedin.me


Xem thêm