Về đâu chăn nuôi hữu cơ?

2020-02-06 15:53:49

Chăn nuôi hữu cơ đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Song để phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ, sẽ cần phải có rất nhiều chính sách lớn, toàn diện, đặc biệt là việc bảo vệ môi trường để phục vụ cho nền nông nghiệp hữu cơ.
Hoàn thiện các tiêu chuẩn

Khó khăn nhất trong chăn nuôi hữu cơ chính là việc hoàn thiện các tiêu chuẩn và thực hiện các tiêu chuẩn đó, cũng như kiểm định, hậu kiểm. Vì chăn nuôi hữu cơ gần gũi với những truyền thống tập quán lâu đời và hạn chế sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại, bởi vậy, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hữu cơ trở nên khắt khe hơn tất cả các sản phẩm khác.
Một doanh nghiệp Việt Nam cho phóng viên biết: “Khi chúng tôi xin cấp chứng nhận xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng bình thường chỉ mất chừng nửa năm là hoàn tất thủ tục vào thị trường Mỹ, nhưng khi xin chứng nhận xuất khẩu sản phẩm hữu cơ vào Mỹ thì đã nộp hồ sơ 3 năm và qua rất nhiều lần kiểm định mà vẫn chưa vào được thị trường Mỹ!”.
Tiêu chuẩn hữu cơ cho nông nghiệp được các quốc gia chứng nhận, ngoài ra còn được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận hữu cơ ở quy mô quốc tế. Tại Việt Nam, PGS Vietnam là tổ chức tại Việt Nam cung cấp chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ như: rau hữu cơ và thịt hữu cơ.

Chăn nuôi hữu cơ cần nhiều chính sách để phát triển   Minh họa: Nguyễn Hùng

Tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam cơ bản bao gồm: Nguồn nước sử dụng trong canh tác phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm (theo quy định trong tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn của TCVN 5942: 1995). Khu vực sản xuất hữu cơ phải được cách ly tốt khỏi các nguồn ô nhiễm. Các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hay chất tổng hợp kích thích sinh trưởng đều bị cấm sử dụng, chỉ được phép sử dụng các đầu vào nông dân đã có đăng ký với PGS và được PGS chấp thuận. Không được sử dụng các túi và vật đựng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ để vận chuyển và cất giữ sản phẩm hữu cơ. Cấm đốt cành cây và rơm rạ, ngoại trừ phương pháp du canh truyền thống. Cấm sử dụng tất cả vật tư đầu vào có chứa sản phẩm biến đổi gen GMOs…
Có thể nói hệ thống tiêu chuẩn về nuôi trồng hữu cơ tại Việt Nam đã tương ứng với các tiêu chuẩn quốc tế, song từ đó cũng đặt ra những thách thức cho người chăn nuôi, đặc biệt là khi vẫn còn số lượng lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đó là làm sao có thể đáp ứng được yêu cầu của chăn nuôi hữu cơ? Chẳng hạn tiêu chuẩn cách ly khu vực chăn nuôi khỏi các nguồn ô nhiễm, hay không sử dụng vật tư đầu vào là các sản phẩm biến đổi gen? Ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp và sử dụng sản phẩm biến đổi gen trong sản xuất TĂCN vẫn rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Phát triển chăn nuôi hữu cơ đồng nghĩa với việc tái cơ cấu từ ngành trồng trọt đến ngành chăn nuôi theo hướng hữu cơ.
 
Kỳ vọng của Chính phủ
Việt Nam đã có 50 doanh nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ủy ban Hữu cơ Quốc gia (USDA) với nhiều sản phẩm như: Trà, hạt điều, dừa, artiso... 18 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA - NOP (Chương trình sản phẩm sạch của Bộ Nông nghiệp Mỹ) và 12 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn EC 834/2007 (Tiêu chuẩn của EU về sản xuất và dán nhãn hữu cơ). Điều đó cho thấy nỗ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang được thế giới công nhận.

Trong dự thảo Đề án “Phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 Việt Nam đứng trong top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ.
Thực tế, Việt Nam hiện có 40 tỉnh, thành có trồng trọt hữu cơ với gần 23.400 ha. Diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản… chiếm 97,5% diện tích trồng trọt hữu cơ; sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè.
Tuy vậy, trong lĩnh vực chăn nuôi thì sản phẩm chăn nuôi hữu cơ còn khiêm tốn hơn. Chăn nuôi heo hữu cơ có 12 tỉnh, thành có khoảng 64.200 con, sản lượng thịt hơi gần 6.000 tấn; chăn nuôi gà hữu cơ có ở 6 tỉnh với 273.000 con, sản lượng thịt hơi 922 tấn; chăn nuôi bò hữu cơ có 2 tỉnh là Nghệ An và Lâm Đồng được các tổ chức quốc tế công nhận với sản lượng 3.500 con.
Năm 2018, EU nhập khẩu trên 3 triệu tấn sản phẩm hữu cơ. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 39 về khối lượng xuất khẩu sang châu Âu với gần 13.000 tấn. Tuy vậy, tỷ trọng sản phẩm hữu cơ EU nhập khẩu với 24% là trái cây, các loại hạt và gia vị; 22% là ngũ cốc và 11% là bánh khô dầu… và sản phẩm chăn nuôi hữu cơ rất khó nhập khẩu vào châu Âu.
Theo dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030”, đến năm 2025, chăn nuôi có  5 - 10% sản phẩm hữu cơ (riêng đối với ong và sản phẩm từ ong khoảng 40 - 50% hữu cơ).
Đánh giá về lợi ích của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chuyên gia Olivier Catrau,  Bộ Nông nghiệp Pháp cho rằng, chi phí sản xuất 1 tấn thịt hữu cơ (heo, gà, bò) cao hơn từ 1,15 - 1,3 lần, nhưng lại cho doanh thu cao hơn từ 1,5 - 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống.
Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng thương hiệu và kiểm định chất lượng. Bởi để có giá bán cao hơn so với sản phẩm chăn nuôi truyền thống, nhà cung cấp phải chứng minh cho thị trường nguồn gốc, quy trình và chất lượng của sản phẩm hữu cơ. Các doanh nghiệp cũng chia sẻ rằng việc chăn nuôi hữu cơ sẽ buộc nhiều doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược đầu tư của mình. Mặc dù giá bán sản phẩm hữu cơ cao từ 10 - 40% so với sản phẩm thông thường, nhưng quá trình chuyển đổi sang chăn nuôi hữu cơ phải mất từ 10 - 15 năm!
 
Đất và tiền
Trao đổi với phóng viên, nhiều doanh nghiệp đã và đang phát triển nông nghiệp hữu cơ đều chung nhận xét: “Muốn phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, cần hai yếu tố then chốt là đất và tiền. Tuy nhiên, trong thực tế thì rất hiếm khi các cá nhân và tổ chức lại hội tụ được cả hai yếu tố này”. Lãnh đạo Tập đoàn Minh Phú, chia sẻ: “Chúng tôi muốn liên kết với người nông dân để nuôi tôm hữu cơ dưới các tán rừng, nhưng họ không có vốn đầu tư và ngân hàng lại rất khắt khe trong việc cho vay vốn”.
Nếu nền nông nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa có thể sử dụng diện tích tối thiểu để đạt năng suất tối đa thì nền nông nghiệp hữu cơ lại cần một diện tích, một không gian rất lớn. Chẳng hạn chăn nuôi bò, gà, cần phải có khoảng không gian để gia súc gia cầm sinh sống và hạn chế nuôi nhốt. Trong khi đó, với chính sách về ruộng đất hiện nay, rất hiếm có cá nhân hay tổ chức nào sở hữu được một diện tích đất đai rộng lớn. Do đó, việc tích tụ đất đai, hoặc huy động đất đai sẽ trở nên cần thiết cho ngành nông nghiệp hữu cơ. Một chuyên gia Thái Lan, khi tham quan các mô hình chăn nuôi tại Việt Nam cũng nhận xét với phóng viên: “Điểm khác biệt của Việt Nam và Thái Lan đó là giá đất đai nông nghiệp tại Việt Nam rất đắt đỏ, nhất là ở các vùng đồng bằng, ven biển. Vì vậy, rất khó để các trang trại có được những diện tích lớn để chăn nuôi hữu cơ”.
Mặt khác, ở những vùng có diện tích đất nông nghiệp lớn, như các tỉnh miền núi, các hộ gia đình có ruộng nương nhiều, thì vốn liếng lại không có nhiều để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Điều đó lý giải vì sao đa số các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam được công nhận đều đến từ các doanh nghiệp lớn mà không phải là các hộ gia đình, các trang trại nhỏ lẻ, vốn là đối tượng ưu tiên của ngành nông nghiệp hữu cơ trên thế giới.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, Việt Nam có khoảng 76.666 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 trong các nước ASEAN. Song, Việt Nam cũng phải cần một nguồn vốn không nhỏ nếu muốn khai thác số diện tích này một cách hiệu quả.   

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 -2030” và sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành. Đề án sẽ chú trọng đến giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ. 

Theo nguoichannuoi.vn