Ung thư: Hiểm họa của công nhân ngành cà phê

2020-04-21 11:07:24

Ung thư: Hiểm họa của công nhân ngành cà phê tại Gia Lai

Chỉ một thống kê của Công ty Cà phê 706 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) đã cho con số đáng giật mình: Trong vòng 10 năm trở lại đây, đơn vị này đã có 60 trên tổng số 700 công nhân và người lao động mắc bệnh ung thư, trong đó có 58 người đã chết. Ung thư đang trở thành một hiểm họa nhưng công tác bảo hộ lao động cũng như chính sách xã hội cho người lao động ngành cà phê còn nhiều bất cập.

“Sát thủ” thầm lặng

Trong số những công nhân mắc căn bệnh ung thư, gia cảnh ông Nguyễn Đăng Thuận (Đội 4) thuộc hàng bi đát nhất: Chồng bị ung thư gan thì vợ cũng cùng lúc mắc ung thư vú. Lẽ ra ông Thuận đã được nghỉ hưu song vì mắc nợ Công ty (sản phẩm cà phê nhận khoán) nên chưa thể giải quyết chế độ. Hơn 20 năm làm công nhân, tài sản đáng giá nhất là căn nhà cấp 4 và mảnh vườn giờ phải bán đi để lấy tiền chữa bệnh.

Đến thăm vợ chồng ông trong túp nhà dựng tạm để tá túc qua ngày, đồng nghiệp của ông không nén nổi xót xa. Thương gia cảnh ông lại chợt giật mình vì hàng bao nhiêu năm qua họ cũng như ông, đã lao động quên mình trong môi trường độc hại để bây giờ mang hậu quả.

Vào những tháng đầu mùa mưa, đi qua các vùng chuyên canh cà phê, người ta thường thấy hình ảnh quen thuộc: Những chiếc xe công nông ngất nghểu thùng phuy, xtec, ống tưới… xồng xộc tỏa về các lô cà phê để phun thuốc trừ sâu. Ai đi đường chỉ lướt qua cũng đã phải bịt chặt mũi trong khi người công nhân vẫn tỏ ra bình thản.

Suốt cả ngày với chiếc khẩu trang vải thông thường, bộ quần áo bảo hộ lao động mỏng manh, họ dầm mình trong làn thuốc sâu mù mịt để đến khi kết thúc công việc cả người đã ướt đầm.


Ảnh minh họa: Internet

Ấy là những năm gần đây, việc phun thuốc trừ sâu bệnh đã được tiến hành bằng máy. Trước đây, khi dùng bình bơm thủ công, mỗi héc ta cà phê kinh doanh, công nhân phải mất 2-3 ngày mới phun xong. Đặc biệt, thời gian đó còn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ cũ rất độc hại.

Theo quy trình, mỗi niên vụ, vườn cà phê phải được phun thuốc bảo vệ thực vật 2 lần. Tuy nhiên, trong thực tế không ít năm do nắng hạn kéo dài, sâu bệnh bùng phát, nhất là rệp sáp trắng, công nhân phải phun thuốc tới 3-4 lần. Đó là chưa kể sự độc hại của các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ các loại bệnh gỉ sắt, nấm hồng…

Khí hậu ngày càng biến đổi, sâu bệnh càng phát triển. Việc tái canh gần đây lại cho thấy, do chưa làm tốt khâu cải tạo đất, sâu bệnh càng phát triển khiến công nhân phải gia tăng các loại thuốc bảo vệ thực vật, trừ diệt tuyến trùng…

Công bằng mà nói, không phải các công ty cà phê không thấy sự nguy hiểm của những “sát thủ” thầm lặng này. Việc thực hiện chế độ bảo hộ lao động và cảnh báo cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, với bộ quần áo bảo hộ lao động, chiếc khẩu trang thông thường, liệu sẽ ngăn được bao nhiêu sự độc hại của thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất?

Đó là chưa nói trong thực tế do cơ chế “khoán trắng” đang thực hiện tại hầu hết các công ty, nông trường thì việc thực hiện quy trình an toàn lao động hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của công nhân.

Thế nhưng, đáng tiếc là cho đến tận hôm nay vẫn chưa có một nghiên cứu hay đơn giản chỉ là một thống kê của ngành cà phê về những căn bệnh gây nên bởi thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là ung thư đối với công nhân và người lao động ngoài Công ty Cà phê 706. Dù sao thì chỉ qua thống kê của đơn vị này cũng đủ gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Theo ông Lê Đình Hoàng-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cà phê 706, trong số 58 công nhân đã chết vì ung thư, phổ biến là các dạng ung thư gan, dạ dày, phổi, đại tràng… Tất nhiên, ung thư không chỉ do nguyên nhân duy nhất từ thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, song so sánh tỷ lệ người mắc căn bệnh này trong tương quan với các ngành nghề khác, có thể nói rằng đây là “sát thủ” thầm lặng.

Đừng để người lao động thiệt thòi

Không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề của thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, gần như 100% công việc của mỗi niên vụ cà phê, công nhân vẫn phải dùng sức người với các công cụ lao động thủ công. Nặng nhọc nhất trong các công đoạn là tưới nước, đào hố ép xanh, thu hái…

Tưới nước, khi đến lượt, công nhân phải tiến hành bất kể ngày hay đêm. Công việc kéo dài 3 đợt dưới cái nắng như đổ lửa hay trong đêm gió mùa tê tái. Cùng với việc đào hố ép xanh dùng sức người nặng nhọc, công nhân phải trèo lên cây chắn gió cao hàng chục mét để tỉa cành. Thực tế đã có người thiệt mạng hoặc mang thương tật vĩnh viễn bởi công việc nguy hiểm này.
 
Công đoạn chế biến cà phê, công nhân phải phơi đảo, xay xát, bốc vác trong môi trường đầy tiếng ồn, bụi bặm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe… Có thể nói, toàn bộ quy trình sản xuất của một niên vụ cà phê, không một công đoạn nào công nhân và người lao động không làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

Khảo sát của Công đoàn Công ty Cà phê 706 cho thấy: Trừ bộ phận lao động gián tiếp, người lao động hầu hết không ai đủ sức khỏe để làm việc đến tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành. Ở độ tuổi 45 đối với nữ, 50 đối với nam, qua giám định, khả năng lao động đều suy giảm 61-81% với các căn bệnh phổ biến như: thoái hóa cột sống, viêm xoang, rối loạn tiền đình… khiến họ phải xin về hưu trước tuổi.

Theo ông Hoàng, đây là minh chứng rất rõ ràng về tính chất lao động nặng nhọc, độc hại đối với người lao động ngành cà phê. Thế nhưng, điều bất hợp lý là cho đến nay, ngoài phụ cấp khu vực, họ chưa được hưởng một chế độ phụ cấp nào khác. Càng bất hợp lý hơn khi lao động của họ chưa được xếp vào danh mục lao động nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Đây là sự thiệt thòi rất lớn đối với công nhân và người lao động ngành cà phê kéo dài hàng chục năm qua.

Không kể vai trò và những đóng góp của ngành cà phê trong quá khứ, dù đã qua thời hoàng kim thì hiện tại cà phê vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực với sản lượng trên 1,5 triệu tấn/năm, mang về nguồn ngoại tệ 3 tỷ USD cho đất nước. Để ngành cà phê phát triển bền vững, đã đến lúc Nhà nước cần có chính sách thỏa đáng đối với công nhân và người lao động.

Được biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp và người lao động để đưa vào dự thảo thông tư hướng dẫn xếp loại ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đây là cơ hội mà ngành cà phê rất cần nắm bắt và lên tiếng.

Theo tintaynguyen.com, 21/4/2020

Ý kiến bạn đọc ()
Nguyễn mạnh cường
22/04/2020 09:24

Nội dung tờ báo viết đúng sự thật 100% vì nhà tôi từ đời cha đến đời con đều làm công nhân ca phê.giống như thời vua chúa cha truyền con nối.cha hít thuốc sâu 20 năm đến lượt con cái.cha đã nghỉ hưu nhưng còn khó khăn phải làm tiếp của nhà.một năm cũng tắm 2-3 đợt thuốc sâu.thuốc cỏ.nên chia sẻ bài báo này mạnh mẽ để người công nhân người dân lao động làm cà phê có chế độ phúc lợi tốt hơn

Trả lời

Vũ Hoàng giang
22/04/2020 08:53

Mình hoàn toàn đồng ý hay quá

Trả lời


Xem thêm