Tìm về một trong “ngũ quý hà thủy” – Cá dầm xanh

2020-07-08 17:39:56

Với chất lượng thịt thơm ngon, cá dầm xanh được dân gian liệt vào danh sách “ngũ quý hà thủy”, sánh ngang cá anh vũ, cá lăng, cá chiên và cá bỗng.

Người dân ở một số địa phương phía Bắc thường nhầm lẫn cá dầm xanh là cá bỗng hay cá anh vũ. Tuy nhiên chúng là các loại cá khác nhau. Nếu như cá bỗng có thể nặng đến cả chục kg thì cân nặng tối đa của cá dầm xanh chỉ khoảng 5kg, thông thường dao động trong khoảng 2kg. Chúng là 2 trong 5 loài cá quý được dân gian xưng tụng “ngũ quý hà thủy” cùng với anh vũ, lăng và cá chiên. Trong đó, anh vũ và dầm xanh là 2 loại cá quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Trước đây, cá anh vũ và cá dầm xanh được liệt vào danh sách những đặc sản cao cấp dùng để dâng lên vua.

Cá dầm xanh có miệng dày và vảy óng ánh màu ửng xanh. Loại cá này có xương mềm, thịt ngọt, đặc biệt bộ trứng bùi ngầy ngậy rất hấp dẫn. Do vậy, cá dầm xanh có thể chế biến được nhiều món ăn ngon mà không sợ tanh và được dân sành ăn khắp nơi săn tìm.

Nhờ có chất lượng thịt thơm ngon nên giá cá dầm xanh trên thị trường hiện nay đang ở mức rất cao. Loại từ 1,5 – 2,9 kg/con có giá 350.000 đồng/kg, loại từ 3 – 4 kg/con được bán với giá 400.000 đồng/kg. Giá thu mua của thương lái là 250.000 đồng/kg. Khi lên đến bàn ăn, giá thành phải lên đến 600.000 – 700.000 đồng/kg. 

Giá trị kinh tế cao là vậy nhưng cá dầm xanh khá khó tính và yêu cầu cao. 

Đầu tiên, môi trường sống phải sạch, trong. Nếu nguồn nước đục và ô nhiễm, cá sẽ còi cọc và phát triển kém, thậm chí là chết. Do vậy, để nuôi được loài cá quý hiếm này, ao nuôi bắt buộc phải có nước chảy vào và lối nước chảy ra. Với những bà con ở gần thượng nguồn của sông, suối có thể tận dụng lợi thế này để nuôi cá dầm xanh.

Thứ hai, cá dầm xanh không ăn cám công nghiệp như các loại các khác. Thức ăn của chúng là cỏ, lá sắn, lá chuối, gốc lúa, mùn bã hữu cơ, các loại tảo và động vật không xương sống cỡ nhỏ. Đặc điểm này khiến thịt cá săn chắc, thơm ngon và đảm bảo sạch sẽ. Người nuôi có thể giảm bớt được chi phí thức ăn. Tuy nhiên, điều này cũng khiến bà con nuôi cá mất thêm công tìm kiếm thức ăn cho chúng. 

Bù lại, cá dầm xanh có ưu điểm là khả năng kháng bệnh rất tốt, không bị chết do thay đổi thời tiết bất thường - điều mà những bà con nuôi các loại cá thông thường luôn lo lắng. Đặc biệt, trong thời tiết giá rét, cá dầm xanh vẫn sinh trưởng tốt. Do vậy, các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta hoàn toàn có thể nuôi được loại cá này. Tỉ lệ sống của cá dầm xanh rất cao, đạt trên 95%.

Kinh nghiệm nuôi cá dầm xanh

Theo một số hộ nuôi cá dầm xanh, để cá tăng trưởng nhanh, bà con có thể cho ăn thêm các loại thức ăn có chứa tinh bột như ngô, cám gạo… Mỗi ngày nên cho ăn 3 lần vào sáng, trưa và tối. Buổi sáng nên cho cá ăn các loại thức ăn nhiều tinh bột như ngô hoặc cám gạo. 
Khi cá nuôi đạt kích cỡ từ 1,5 - 2 kg là có thể thu hoạch.

Nuôi cá dầm xanh không khó. Nhưng vấn đề là ở chỗ thời gian từ khi nuôi cho đến khi thu hoạch phải mất từ 3 - 4 năm. Do vậy, để thực hiện mô hình này, bà con phải xác định lâu thu hồi vốn. Giải pháp tối ưu là nuôi gối vụ để luôn có hàng để bán.

Nếu cần tư vấn kĩ thuật hay địa chỉ mua con giống, bà con có thể gọi điện đến tổng đài 1045 của mạng Viettel (ấn phím 2.2 để gặp chuyên viên hỗ trợ địa chỉ mua bán, ấn phím 5 để gặp chuyên gia hỗ trợ kĩ thuật) hoặc đặt câu hỏi trong mục Hỏi-đáp. Lưu ý, Cổng Nông Dân không phải là nơi bán giống, chúng tôi chỉ hỗ trợ tìm địa chỉ.

Chúc bà con thành công!

Cổng Nông Dân
 

Ý kiến bạn đọc ()
Trần Ngô Hoài Nam
09/07/2020 18:50

có bán con giống cho xin thông tin

Trả lời


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng