Ồ ạt mở rộng diện tích – Cam mất giá ngay đầu vụ

2018-11-09 16:17:42

Ở các tỉnh phía Bắc, tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch cam nhưng thời điểm này, giá cam đã xuống khá thấp, chỉ từ 15 – 20 nghìn đồng/kg. Mức giá này so với những năm trước đã giảm tới 30%.

Khoảng 2 tuần trở lại đây, trên khắp các tuyến phố, chợ, sạp hàng hoa quả trên địa bàn Hà Nội bày bán la liệt các loại cam. Tất cả đều treo biển với giá khá thấp, chỉ từ 15 – 20 nghìn đồng/kg. Các loại cam cũng khá phong phú về chủng loại, chủ yếu được gọi tên theo các vùng miền như: Cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Sành, cam Vinh trồng tại Bắc Giang, cam ngọt Hưng Yên…

Chị Mai - thương lái chuyên thu mua cam từ Bắc Giang về bán ở thị trường Hà Nội cho biết: Cam Vinh ở Bắc Giang đã bắt đầu thu hoạch khoảng 2 tuần nay, giá cắt tại vườn chỉ từ 8 – 10 nghìn đồng/kg và bán ra thị trường từ 15 – 18 nghìn đồng/kg. Do là đầu vụ cộng với giá cả phải chăng nên sức mua của người dân cũng tăng lên đáng kể. Hiện tại, trung bình mỗi ngày cả bán buôn lẫn bán lẻ, chị xuất ra thị trường trên dưới 5 tạ cam. Cũng theo chia sẻ của chị Mai, khoảng 3 - 4 năm trước, cam Vinh đầu vụ bán được 40 – 45 nghìn đồng/kg do hàng khan hiếm, nhưng thời gian gần đây, mỗi năm lại giảm thêm vài giá.

Còn chị Hải - thương lái bán cam tại chợ Hà Đông chuyên bán dòng cam ngọt Hưng Yên. Loại cam này có ưu điểm là ngọt đậm và ruột vàng, vì thế giá thường cao hơn các loại cam khác. Cách đây khoảng một tuần, cam ngọt còn bán được giá 30 nghìn đồng/kg nhưng hiện nay đã giảm xuống còn 20 - 25 nghìn đồng/kg. Mức giá này thấp hơn so với mọi năm khoảng 30%.

Diện tích trồng cam, bưởi của cả nước đang tăng chóng mặt. Ảnh: Internet

Nguyên nhân cam giảm giá mạnh so với mọi năm là do mấy năm gần đây, do cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều địa phương đã ồ ạt mở rộng diện tích. Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II.2018 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng thừa nhận, diện tích cây ăn quả có múi đang tăng trưởng chóng mặt. Đơn cử, năm 2017, đã có 22.000ha cây ăn quả có múi “phình ra” so với năm 2016, trong đó, diện tích cam hiện tại là 90.000ha, tăng 10.000ha; diện tích bưởi tăng 13.000ha so với năm 2016.

Mặc dù diện tích cây có múi liên tục tăng nhanh nhưng phần lớn quả có múi chỉ được tiêu thụ nội địa, xuất khẩu không đáng kể. Riêng quả bưởi thời gian qua có xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng qua đường tiểu ngạch vì chưa có trong danh sách các loại quả được Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam. Do đó, tuy mới là đầu vụ nhưng lượng hàng trong dân đã rất dồi dào nên giá giảm là điều khó tránh khỏi. Theo dự đoán của các thương lái, sắp tới khi vào mùa chính vụ, giá cam còn giảm mạnh hơn nữa.

Trước tình trạng phát triển ồ ạt diện tích cây ăn quả có múi như hiện nay, các tỉnh thành đã đưa ra quy hoạch diện tích cây có múi phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện canh tác từng địa phương. Thế nhưng ở nhiều nơi người nông dân vẫn đang mở rộng diện tích cây có múi bất chấp quy hoạch. Việc không tuân theo quy hoạch sản xuất sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường: Cung vượt cầu, "được mùa, mất giá", khó kiểm soát dịch bệnh, chất lượng sản phẩm không bảo đảm... Chính vì thế, nông dân vẫn là người quyết định chuyện canh tác của mình. Vấn đề quan trọng là khả năng nhận biết thị trường và sản xuất không chạy theo phong trào. Vì vậy, chuyện "vỡ trận" hay giải cứu cây có múi trong tương lai phần lớn phụ thuộc vào quyết định của bà con.

Phân tích của chuyên gia Agritech

(Tham khảo: nongnghiep.vn, vietnammoi.vn, vtv.vn, kinhtenongthon.vn)

Xem thêm: Bưởi, cam có thể đối mặt với nguy cơ "giải cứu"?


Xem thêm

Thịt heo ế chưa từng thấy

Doanh nghiệp liên tục đẩy khuyến mãi để kích cầu các mặt hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gà...