Nuôi vọp trong ao nuôi tôm, cá - Ý tưởng cho sự kết hợp hoàn hảo

2020-10-14 11:34:12

Nuôi trồng thủy sản là một trong những mũi nhọn kinh tế của nước ta. Những năm gần đây, diện tích nuôi trồng thủy sản không ngừng tăng lên. Bên cạnh nguồn lợi thu được, tác động xấu của việc nuôi trồng thủy sản đến môi trường cũng không hề nhỏ. Trong đó, ô nhiễm nguồn nước do chất thải từ trại nuôi là một trong những vấn đề đang khiến người nuôi thủy sản và chính quyền các địa phương phải đau đầu.

Để khắc phục vấn đề này, rất nhiều các phương án đã được đưa ra. Trong đó, giải pháp đơn giản và tối ưu nhất chính là việc nuôi kết hợp các loài thủy sản có khả năng sử dụng chất thải trong môi trường nước làm thức ăn. Và nuôi kết hợp vọp trong ao nuôi tôm, cá là ví dụ điển hình.

Vọp sống trong bùn đất sẽ hấp thu các chất thải của tôm, cá và các chất dinh dưỡng trong nước để tăng trưởng. Qua đó cải thiện được môi trường trong vuông tôm, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm, cá phát triển.

Mặt khác, vọp nuôi trong ao đất có ruột to, vị ngọt và ngon hơn khi nuôi trong lồng, bè. Đây là loài nhuyễn thể rất dễ nuôi, không đòi hỏi về mặt kỹ thuật, không dịch bệnh và chủ yếu ăn thực vật phù sa, tảo đáy, mùn bã… nên không tốn kém về chi phí. Vì vậy, nuôi vọp trong ao tôm, cá thực chất là thả con giống cho phát triển tự nhiên trong ao nuôi.

Vọp là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và được nhiều người ưa chuộng. Trên thị trường hiện nay, vọp đạt trọng lượng 10 - 12 con/kg có giá khoảng 45.000 đồng/kg. 

Như vậy, việc thả thêm vọp vào ao nuôi tôm, cá không chỉ giúp cải thiện môi trường ao nuôi mà còn góp phần tăng thêm thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Đây là mô hình có nhiều lợi ích, nên nhân rộng trong thời gian tới. 

Về mặt kĩ thuật, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

1.    Chọn con giống vọp

Bà con không chọn vọp bị hé miệng, nên chọn những con giống có kích cỡ đồng đều và mới thu về.
Trong quá trình vận chuyển con giống, tuyệt đối không để mưa và nước ngọt tiếp xúc với vọp. Để vọp quen với môi trường nước nuôi, bà con nên ngâm vọp 1 giờ trong nước. Việc này cũng giúp dễ dàng loại bỏ một số con chết.

2.    Thời gian thả giống

Thời gian thả con giống thích hợp là vào khoảng tháng 7 - 8. Nên chọn vị trí có bùn đáy khoảng 20 - 30 cm, có lớp đất mềm, dẻo là tốt nhất. Không rải vọp cùng một chỗ mà nên rải phân tán đều để vọp không bị vùi lấp, có thể hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng và phát triển đồng đều.

3.    Chăm sóc

Vì nguồn thức ăn của vọp có sẵn trong tự nhiên nên bà con chỉ cần duy trì xổ nước ra vào thường xuyên. Việc xổ nước đều đặn như vậy nhằm mục đích thay đổi nguồn nước, kích thích cho vọp và tôm tăng trưởng. Đồng thời tạo điều kiện để rong tảo tự nhiên và các sinh vật phù du phát triển, khi đó người nuôi sẽ tận dụng nguồn thực phẩm tự nhiên này để làm nguồn thức ăn cho vọp, tôm và các vật nuôi khác.

4.    Thu hoạch

Sau 10 - 12 tháng thả nuôi, vọp đạt kích cỡ 10 - 12 con/kg là có thể thu hoạch. Bà con tiến hành thu hoạch bằng cách dùng tay mò hoặc xả nước cạn rồi thu gom. 

Nếu cần tư vấn kĩ thuật hay địa chỉ mua con giống, bà con có thể gọi điện đến tổng đài 1045 của mạng Viettel (ấn phím 2.2 để gặp chuyên viên hỗ trợ địa chỉ mua bán, ấn phím 5 để gặp chuyên gia hỗ trợ kĩ thuật) hoặc đặt câu hỏi trong mục Hỏi-đáp. Lưu ý, Cổng Nông Dân không phải là nơi bán giống, chúng tôi chỉ hỗ trợ tìm địa chỉ.

Chúc bà con thành công!

Cổng Nông Dân

Ý kiến bạn đọc ()
Nguyễn Hoàng Anh
12/02/2022 15:52

Mô hình có tài liệu và kỹ thuật nuôi không? Tôi rất quan tâm đến mô hình này.

Trả lời

Huỳnh văn Tàu
26/10/2020 12:30

Mô hình rất có tiềm năng

Trả lời


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng