Nuôi rươi – Chi phí thấp mà thu nhập cao

2020-08-05 17:41:06

"Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy" – câu thơ truyền miệng trong dân gian từ những thập kỉ trước, ý nói đến mùa thì ra ruộng cào rươi. Thế nhưng đấy là thời mà rươi vẫn là món ăn chơi và ít người biết đến. Còn bây giờ, rươi đã trở thành mặt hàng đắt giá và được nhiều người tìm mua. Trên thị trường, một kg rươi có giá từ 400.000 đến 600.000 đồng. Chính vì có giá trị kinh tế cao nên việc khai thác quá mức đã khiến nguồn rươi tự nhiên đang ngày càng hạn chế. Bên cạnh đó, lối canh tác sử dụng nhiều chất hóa học như hiện nay cũng đã tác động không nhỏ đến số lượng loài này ngoài tự nhiên.  

Trước thực tế này, nhiều hộ dân đã đưa rươi vào nuôi thương phẩm bán tự nhiên. Rươi đem lại thu nhập cao mà chi phí đầu tư lại thấp. Mô hình nuôi rươi đang được nhiều nông dân lựa chọn để làm giàu.

Đôi nét về rươi

Rươi thuộc họ giun nhiều tơ. Môi trường sinh sống của chúng thường là các khu vực nước lợ, hoặc các khu vực tiếp giáp giữa môi trường nước lợ và nước ngọt. Một số loài nhỏ khác thuộc họ rươi có thể sinh sống cả trong môi trường biển.

Giá trị dinh dưỡng của rươi nhiều đến mức nào? 

Theo các chuyên gia, giá trị dinh dưỡng của rươi hoàn toàn không thua kém gì thịt bê non. Mỗi 100g rươi có đến 12.4g protid, 4.4g lipid, cung cấp cho cơ thể 92 calo. Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm…
Hầu hết các món ăn được chế biến từ rươi đều rất đặc sắc và thơm ngon khó cưỡng. 

Mô hình nuôi rươi thương phẩm

Ở nước ta, rươi tập trung nhiều ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Đặc biệt là ở Kinh Môn, Tứ Kỳ thuộc tỉnh Hải Dương và Tp. Hải Phòng. Tại Hải Phòng, nhiều nông dân đã nghiên cứu cách nuôi rươi trong ruộng theo mô hình sạch. Rươi không cần chăm sóc, cho ăn vì nó chỉ sinh sống tự nhiên ở môi trường sạch hoàn toàn, không bị ô nhiễm.

Còn tại Hải Dương, nông dân đã kết hợp mô hình rươi-lúa-cáy để tăng thêm thu nhập. Vai trò của rươi là xử lý các chất thải hữu cơ, tạo nên độ màu mỡ, tơi xốp và làm sạch cho các vùng đất ngập nước. Chính vì vậy, vùng đất sau khi thu hoạch rươi, bà con xuống giống trồng lúa sẽ cho năng suất rất cao. Điều quan trọng nhất với người làm rươi là không được sử dụng bất cứ một loại hóa chất nào trên đất. Cũng vì thế mà các sản phẩm rươi, cáy và lúa đều đạt tiêu chuẩn rất cao về an toàn thực phẩm. 

Để nuôi rươi thành công, bà con cần chú ý:

1.    Chọn môi trường nuôi 

Môi trường nuôi rươi quyết định phần lớn chất lượng của rươi. Môi trường thích hợp là bãi triều, ruộng lúa hoặc những nơi có nước thuỷ triều ra vào có độ mặn 0 – 10%. Diện tích tối thiểu để nuôi rươi là 500m2 có bờ bao và cao hơn mực nước đầm 30 – 50cm.

Đầm nuôi rươi là nơi không chịu ảnh hưởng từ rác thải sinh hoạt của người dân, đồng thời không bị ô nhiễm nguồn nước hay không khí. Bùn cát được chọn để lót đáy đầm theo tỷ lệ 2 phần bùn và 1 phần cát. Hàm lượng oxy tối thiểu của đầm nuôi là 4mg/l; độ pH từ 6,5 – 8,5.

2. Cải tạo đầm nuôi

Trong quá trình cải tạo đầm nuôi rươi, bà con cần tháo cạn đầm, ngăn không cho một số loài gây hại rươi nuôi xâm nhập vào đầm. Xung quanh đầm có thể trồng một số loại cỏ thân mềm hoặc lúa tạo sinh cảnh cho rươi và làm mát nước trong những ngày nắng nóng. 

Nếu nuôi trên đất trồng lúa thì khi tiến hành lấy nước vào ruộng, cần điều chỉnh độ mặn hợp lý để tạo môi trường phù hợp với rươi. Sau đó mới bắt đầu thả ấu trùng rươi vào ruộng.

3. Thu hoạch

Sau 6 tháng lấy giống và nuôi rươi đã có thể thu hoạch rươi trưởng thành hay rươi thành thục. Cách thu hoạch rươi như sau: Lấy nước vào đầm đến kỳ con nước, những con rươi thành thục sẽ nổi lên bề mặt nước và bơi ra cống để sinh sản. Rươi thành thục sẽ theo nước chui xuống đáy đầm, lúc này nhấc túi đáy và đổ rươi ra chậu.

Nếu cần tư vấn kĩ thuật hay địa chỉ mua con giống, bà con có thể gọi điện đến tổng đài 1045 của mạng Viettel (ấn phím 2.2 để gặp chuyên viên hỗ trợ địa chỉ mua bán, ấn phím 5 để gặp chuyên gia hỗ trợ kĩ thuật) hoặc đặt câu hỏi trong mục Hỏi-đáp. Lưu ý, Cổng Nông Dân không phải là nơi bán giống, chúng tôi chỉ hỗ trợ tìm địa chỉ.

Chúc bà con thành công!

Cổng Nông Dân

Ý kiến bạn đọc ()
Hoàng Văn Luân
10/12/2020 15:06

Tôi muốn tư vấn kỹ thuật nuôi rươi thương phẩm

Trả lời


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng