Nỗi lo sản xuất bim bim từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc

2020-06-20 10:39:56

Bim bim được sản xuất từ những nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ mang lại nhiều tiềm ẩn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ngày 14-6 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) số 17 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công An, khám nơi cất giấu nguyên liệu thực phẩm để sản xuất bim bim (hay còn gọi là snack), tại Đan Phượng, Hà Nội.

Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện 6.900 kg nguyên liệu để sản xuất bim bim các loại không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nỗi lo sản xuất bim bim từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc - ảnh 1

Gần bảy tấn nguyên liệu dùng để sản xuất bim bim không rõ nguồn gốc, xuất xứ được lực lượng chức năng thu giữ tại Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Tổng cục QLTT

Trước đó vào năm 2019, lực lượng chức năng cũng thu giữ một kho hàng hơn ba tấn nguyên liệu phụ gia, phẩm màu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chuyên dùng để sản xuất bim bim tại một cơ sở ở đội 3, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Trên tem mác cho thấy, tất cả đều có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Đặc biệt, chủ hàng khai nhận, đã mua số phụ gia này từ bên kia biên giới với giá rẻ rồi nhập lậu vào Việt Nam để bán cho các mối hàng quen chuyên sản xuất bim bim và các loại bánh kẹo khác. Điều này đã gây ra tâm lý lo sợ cho không ít người tiêu dùng hiện nay.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng bày tỏ mối lo ngại với bim bim giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và nguyên liệu sản xuất. "Nếu trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng những loại chất tạo màu không thuộc danh mục của Bộ Y tế cho phép thì chắc chắn sẽ gây hại ít nhiều cho người ăn", vị chuyên gia nói.

Ông cũng cho biết thêm, chưa xét đến khía cạnh nguyên liệu sản xuất, hầu hết những loại bim bim nói chung đều được chế biến công nghiệp ở nhiệt độ cao nên có lượng chất béo trans cao. Nếu người tiêu dùng tiêu thụ lâu dài sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề tim mạch.

Ngoài ra theo một chuyên gia dinh dưỡng khác, trong đồ ăn vặt này thường chứa lượng muối cao gây ảnh hưởng đến chức năng thận. "Khi trẻ ăn các sản phẩm ăn vặt này quá nhiều và uống nhiều nước sẽ gây đầy bụng, chán ăn, từ đó mất cân bằng dinh dưỡng cho trẻ", vị này cho biết.

Nỗi lo sản xuất bim bim từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc - ảnh 2

Thị trường bim bim đang mang lại nhiều lợi nhuận cho người kinh doanh và đơn vị sản xuất nhờ vào thói quen ăn uống của giới trẻ. Ảnh: Nguyên Hà

Trên thực tế, nhóm thị trường đồ ăn vặt bim bim đang mang lại nhiều lợi nhuận cho người kinh doanh nhờ vào nhu cầu ăn uống của thế hệ trẻ. Đây cũng là nhóm ngành có công nghệ sản xuất không quá phức tạp, giá thành lại dễ mua, dao động từ 2.000 đồng đến 20.000 đồng, nên không ít người kinh doanh nhỏ lẻ lẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước chen chân vào thị trường này. Do đó, ngành này cũng trở nên "thượng vàng hạ cám" về chất lượng.

Theo báo cáo tổng quan về thị trường snack được hãng nghiên cứu Statista công bố, ước tính đến năm 2021, tổng doanh thu của ngành này sẽ đạt 455 triệu USD, tương đương 10.400 tỉ đồng.

Theo plo.vn, 18/6/2020


Xem thêm