Làm giàu từ nuôi trăn – chuyện không khó!

2020-06-17 17:13:32

Là loài động vật ăn thịt với kích thước to lớn, rất nhiều người khi nói đến nuôi trăn đều cho rằng đây là một nghề mạo hiểm. Thế nhưng theo đánh giá của những người đã từng nuôi trăn, chúng chỉ có bề ngoài “hùng hổ”, còn tính lại rất lành. Bản năng săn mồi của trăn là siết chặt con mồi đến khi chết và nuốt chửng. Chúng không có nọc độc như rắn nên không quá nguy hiểm. Do vậy, thuần hóa trăn làm vật nuôi không khó như nhiều người vẫn nghĩ. Bên cạnh đó, nuôi trăn khá nhàn và không đòi hỏi nhiều sức lao động vì chúng chỉ cần ăn vài lần trong tháng, lại ít bệnh tật. Nghề nuôi trăn ở nước ta đã có từ nhiều năm nay, tuy chưa phổ biến nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. 

Mục Nghề mới mỗi tuần kì này, Cổng Nông Dân xin giới thiệu đến bà con mô hình nuôi trăn, giá trăn các loại trên thị trường và những lưu ý về kĩ thuật trong quá trình nuôi. 

Giá trị kinh tế của trăn

Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng trăn như một loại thuốc quý. Mỡ trăn dùng chữa phỏng, bôi vào vết ngứa trên da, các vết thương đang chảy máu sẽ cầm máu ngay. Mật trăn ngâm rượu dùng xoa bóp những chỗ đau nhức. Tiết trăn pha với rượu uống mát và rất bổ. Thịt, xương trăn nấu cao, dùng cho người già, trẻ em, phụ nữ rất tốt.

Ngày nay, ngoài những công dụng trên, người ta còn dùng da trăn để làm ví, cặp, đồ nữ trang có giá trị kinh tế rất cao. 

Các loại trăn được nuôi phổ biến hiện nay

Ở nước ta có 2 loại trăn được nuôi nhiều nhất là trăn đất (hay còn gọi là trăn mốc, trăn đen) và trăn gấm (trăn mắt võng, trăn vàng). Trăn đất: 2 tấm vảy môi trên đầu tiên có hõm, không có sọc đen giữa đỉnh đầu, mặt trên thân có hoa văn mạng lưới màu nâu vàng trên nền xám đen. Trăn gấm: 4 tấm vảy môi trên đầu tiên có hõm, có 1 dọc đen mảnh ở giữa đỉnh đầu, mặt trên thân có hoa văn mạng lưới màu đen trên nền vàng. Trăn đất có kích thước lớn, dễ nuôi và đẻ sai (100 trứng/lần); trăn gấm đẻ ít (15 - 80 trứng/lần), khó nuôi hơn nhưng lại có giá trị cao hơn trăn đất vì sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu đi nước ngoài.

Trăn đất

Trăn gấm

Nếu mới bắt đầu nuôi trăn, bà con nên thử nuôi thương phẩm trăn đất, vừa dễ nuôi, ít công chăm sóc, lại nhẹ vốn hơn.

Giá trăn các loại

So với thời kì đỉnh cao năm 2015, hiện nay giá trăn đã có phần giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao. 

Trăn mới nở: 140.000 - 150.000 đồng/con

Trăn đất loại 5 - 6kg/con: 165.000 đồng/kg

Trăn loại 10 - 35kg/con giữ mức khoảng 140.000 đồng/kg

Trăn đất loại 40kg/con trở lên có giá bán khoảng 220.000 - 230.000 đồng/kg trở lên. 

Trăn gấm chủ yếu được nuôi với hình thức làm cảnh nên không có mức giá cố định, phụ thuộc vào màu da. Trăn càng lạ, càng đột biến thì mức giá càng cao.

Lưu ý kĩ thuật

Theo kinh nghiệm của những người đi trước, nếu muốn nuôi trăn phải ghi nhớ 5 điều:

1.    Chọn con giống có trọng lượng ít nhất 120g. Trăn con mới đẻ phải có bóng đèn sưởi ấm cho chúng. Trăn nuôi chung phải cùng lứa để không cắn nhau.

2.    Chuồng trại phải làm kỹ, khóa cẩn thận để trăn không thoát ra ngoài. Không nên cho trẻ em đến gần trăn. Có thể dùng đệm lót sinh học để giảm công vệ sinh chuồng trại, giảm chi phí phòng trừ bệnh cho trăn, trăn có da bóng mượt và sạch.

Để trăn phát triển tốt, trong quá trình nuôi cần giữ gìn vệ sinh chuồng trại. Mùa nắng nên tắm cho trăn thường xuyên, còn mùa mưa thì không nên vì trăn sẽ bị lạnh, dễ mắc bệnh. 

3.    Mỗi khi đưa tay vào chuồng bắt trăn phải rửa sạch sẽ, không còn dính hơi thức ăn để chúng không cắn.

4.    Trăn từ khi nở cho đến khi sinh sản mất khoảng 2 năm. Trăn đực và trăn cái phải nhốt riêng. Lúc động dục, trăn cái rất dữ. Chúng thường bò tới bò lui khắp chuồng. Lúc này phải thả trăn đực vào chuồng ngay để phối giống và bốn ngày sau mới bắt trăn đực ra nuôi riêng. Trăn cái đã phối giống phải nhốt riêng để trăn ấp trứng; tuyệt đối không được thiếu nước uống cho trăn. 

5.    Đối với một con trăn trưởng thành có trọng lượng từ 5 - 6kg, mỗi lần chúng tiêu thụ khoảng 1kg thức ăn và cách 1 tuần cho ăn 1 lần.  Đối với trăn có trọng lượng từ 6 - 50kg, mỗi lần chúng tiêu thụ khoảng 2kg thức ăn và cách 1 tuần cho ăn 1 lần. Lượng thức ăn cho trăn phải tương xứng với trọng lượng từng con (bằng 2/10 trọng lượng trăn). Để chủ động nguồn thức ăn và giảm thiểu chi phí, bà con có thể liên kết với các cơ sở ấp gà vịt, lò mổ heo, các hộ chuyên sản xuất heo con để mua heo con ngộp chết, gà, vịt con ấp không đạt. Ngoài ra, chuột cũng là thức ăn khoái khẩu của trăn, vừa không tốn chi phí lại giúp diệt trừ động vật có hại. 

Nếu cần tư vấn kĩ thuật hay địa chỉ mua con giống, bà con có thể gọi điện đến tổng đài 1045 của mạng Viettel (ấn phím 2.2 để gặp chuyên viên hỗ trợ địa chỉ mua bán, ấn phím 5 để gặp chuyên gia hỗ trợ kĩ thuật) hoặc đặt câu hỏi trong mục Hỏi-đáp. Lưu ý, Cổng Nông Dân không phải là nơi bán giống, chúng tôi chỉ hỗ trợ tìm địa chỉ.

Chúc bà con thành công!

Cổng Nông Dân
 


Xem thêm

Nghề nuôi chim trĩ đỏ

Hơn 3 năm qua, nhờ nghề nuôi chim trĩ đỏ (chim trĩ) mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 15 triệu

Làm giàu từ nghề nuôi cá bớp

Cá bớp là một trong những cơ hội phát triển tốt về kinh tế cho bà con nông dân. Bởi vì loài cá này được biết đến là loài cá có nhiều chất dinh dưỡng