Làm gì để biến hạt gạo Việt thành “hạt vàng”?

2020-09-11 16:32:36

EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 mở ra nhiều cơ hội cho gạo Việt Nam. Lô  gạo ST20 đang được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn; trong khi thời điểm trước đây, gạo ST20 chỉ có giá 800 USD/tấn còn Jasmine là 520 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất mà gạo Việt Nam đạt được sau 30 năm tham gia xuất khẩu.

Ban hành quy định về xuất khẩu sang EU
Theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn/năm với mức thuế 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm. Nếu thực hiện tốt các quy định của EU và xuất khẩu được 80.000 tấn gạo, trong đó có 30.000 tấn gạo thơm theo hạn ngạch sang EU với giá bán cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của nước ta.

Hiện Việt Nam có 9 giống lúa thơm được hưởng hạn ngạch thuế quan khi xuất khẩu sang EU. Những giống lúa thơm đó là: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào. Loại gạo thơm giống lúa ST25 và ST24 được vinh danh "ngon nhất thế giới" mới được công nhận, nên sẽ được đề xuất bổ sung sau.

 EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn/năm với mức thuế 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm

Để kịp thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm sang EU được hưởng ưu đãi này, ngày 4/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang châu Âu. Theo đó, điều kiện chủng loại gạo thơm được chứng nhận gồm:
- Gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng (tổ/thôn, phường/xã, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố).
- Lô ruộng lúa thơm được kiểm tra bảo đảm độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%. Lô ruộng lúa thơm được kiểm tra 1 lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch và được lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định. 
- Về vấn đề kiểm dịch và đảm bảo an toàn thực phẩm, không chỉ gạo mà các sản phẩm nông sản khác xuất sang EU phải đảm bảo các yêu cầu sau: Không nhiễm các sâu bệnh mà phía EU quan tâm; phải được cấp mã số vùng trồng; có nguồn gốc xuất xứ và ghi rõ các biện pháp xử lý dịch hại trong chứng thư kiểm dịch trước khi xuất khẩu.

Doanh nghiệp đang thờ ơ thương hiệu gạo quốc gia
Từ năm 1989 đến nay, sau hơn 30 năm kể từ ngày lô gạo đầu tiên được xuất khẩu, gạo Việt Nam hầu như vẫn chưa có thương hiệu trên thế giới. Nhiều chính sách đã được đưa ra để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu nhưng đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả thực sự.

Trước đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến năm 2018 Bộ NN&PTNT chính thức công bố logo Thương hiệu gạo Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam có được logo thương hiệu gạo quốc gia, để từ đó có thể gia tăng khả năng nhận diện và giá trị gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm có logo, chưa có lô gạo nào của doanh nghiệp xuất khẩu nước ta đóng logo thương hiệu gạo Việt trên bao bì. Hiện phát triển thương hiệu gạo Việt vẫn mới chỉ dừng ở việc ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gạo quốc gia cho các tổ chức, cá nhân và được sử dụng đối với gạo trắng, gạo trắng thơm và gạo nếp trắng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo muốn được gắn thương hiệu gạo quốc gia cần phải đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế IFS, tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm hay đạt hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 hoặc tương đương. 

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tại chương trình Vấn đề hôm nay trên VTV1 phát sóng ngày 08/9/2020, trong tái cơ cấu nông nghiệp, ngành hàng lúa gạo là một trong những ngành hàng thành công trong những năm vừa qua. Nếu như cách đây hàng chục năm, các giống lúa chất lượng chỉ mới chiếm khoảng 35 - 40% diện tích trồng lúa trên cả nước, đến nay đã đạt con số 75 - 80%, thậm chí nhiều địa phương đạt đến 90% diện tích trồng lúa chất lượng.

Hiện gạo Việt Nam có ưu thế như: Bộ giống lúa phong phú, phù hợp với nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Những giống lúa này đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của thị trường khó tính. Đặc biệt là các giống lúa đặc sản như ST24, ST25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới. Điều đó thể hiện qua giá trị của gạo Việt Nam xuất khẩu tăng lên rất nhanh.

Trong năm 2020, nhiều lúc gạo Việt Nam đã vượt qua giá bán của gạo Thái Lan trên thị trường xuất khẩu. 

Bàn về xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, chiến lược ngành hàng lúa gạo trong thời gian tới vừa phải đảm bảo năng suất lúa, vừa nâng cao giá trị và chất lượng gạo để có giá bán cao hơn. Bên cạnh đó phải giảm chi phí sản xuất để nông dân có thu nhập cao hơn.

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm của EU là lựa chọn những sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao, sạch và an toàn cho sức khỏe.

Một trong những yếu tố tiên quyết để gạo Việt Nam chinh phục thị trường này là chất lượng. Nếu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất cấm sẽ rất khó nhập vào thị trường này. Do đó, doanh nghiệp, bà con nông dân phải thay đổi trong canh tác lúa theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất nhằm kiểm soát các khâu sản xuất. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo đảm sản phẩm cuối cùng đáp ứng chất lượng theo tiêu chuẩn của EU.

Công Nông Dân 


Xem thêm